Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Sau 45 năm, nhìn lại quá trình bảo vệ, xây dựng quê hương Tây Ninh, những ai đã từng chứng kiến sự kiện chiến thắng lịch sử ngày ấy vô cùng tâm đắc với sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế xã hội tỉnh nhà.
Mít tinh mừng chiến thắng 30.4.1975 tại sân vận động Tây Ninh. Ảnh tư liệu P.TK
Năm 2020, Việt Nam kỷ niệm 45 năm Ngày chiến thắng 30.4.1975, kết thúc thắng lợi 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc thoát khỏi hoạ xâm lược của thực dân, đế quốc. Điều đặc biệt nhất là năm nay đất nước ta, nhân dân ta kỷ niệm sự kiện trọng đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm trong lúc thế giới đang lao đao vì đại dịch Covid-19 với hơn ba triệu người mắc bệnh, hơn hai trăm ngàn người tử vong.
Trong khi đó, nước ta gần như đã khống chế được dịch bệnh ở con số hai trăm bảy mươi người nhiễm dịch và không ai tử vong. Phải chăng, ngẫu nhiên mà lịch sử lặp lại với hai chiến thắng của đất nước ta trước, sau 45 năm? Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên, hiện nay cũng như từ trước, nước ta chiến thắng là nhờ toàn dân, toàn quân cùng một ý chí, một quyết tâm, một lòng đoàn kết chống giặc dưới lãnh đạo của Đảng. Xưa là giặc ngoại xâm, nay là “giặc dịch bệnh”.
Sau 45 năm, nhìn lại quá trình bảo vệ, xây dựng quê hương Tây Ninh, những ai đã từng chứng kiến sự kiện chiến thắng lịch sử ngày ấy vô cùng tâm đắc với sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế xã hội tỉnh nhà. Thật ra, so với chiều dài thời gian, cũng như so với nhiều địa phương trong nước và trong khu vực Đông Nam bộ, Tây Ninh chưa phải là tỉnh phát triển.
Nhưng nếu so với những năm đầu sau ngày giải phóng, cũng như hoàn cảnh của địa phương vừa kết thúc 30 năm chiến tranh thì lại phải tiếp tục đương đầu với bọn diệt chủng Khmer Đỏ gây chiến tranh phá hoại biên giới thêm 5 năm nữa, phải đến đầu thập niên 1980, Tây Ninh mới thực sự hoà bình để bắt tay vào xây dựng quê hương, thì những kết quả đạt được thật đáng tự hào.
Ngày nay, lớp người trẻ mới sinh ra, lớn lên trong 45 năm qua thật khó mà hình dung được những khó khăn chồng chất của tỉnh nhà, vì có rất ít tài liệu ghi lại tình hình thực tế của giai đoạn những năm đầu sau giải phóng, trước thời kỳ đổi mới.
Những người làm báo Tây Ninh lúc ấy may mắn được một vị “cộng tác viên” thân thiết của Báo và là người đứng đầu của chính quyền, Đảng bộ tỉnh suốt 11 năm 1976-1987, đồng chí Đặng Văn Thượng, thường gọi là “chú Sáu Thượng” nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ tặng cho tập hồi ký Trên nẻo đường quê hương, xuất bản năm 2005 sau khi ông nghỉ hưu, nên có được những tư liệu hiếm hoi, quý báu của một thời Tây Ninh dù hết chiến tranh nhưng vẫn còn gian lao mà anh dũng.
Sau ngày giải phóng, Chi cục, rồi Cục Thống kê Tây Ninh đã liên tục thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và xuất bản các tập Niên giám ghi nhận đầy đủ những số liệu thống kê suốt hơn bốn thập niên qua ở Tây Ninh để phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà.
