Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tây Ninh tiến tới hình thành “công nghiệp chăn nuôi”
Thứ sáu: 17:39 ngày 22/07/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, định hướng của Tây Ninh giai đoạn 2022-2025 và trong giai đoạn tới là phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đồng thời, đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi truyền thống theo hướng sản xuất hàng hoá chất lượng cao, an toàn.

Một nhà yến ở vùng nông thôn.

Đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết

Theo đó, tỉnh sẽ cơ cấu lại chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, phát triển chăn nuôi theo hướng liên kết các khâu sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm gắn với thị trường tiêu thụ; chăn nuôi quy mô lớn, tập trung ứng dụng công nghệ cao.

Để nâng cao sức cạnh tranh, một trong những giải pháp được ngành nông nghiệp quan tâm là tăng cường nghiên cứu, ứng dụng có chọn lọc các thành tựu khoa học công nghệ. Phát triển chăn nuôi quy mô lớn, công nghệ cao theo chuỗi giá trị ngành hàng là hướng đi chính trong giai đoạn này.

Đồng thời, xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi an toàn là giải pháp hữu hiệu nhằm đưa các sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng. Đó cũng là con đường ngắn nhất thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi, tạo chuỗi giá trị bền vững, ổn định kinh tế cho người chăn nuôi.

Do đó, tỉnh tập trung phát triển các chuỗi giá trị của các vật nuôi có số lượng lớn, có tiềm năng của tỉnh là heo, bò sữa, bò thịt, gà đẻ trứng, gà thịt và chim yến.

Việc xây dựng các chuỗi giá trị chăn nuôi của tỉnh nhằm gắn kết chặt chẽ giữa chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị nông sản, nâng cao đời sống nông dân, khai thác có hiệu quả lợi thế về điều kiện tự nhiên, xã hội và truyền thống chăn nuôi cũng như khai thác tốt thị trường tiêu thụ.

Dự báo giai đoạn 2022-2025, mức tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi của tỉnh bình quân khoảng 16,3%/năm; tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi so với tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 28,3% vào năm 2025.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, quy mô đàn đạt tối thiểu 550.000 con heo, 20.000 con bò sữa. 105.000 con bò thịt, 10.000.000 con gà (gà thịt 7.000.000 con, gà trứng 3.000.000 con), 1.000 nhà yến (sản lượng 6 tấn tổ yến).

Bò thịt nuôi theo hướng công nghiệp, khép kín ở một trang trại.

Đối với chuỗi giá trị chăn nuôi heo, tỉnh sẽ mở rộng, nâng cấp 2 chuỗi đã hình thành: chuỗi thịt heo tươi cung cấp cho các chợ truyền thống và chuỗi thịt heo tươi cung cấp cho các điểm cung cấp thịt heo an toàn.

Đồng thời, tỉnh phấn đấu hình thành chuỗi giá trị chăn nuôi, giết mổ công nghệ cao, bảo quản lạnh, pha lóc, chế biến sâu với mục tiêu dến năm 2025 chiếm 10% sản lượng thịt heo của tỉnh (hiện nay chưa có chuỗi này).

Đối với chuỗi giá trị chăn nuôi bò thịt, tỉnh sẽ mở rộng, nâng cấp các chuỗi giá trị đã hình thành như chuỗi thịt bò tươi cung cấp cho thị trường ngoài tỉnh; chuỗi thịt bò được giết mổ, bảo quản lạnh, pha lóc, chế biến sản phẩm; mục tiêu đến năm 2025, chuỗi này sẽ chiếm 15% sản lượng thịt bò của tỉnh (hiện nay là 7,4%).

Đối với chuỗi giá trị chăn nuôi bò sữa, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ sữa tươi được chế biến tại các nhà máy ngoài địa bàn tỉnh chiếm 50%; tỷ lệ sữa tươi được chế biến tại các nhà máy trong tỉnh chiếm 50% (hiện nay, sữa tươi chưa dược chế biến trên địa bàn tỉnh).

Đối với chuỗi giá trị chăn nuôi gà thịt, tỉnh sẽ mở rộng, nâng cấp các chuỗi giá trị đã hình thành, xây dựng các chuỗi giá trị mới; mục tiêu đến năm 2025 có 50% gà thịt được giết mổ theo chuỗi tại địa bàn tỉnh (hiện nay là 25%).

