Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Từ những món chay dân dã, người dân Tây Ninh đã nâng tầm món chay thành những đặc sản tinh tế, phục vụ nhu cầu thưởng thức ẩm thực của du khách trong các nhà hàng chuyên biệt, cao cấp.
Bà Điệp chế biến món ăn.
Tây Ninh là vùng đất thánh của đạo Cao Đài; cũng có nhiều người theo đạo Phật, ước lượng có hơn 50% người dân địa phương ăn chay kỳ hay chay trường. Đó là chưa nói đến hàng triệu khách hành hương hằng năm đến du lãm, chiêm bái ở vùng đất này và thưởng thức ẩm thực chay. Những ngày lễ hội của đạo Cao Đài như lễ Vía Đức Chí Tôn hay Hội yến Diêu Trì cung là những ngày lễ hội ăn chay hoành tráng với hàng ngàn, hàng vạn du khách thưởng thức những bữa ăn chay ở Toà thánh Tây Ninh.
Có thể nói tôn giáo, tín ngưỡng của người dân Tây Ninh đã góp phần không nhỏ trong việc hình thành nét văn hoá ẩm thực chay rất riêng, phong phú và đa dạng. Trong nghệ thuật chế biến các món chay, tay nghề của nghệ nhân nấu món chay ở Tây Ninh được đánh giá cao, tạo nên nét đặc sắc của văn hoá ẩm thực vùng đất Tây Ninh; tô điểm thêm nhiều sắc thái cho đời sống văn hoá của cộng đồng dân cư nơi đây.
Với giá trị tiêu biểu, nghệ thuật chế biến món ăn chay ở Tây Ninh được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia vào ngày 12.1.2022.
Từ những món chay dân dã, người dân Tây Ninh đã nâng tầm món chay thành những đặc sản tinh tế, phục vụ nhu cầu thưởng thức ẩm thực của du khách trong các nhà hàng chuyên biệt, cao cấp. Khu ẩm thực sinh thái Phước Lạc Duyên (khu phố Hiệp Thạnh, phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh) là nhà hàng chay quy mô lớn ở Tây Ninh, với khoảng 500 món ăn chay. Anh Ngô Trần Ngọc Quốc- chủ nhân của nhà hàng Phước Lạc Duyên cho biết đã ấp ủ dự án về ẩm thực chay ở quê nhà từ 10 năm trước, sau 1 lần hướng dẫn đoàn khách nước ngoài đến nghiên cứu về Tây Ninh. “Tôi sinh ra và lớn lên tại Tây Ninh, từ nhỏ đã theo người lớn ăn chay, nấu món chay nên có tình cảm lớn đối với văn hoá ẩm thực chay. Tôi muốn xây dựng thương hiệu cho ẩm thực chay Tây Ninh, để du khách đến Tây Ninh là tìm thưởng thức món ăn chay”- anh Quốc chia sẻ.
Các món ăn chay ở Tây Ninh không đắt đỏ, đại đa số quán ăn chay trong tỉnh là bình dân, giá thành khá rẻ. Vì vậy, khi mở nhà hàng chay, giá cả là điều làm anh Quốc phân vân. “Giá một món ăn ở nhà hàng chỉ từ vài chục ngàn đồng, bởi tôi mong không riêng gì người có điều kiện mà người bình dân cũng có thể dùng món chay. Qua đó, góp phần tuyên truyền, quảng bá món chay Tây Ninh đến với nhiều người”- anh Quốc cho biết thêm, và kinh doanh ẩm thực thuần chay với anh bắt nguồn từ đam mê, thể hiện trách nhiệm của một công dân đối với nét văn hoá ẩm thực độc đáo quê mình.
Để mở quán, anh Quốc có gần 2 năm tham khảo, sưu tầm món ăn chay từ những “đầu bếp” dân gian. “Gần 2 năm tôi tổ chức những bữa ăn “Thiện duyên” vào thứ 3 và thứ 6 hằng tuần để nhiều người cùng đến nhận xét và chia sẻ về các món ăn chay. Qua đó tôi đã thu thập, sưu tầm được gần 500 món ăn”.
Anh Quốc chia sẻ về ẩm thực chay Tây Ninh.
Theo anh Quốc, đa số người theo đạo Cao Đài ăn chay mỗi tháng 10 ngày. Để món ăn chay tránh nhàm chán, người dân chế biến nhiều cách. Nhờ vậy mà món ăn chay ở Tây Ninh vô cùng đặc sắc so với món ăn chay của các vùng, miền khác. Với cách chế biến phong phú và đa dạng, sử dụng rau củ quả tươi, hạn chế- thậm chí không dùng những sản phẩm đóng hộp, có chất bảo quản, hoá học, những nón chay ở nhà hàng Phước Lạc Duyên hướng tới sự thanh đạm, an toàn cho sức khoẻ.
Bên cạnh những món ăn thuần chay còn có những món giả mặn, anh Quốc gọi đó là chay “trợ duyên”, tức là món chay dành cho người ăn mặn qua những tên gọi như “heo quay, sườn ram, gà chay…” để tập cho họ quen dần cách ăn chay, hướng đến mục đích không sát sinh.
Là một người có nhiều tâm huyết với ẩm thực chay Tây Ninh, anh Quốc cho rằng bảo tồn di sản văn hoá này, truyền bá và lưu giữ nó là trách nhiệm của mọi người. “Tôi hy vọng sắp tới sẽ có thêm nhiều người cùng tham gia lĩnh vực này để góp phần truyền bá văn hoá, trong đó, nên có sự tham gia của các doanh nghiệp lớn. Tôi mong muốn mọi người cùng đồng hành để lan toả ẩm thực chay đến nhiều người hơn”.
Bà Vũ Thị Điệp (xã Trường Hoà, thị xã Hoà Thành), bếp trưởng của Khu ẩm thực sinh thái Phước Lạc Duyên ăn chay trường từ năm 1976. Trước, bà làm nghề nấu đám tiệc tự do, khi Khu ẩm thực sinh thái Phước Lạc Duyên ra đời, bà về làm bếp trưởng tại đây. Bà Điệp cho biết, những món chay bà nấu sẽ được giữ lại hương vị tự nhiên, tinh tuý nhất của nguyên liệu. Bà đặt cho món ăn những cái tên khá thú vị như: gỏi tơ hồng, thảo mộc đoàn viên, thiên nhiên hội tụ, tứ quý song hành...
Đến Phước Lạc Duyên, thực khách sẽ được hoà mình vào không gian yên tĩnh với tiếng nhạc êm ái, cùng thưởng thức những món ăn chay độc đáo, lạ miệng, lại tốt cho sức khoẻ.
Vi Xuân