Sau ngày giải phóng, dân số trung bình năm 1976 của Tây Ninh là khoảng 655.000 người, sống trên địa bàn tỉnh có diện tích tự nhiên hơn 4.029km2, mật độ dân cư không đông lắm, chỉ có hơn 162 người/km2. Đất rộng, người thưa, đất đai nghèo kiệt, rừng nhiều nhưng phần lớn bị bom đạn tàn phá, đồng thời do chiến tranh liên miên nên ruộng rẫy cũng hoang hoá, sản xuất nông nghiệp chưa phát triển mạnh.
Thế nhưng, nông nghiệp vẫn chiếm tới 89% giá trị tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP), bởi lẽ, ngành công nghiệp lúc ấy hầu như chưa có gì (chỉ chiếm 2% GDP), thương nghiệp dịch vụ thì lẻ tẻ manh mún, chỉ có một số đơn vị mậu dịch quốc doanh cung ứng các mặt hàng nhu yếu phẩm cho cán bộ, công nhân, viên chức, người dân, đời sống trăm bề thiếu thốn.
Theo hồi ký của đồng chí Đặng Văn Thượng, tháng 2.1976, ông từ đơn vị quân đội được cấp trên điều động về làm Chính uỷ Tỉnh đội, rồi chuyển ngành làm Chủ tịch UBND tỉnh. Ngay những ngày đầu nhận nhiệm vụ mới, ông cùng tập thể lãnh đạo chính quyền tỉnh vấp phải khó khăn gần như nan giải.
Một trong những vấn đề đó là việc giải quyết tình trạng tỉnh không còn lương thực dự trữ, trong khi nông dân không có phân bón thúc cho đồng lúa. Buộc lòng đích thân Chủ tịch cùng với một vị Phó Chủ tịch và Giám đốc Công ty Lương thực phải đánh xe xuống miền Tây “vận dụng tình cảm” để đề nghị lãnh đạo các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đồng ý “đổi gỗ lấy lúa” (số gỗ quý của gia đình Ngô Đình Diệm khai thác hàng trăm mét khối chưa kịp vận chuyển khỏi rừng Tây Ninh thì bị đảo chính vẫn còn bỏ lại), đồng thời đổi một máy phát điện để tạm thắp sáng khu trung tâm tỉnh lỵ vì máy của “nhà đèn Tây Ninh” bị hư hỏng chưa sửa được.
Rất may, các tỉnh bạn không chịu đổi mà… tặng không cho Tây Ninh 1.000 tấn lúa và cả chiếc máy phát điện 300kW. Tuy nhiên trên đường về, hai vị lãnh đạo tỉnh lại bàn nhau, nhận 1.000 tấn lúa cũng không giải quyết được vấn đề một cách bài bản, chi bằng ghé thành phố Hồ Chí Minh gặp ông Bảy Máy, Bộ trưởng Bộ Lương thực “đổi lúa lấy phân U-rê” đem về cung cấp cho nông dân bón lúa, đến vụ thu hoạch bà con sẽ trả lại cho tỉnh bằng lúa. Sau chuyến đi đó, chẳng những tỉnh lo được một lượng vật tư nông nghiệp để phục vụ sản xuất lúa, mà còn tìm được “mối” để đổi bắp hạt, mì lát lấy phân bón cho nông dân làm rẫy.
Trong tập hồi ký, đồng chí Đặng Văn Thượng còn kể nhiều chuyện về phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà, nhất là chuyện về những năm xây dựng hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng, mà hàng trăm ngàn người dân Tây Ninh tham gia lao động tình nguyện trên “công trường Lòng hồ” những năm 1981-1985 mãi mãi không bao giờ quên.
Cũng trên lĩnh vực kinh tế, theo số liệu của Cục Thống kê, sản lượng lúa của năm 1976 Tây Ninh chỉ đạt 180.700 tấn, bình quân đầu người toàn tỉnh chỉ đạt 276kg. Từ đó cho đến 10 năm sau, năm đầu thời kỳ đổi mới 1986, tuy nông nghiệp luôn được coi là mặt trận hàng đầu, có vai trò “tạo đòn bẩy để thúc đẩy phát triển toàn bộ nền kinh tế của tỉnh”, nhưng tốc độ phát triển nông nghiệp vẫn không cao.
