Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tây Ninh: Triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp huyện
Thứ năm: 09:48 ngày 23/02/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đến nay, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có bước phát triển, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 tăng trưởng cao 9,56%.

Nhà máy đường thuộc TTCS (ảnh minh họa)

UBND tỉnh vừa ban hành Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố (DDCI). Bộ chỉ số gồm 9 chỉ số thành phần: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; Tính năng động và hiệu lực thi hành; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Cạnh tranh bình đẳng; Hỗ trợ doanh nghiệp; Thiết chế pháp lý; Tính ứng dụng công nghệ thông tin; Tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất (áp dụng đối với tính điểm, xếp hạng ở các huyện, thị xã, thành phố). 

Đối tượng được đánh giá gồm các sở và tương đương: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Công Thương, Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế.

Các ban, ngành: Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan tỉnh, Cục Quản lý thị trường, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Công an tỉnh (Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ). UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Quyết định nêu rõ, hằng năm, căn cứ theo tình hình thực tế, cơ quan điều phối hoặc đơn vị tư vấn đề xuất điều chỉnh, bổ sung đối tượng được đánh giá và trình UBND tỉnh quyết định (nếu có).

Song song với việc ký Quyết định ban hành Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố (DDCI), Chủ tịch UBND tỉnh cũng có thư ngỏ gửi các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh về việc tham gia khảo sát đánh giá năng lực cạnh tranh sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021, Tây Ninh đạt 63,9 điểm, xếp thứ hạng 37, thuộc nhóm trung bình. So với năm 2020, chỉ số PCI năm 2021 của tỉnh bị tụt hạng (năm 2020 đạt 64,16 điểm, xếp hạng 24 thuộc nhóm khá trong cả nước). Tây Ninh bị đánh giá thấp đối với chỉ số “Tính minh bạch và tiếp cận thông tin” (5,51 điểm), “Cạnh tranh bình đẳng” (5,48 điểm) và “Đào tạo lao động” (5,19 điểm).

Chỉ số PCI chỉ phản ánh một bức tranh chung trong công tác điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh. Trong khi đó, các nỗ lực của chính quyền cấp tỉnh sẽ không đạt được kỳ vọng nếu việc triển khai các chính sách, quy định ở cấp sở, ban, ngành hoặc tại địa phương thuộc tỉnh không được triển khai, thực hiện một cách đồng bộ, có hiệu quả.

Trong thư ngỏ nêu: Việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 trong bối cảnh có những thuận lợi như tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt; các chính sách tài khóa, tiền tệ của Chính phủ đã phát huy hiệu quả; hoạt động sản xuất, kinh doanh có bước phục hồi.

Bên cạnh đó, nổi lên một số khó khăn mới như tình hình thế giới diễn biến phức tạp; trong nước thì giá nguyên, nhiên vật liệu và chi phí đầu vào tăng cao, vướng mắc về thể chế liên quan đầu tư, đất đai, khoáng sản chậm tháo gỡ đã tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp, ảnh hưởng rất lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Một cánh đồng mía lớn (ảnh minh họa)

Trước tình hình đó, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo địa phương với chính sách phù hợp, linh hoạt, khách du lịch quốc tế dần quay trở lại; khu vực dịch vụ phục hồi mạnh mẽ; tình hình kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá; hoạt động thương mại khởi sắc; đời sống vật chất của người dân được nâng cao; an sinh xã hội được bảo đảm.

Đến nay, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có bước phát triển, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 tăng trưởng cao 9,56%. Các ngành, lĩnh vực đều có tăng trưởng. Đạt được kết quả trên là có sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Thay mặt UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trân trọng cảm ơn quý doanh nghiệp đã chung sức, đồng lòng chung tay cùng với tỉnh nỗ lực khắc phục khó khăn, kịp thời điều chỉnh phương án sản xuất kinh doanh, sáng tạo trong quản trị doanh nghiệp để thích ứng với tình hình mới.

Một trong những hoạt động nhằm cụ thể hóa chủ trương “Đồng hành cùng doanh nghiệp” là việc triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh của các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố (DDCI).

Hoạt động chế biến tinh bột mì ở một doanh nghiệp (ảnh minh họa)

Kết quả đánh giá chỉ số DDCI sẽ là một giải pháp hữu hiệu và đồng bộ để cải thiện chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền địa phương, từ đó tạo môi trường thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, các doanh nghiệp đang hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy tỉnh Tây Ninh bức phá trong cải cách hành chính và thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội…

Đây là năm đầu tiên, UBND tỉnh Tây Ninh triển khai lấy ý kiến doanh nghiệp về đánh giá năng lực của cấp chính quyền tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh rất mong quý doanh nghiệp quan tâm, dành thời gian tham gia trả lời khách quan, công tâm đối với những nội dung trong 2 phiếu khảo sát.

DDCI với cách tiếp cận tập trung vào “kết quả thực hiện” công việc của các sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố qua đánh giá của doanh nghiệp, mà không phải là “đầu ra của các hoạt động” của các đơn vị. Do đó, báo cáo đánh giá DDCI sẽ cung cấp thêm một góc nhìn mới, làm rõ hơn về kết quả công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của các sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố.

Thực tiễn cho thấy điểm trung bình PCI giữa các tỉnh, thành phố có triển khai đánh giá DCI/DDCI trong giai đoạn 2014-2020 cao hơn 5,2 điểm so với các địa phương chưa triển khai đánh giá. Điểm số các chỉ số thành phần của những tỉnh/thành phố áp dụng đánh giá DCI/DDCI cũng cao hơn so với các địa phương không có đánh giá.

An Khang

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục