BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh - “thủ đô mía đường”

Cập nhật ngày: 23/01/2012 - 05:57

Vụ chế biến mía đường 2011- 2012 đánh dấu sự trở lại của cây mía Tây Ninh qua sự kiện các nhà máy đường công suất lớn đã đầu tư nâng thêm công suất chế biến để tăng cường khả năng tiêu thụ mía cho nông dân. Trong đó, nhà máy đường 8.000 tấn mía/ngày của Công ty CP Bourbon Tây Ninh đã được nâng công suất lên 9.000 tấn mía/ngày. Nhà máy đường Biên Hoà Tây Ninh cũng đã nâng công suất từ 3.500 tấn mía/ngày lên 4.000 tấn mía/ngày. Như vậy kể từ vụ chế biến 2011-2012 này, tổng công suất chế biến mía đường ở Tây Ninh (kể cả Nhà máy đường Nước Trong) đạt đến 14.000 tấn mía/ngày. Với tổng công suất chế biến mía đường cao như vậy và vùng nguyên liệu đang hồi phục diện tích, Tây Ninh đang dần trở lại vị trí là “thủ đô mía đường” của cả nước.

Nông dân vui mừng khi năng suất mía tăng cao

Tây Ninh không chỉ có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu rất phù hợp với sự phát triển cây mía mà còn có hệ thống chế biến mía đường khá hiện đại với khả năng tiêu thụ đến hơn 2 triệu tấn mía cây mỗi năm. Công suất chế biến mía đường ở Tây Ninh vẫn còn có khả năng phát triển khi Công ty CP Bourbon Tây Ninh định hướng tăng công suất gấp đôi trong tương lai. Chính vì thế mà từ năm 2004 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lập quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu mía kèm theo các chính sách đầu tư, khuyến khích, hỗ trợ.

Theo quy hoạch vùng nguyên liệu mía được phê duyệt vào năm 2004, thì đến năm 2010 diện tích vùng nguyên liệu mía là 41.546 ha với năng suất bình quân dự kiến là 70 tấn/ha. Song song đó là các chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu, đầu tư phát triển giống mới, đầu tư vốn và hỗ trợ lãi suất cho nông dân trồng mía… Sau khi quy hoạch được phê duyệt, Nhà nước đã tăng cường vốn đầu tư phát triển hạ tầng vùng nguyên liệu mía. Cụ thể như Nhà nước đã đầu tư 164 tỷ đồng xây dựng hệ thống thuỷ lợi Tân Hưng lấy nước từ hồ Dầu Tiếng để tưới tiêu cho gần 10.000 ha vùng nguyên liệu mía Tân Biên. Sau đó, Nhà nước tiếp tục đầu tư thêm 80 tỷ đồng xây dựng hệ thống thuỷ lợi Tân Châu lấy nước từ hồ Tha La tưới cho vùng nguyên liệu mía trên địa bàn huyện Tân Châu. Ngoài ra, Nhà nước còn đầu tư xây dựng nhiều công trình trạm bơm khác và xây dựng nhiều tuyến đường giao thông để tạo điều kiện thuận tiện trong việc vận chuyển mía. Thống kê đến nay, Tây Ninh đã đầu tư khoảng hơn 2.000 tỷ đồng để tạo điều kiện thực hiện quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu mía. Ngoài ra, các nhà máy chế biến mía đường hằng năm cũng có đầu tư xây dựng hạ tầng trong vùng nguyên liệu mía, đồng thời có chính sách hỗ trợ vốn cho nông dân trồng và chăm sóc mía. Tất cả sản lượng mía đều được các nhà máy thu mua chế biến.

Thế nhưng, thực tế việc phát triển vùng nguyên liệu mía trong thời gian qua không ổn định được như dự kiến. Năm 2004, tổng diện tích mía toàn tỉnh thực hiện được gần 28.500 ha. Năm 2005 diện tích vùng nguyên liệu mía được nâng lên hơn 31.500 ha. Năm 2006 tiếp tục tăng lên gần 38.000 ha- đạt được hơn 90% diện tích mía theo quy hoạch. Thế nhưng đó cũng là năm diện tích mía ở Tây Ninh đạt cao nhất, bởi vì những năm sau đó diện tích mía liên tục giảm sút. Năm 2007 diện tích mía từ gần 38.000 ha giảm xuống còn khoảng 33.000 ha. Năm 2008 diện tích mía “tuột dốc” thê thảm hơn- từ 33.000 ha giảm xuống chỉ còn có hơn 18.800 ha- chỉ còn chưa đến phân nửa diện tích quy hoạch do lợi nhuận từ cây mía không bằng các loại cây trồng khác. Qua nhiều nỗ lực tăng cường đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước và các nhà máy chế biến, từ năm 2009 diện tích mía đã bắt đầu tăng trở lại.

Tuy nhiên, năm 2010 mới thực sự là năm đánh dấu rõ nét cho sự trở lại của cây mía trên đất Tây Ninh- đặc biệt là về năng suất. Về diện tích, năm 2010 vùng nguyên liệu mía đã được nâng lên khoảng 25.000 ha. Số diện tích mía tăng không nhiều so với các năm trước, nhưng tổng sản lượng lại tăng do năng suất mía tăng rất cao. Theo thống kê của ngành chức năng, năng suất mía từ trước đến năm 2009 chỉ đạt trên dưới 50 tấn/ha. Đến niên vụ 2010- 2011, năng suất mía bắt đầu gia tăng khá mạnh- đạt bình quân đến hơn 70 tấn/ha. Vụ chế biến này, các nhà máy thu mua vượt kế hoạch đến gần 30%. Công ty CP Bourbon Tây Ninh đầu vụ đề ra kế hoạch sản lượng mía thu mua chế biến là 650.000 tấn, nhưng thực tế đạt đến hơn 900.000 tấn. Nhà máy đường Biên Hoà- Tây Ninh cũng vậy, đầu vụ nhà máy đề ra kế hoạch sản lượng mía chế biến là 340.000 tấn, nhưng sản lượng thu mua thực tế lên đến gần 400.000 tấn.

Việc năng suất mía gia tăng mạnh không thể phủ nhận một phần là do yếu tố thời tiết thuận lợi, nhưng yếu tố đầu tư cho cây mía cũng góp phần rất quan trọng. Trong đó quan trọng nhất là việc khảo nghiệm, áp dụng đại trà các giống mía mới năng suất cao và định suất đầu tư ngày càng được tăng cường. Trong những vụ sản xuất gần đây, từ sự hướng dẫn của cơ quan chức năng và các nhà máy, nông dân trồng mía đã mạnh dạn thay đổi giống mía mới có năng suất cao như: K88-92, K95-156, K95-84, K93-347, LK92-11… thay thế các giống mía cũ lạc hậu. Đến vụ sản xuất mía năm 2010, diện tích mía trồng giống mới đã chiếm đến hơn 80% tổng diện tích vùng nguyên liệu. Điều này đã góp phần rất đáng kể làm tăng năng suất mía. Song song đó, chính sách đầu tư của các nhà máy cũng ngày càng được nâng cao. Trong vụ sản xuất 2010-2011 mỗi ha mía trồng mới được đầu tư lên đến hơn 25 triệu đồng và mía chăm sóc là từ 15 đến 20 triệu đồng/ha. Cây mía được chăm bón tốt hơn thì chẳng những năng suất tăng mà chất lượng (hàm lượng đường) cũng tăng theo. Với năng suất bình quân đạt đến 70 tấn/ha thì người nông dân trồng mía đã có lãi khá cao, đủ sức cạnh tranh với các loại cây trồng khác. Trong những tháng gần đây, khi giá khoai mì và giá cao su giảm nhiều thì cây mía càng có lợi thế cạnh tranh hơn và sẽ tiếp tục hồi phục nhanh hơn nữa.

Nhà máy SBT đã nâng công suất lên 9.000 TMN

Vụ sản xuất mía 2011, các nhà máy lại tiếp tục tăng định suất đầu tư và cung cấp các giống mía mới nên dự báo năng suất mía sẽ tiếp tục tăng. Tất cả các khoản đầu tư sản xuất 1 ha mía mới được nâng lên gần 30 triệu đồng/ha. Với mức đầu tư này thì năng suất mía đã được nâng lên cao hơn nữa. Qua sản lượng mía thu hoạch đầu vụ đánh giá thì năng suất mía năm nay bình quân có thể đạt đến 75 tấn/ha. Để có thể phục vụ tốt nhất nhu cầu tiêu thụ mía của nông dân ngày càng cao, năm 2011 hai nhà máy đường lớn nhất, nhì trong tỉnh quyết định tăng công suất chế biến như đã nêu trên.

Để tiếp tục tạo điều kiện cho lĩnh vực sản xuất và chế biến mía đường phát triển đạt hiệu quả cao nhất, Tây Ninh đã điều chỉnh quy hoạch phù hợp với tình hình sản xuất thực tế và có sự đầu tư hạ tầng vùng nguyên liệu tập trung hơn. Qua rà soát, ngành NN-PTNT đề xuất điều chỉnh diện tích vùng nguyên liệu mía đưa vào quy hoạch giai đoạn 2010-2015 là 36.343 ha, tập trung ở 49 xã thuộc 5 huyện là Châu Thành, Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu và Bến Cầu. Diện tích quy hoạch vùng nguyên liệu mía giai đoạn này có giảm so với quy hoạch giai đoạn trước hơn 5.000 ha, nhưng tính khả thi khi thực hiện sẽ cao hơn. Đáng chú ý trong quy hoạch điều chỉnh có phân chia vùng nguyên liệu cụ thể cho các nhà máy chế biến mía đường trong tỉnh.

Với đà phát triển cả về diện tích lẫn năng suất cây mía như hiện nay thì đến năm 2015 tổng sản lượng mía của Tây Ninh có thể sẽ đạt hơn 2,4 triệu tấn. Đây là con số sản lượng mía lớn nhất so với các tỉnh thành trong cả nước. Dự kiến lúc đó, Công ty SBT sẽ có sản lượng mía đưa vào chế biến khoảng hơn 1,4 triệu tấn/năm; Nhà máy đường Biên Hoà Tây Ninh có sản lượng mía chế biến mỗi năm khoảng hơn 800.000 tấn và Công ty CP đường Nước Trong có khoảng hơn 220.000 tấn mía nguyên liệu mỗi năm. Với sản lượng này thì các nhà máy có đủ mía nguyên liệu chạy suốt trong 5 tháng mỗi vụ chế biến.

Từ những tín hiệu lạc quan như vậy cho thấy cây mía Tây Ninh đang dần hồi phục để trở lại vị trí là cây thế mạnh và tỉnh Tây Ninh cũng đang dần trở lại vị trí là “thủ đô mía đường” của cả nước.

Sơn Trần