Giá trị sản lượng nông nghiệp giai đoạn “đêm trước đổi mới” chỉ tăng bình quân 1,52% mỗi năm. Năm 1986, mặc dù hệ thống thuỷ lợi đã hoàn thành, nước hồ Dầu Tiếng đã đổ vào hai kênh chính Đông, Tây nhưng vẫn chưa phát huy tác dụng nhiều vì mạng lưới kênh nội đồng chưa hoàn chỉnh nên nhìn chung năng suất cây trồng chưa có bước phát triển, tăng lên đáng kể. Sản lượng lúa qua 10 năm cũng chỉ tăng 2,34%, tức bình quân mỗi năm chỉ tăng 0,26%, gần như không đáng kể.
Điểm tương đối sáng trên mặt trận kinh tế giai đoạn này là cây đậu phọng “lên ngôi”. Sản lượng đậu phọng qua 10 năm tăng gần gấp đôi, năm 1986 đạt 19.808 tấn, bình quân mỗi năm tăng 7,74%.
Chợ Trảng Bàng sau ngày 30.4.1975. Ảnh tư liệu P.TK
Trong khi đó, hai cây trồng “truyền thống” được coi là “thế mạnh” của tỉnh là cây mía và cây mì thì diện tích lại sụt giảm bất thường. Nếu như năm 1976, sản lượng mía cây đạt tới hơn 576.600 tấn thì đến năm 1985 giảm xuống chỉ còn 384.448 tấn.
Lý giải chuyện này, những người trồng mía cho rằng, sở dĩ năm 1976 mía đạt sản lượng cao bởi vì “năm thứ hai”, là năm phát triển tốt nhất trong vòng đời 3 năm của cây mía giống cũ, tức sản lượng mía năm 1976 là kết quả của vụ mía trồng năm 1974, năm trước giải phóng. Rồi những năm sau đó thì điều kiện, đầu tư cho sản xuất mía ngày càng khó khăn. Và đến khi thu hoạch lại càng khó khăn nhiều hơn trong khâu tiêu thụ, chế biến mía đường, nên sản xuất mía giảm sút là điều không thể tránh khỏi.
Ngược lại với cây mía, cây mì (sắn) trong 10 năm sau giải phóng lại có điều kiện phát triển mạnh hơn. Năm 1976, sản lượng củ mì đạt 98.539 tấn, đến năm 1985 tăng lên 137.591 tấn. Mức tăng sản lượng mì giai đoạn này như thế là khá hơn cây mía nhiều, nhưng thật ra sự trồi sụt của hai cây trồng chính ở Tây Ninh những năm ấy cho thấy một “quy luật nghiệt ngã” của nông nghiệp Tây Ninh: mía lên - mì xuống và ngược lại mía xuống - mì lên. Vì sao như thế? Câu hỏi này cho đến thời kỳ đổi mới 1986-2000, Tây Ninh mới có được lời giải.
Thế nhưng khó khăn trong sản xuất nông nghiệp lúc bấy giờ còn bộc lộ ở một “mặt yếu” khác. Mặt yếu đến mức có thể gọi là một “mâu thuẫn”: “trúng mùa - được giá, được giá - thất mùa”. Những điều “oái oăm” trong sản xuất nông nghiệp Tây Ninh tưởng chừng nan giải, khiến cho người nông dân Tây Ninh ngày càng khốn đốn.
Trước tình cảnh đó, với vai trò lãnh đạo địa phương, trách nhiệm đặt lên vai Đảng bộ, chính quyền tỉnh hết sức nặng nề. Rất may “đêm trước đổi mới” rồi cũng đến. Bình minh của thời kỳ đổi mới bắt đầu từ năm 1986, khi đất nước ta chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…
Nguyễn Tấn Hùng
(Còn tiếp)