Một trang trại bò thịt.

Đối với chuỗi giá trị chăn nuôi gà trứng, tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi chiếm 90% sản lượng trứng gà của tỉnh (hiện nay là 88%). Đối với chuỗi giá trị chim yến, mục tiêu của tỉnh là thu hút đầu tư ít nhất 1 cơ sở chế biến tổ yến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào năm 2025; nâng tỷ lệ chế biến tổ yến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu là 30% vào năm 2025 (hiện nay chưa có).

Tỉnh khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp xây dựng cơ sở chế biến yến sào đạt chuẩn xuất khẩu. Đồng thời, cơ quan chuyên môn sẽ phối hợp với Hiệp hội Yến sào Việt Nam và các đơn vị có liên quan cấp mã số định danh cho từng nhà yến, qua đó kiểm soát được nguồn gốc, quản lý chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm để phục vụ nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu, nâng cao giá trị ngành hàng mà tỉnh đang có lợi thế.

Cần doanh nghiệp “đầu tàu”

Tây Ninh có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, địa lý, thị trường tiêu thụ… để phát triển chăn nuôi. Do đó, ngành chăn nuôi sẽ có cơ hội “cất cánh” nếu hướng đi đúng, có các giải pháp khoa học, phù hợp.
Hiểu rõ điều này, trong giai đoạn 2022-2025, tỉnh tiếp tục quan tâm tổ chức lại các khâu sản xuất.

Các yếu tố liên quan đến chăn nuôi sẽ soát xét kỹ như con giống sạch bệnh cho năng suất cao; chuồng trại tiên tiến, bảo đảm vệ sinh môi trường; thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y có giá thành thấp, bảo đảm chất lượng và thường xuyên được kiểm soát; phòng chống có hiệu quả các loại dịch bệnh động vật; chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm; đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghệ tiên tiến như thịt mát, bảo quản lạnh, pha lóc, đóng gói; đầu tư nhà máy chế biến sữa; đầu tư cơ sở tiệt trùng, đóng gói trứng gà; đầu tư nhà máy chế biến tổ yến đạt chuẩn xuất khẩu; tổ chức chế biến sâu các sản phẩm sau thịt, sữa... thành các dạng sản phẩm như thịt hộp, thịt xông khói, giò, chả, xúc xích, lạp xưởng...

Thời gian tới, tỉnh tập trung giải quyết khâu yếu nhất của chuỗi giá trị chăn nuôi trong thời gian qua là thiếu doanh nghiệp có năng lực hoạt động trong lĩnh vực giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để làm đầu tàu dẫn dắt toàn bộ hoạt động của chuỗi. Giải quyết được vấn đề này, tức là tỉnh đã giải được bài toán về chăn nuôi.

Chăm sóc bê sữa ở trang trại Vinamilk Bến Cầu.

Song song đó, tỉnh tiếp tục tăng cường thực hiện liên kết 4 nhà để phát triển chuỗi: nhà nông liên kết chặt chẽ với nhau theo từng nhóm gia trại, trang trại; nhà doanh nghiệp đảm nhiệm vai trò tổ chức sản xuất, cung ứng vật tư, nhiên liệu sản xuất, hỗ trợ, phổ biến kỹ thuật chăm sóc và thị trường tiêu thụ; nhà khoa học cung cấp đầu vào chất lượng cao cho chuỗi với chi phí rẻ; Nhà nước với vai trò định hướng, tạo điều kiện thuận lợi để 3 nhà còn lại liên kết với nhau, tạo ra các cơ chế hợp lý để giải quyết ổn thoả những tranh chấp giữa các nhà.

Đến thời điểm hiện tại, do thị hiếu của người tiêu dùng trong nước vẫn còn ưa chuộng sản phẩm "thịt nóng", vì vậy hướng phát triển các chuỗi giá trị chăn nuôi của tỉnh trong thời gian tới bao gồm các chuỗi thịt tươi và các chuỗi thịt được bảo quản lạnh, pha lóc, chế biến sâu.

An Khang

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục