BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh tụt hạng “chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2012”: Kết quả của sự “cảm nhận theo nhiệt kế doanh nghiệp” (?!)

Cập nhật ngày: 21/03/2013 - 09:18

(BTN)- Sau nhiều năm kiên trì “leo dốc” trên bảng xếp hạng “Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI - Provincial Competitiveness Index)”, từ nhóm tỉnh “Tương đối thấp” (thứ hạng 56 năm 2007) lên nhóm “Trung bình”, rồi “Khá” và “Tốt” (thứ hạng 25 năm 2011); đến năm 2012 Tây Ninh bỗng dưng tụt đến 32 bậc, rơi xuống nhóm “Trung bình” (thứ hạng 57/63 tỉnh, thành cả nước). Rõ ràng đây là tình trạng “tụt dốc không phanh”, gây sốc cho những ai quan tâm đến tiến độ phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà.

Bối cảnh Đông Nam bộ phản chiếu qua PCI 2012

Nhìn lại năm 2012, chúng ta thấy trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế đất nước, tỉnh Tây Ninh vẫn duy trì đà tăng trưởng kinh tế, GDP ước tăng 12,5% so cùng kỳ; trong đó: giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp tăng 5,5%; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ước thực hiện 12.067 tỷ đồng, tăng 16,9%; các ngành dịch vụ ước thực hiện 12.072,3 tỷ đồng, tăng 14% so cùng kỳ. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá: nông, lâm, ngư nghiệp chiếm tỷ trọng 36,8%; công nghiệp, xây dựng chiếm 28,3% và dịch vụ chiếm 34,9%.GDP bình quân đầu người đạt 2.025 USD… Kết quả đó cho thấy, tuy có những chỉ tiêu chưa đạt theo kế hoạch đề ra (chẳng hạn chỉ tiêu GDP theo kế hoạch là 14% trở lên), nhưng vẫn ở mức tăng trưởng cao so với bình quân chung cả nước. Thế tại sao “dưới con mắt doanh nghiệp” (việc xếp hạng PCI căn cứ vào kết quả điều tra từ khoảng hơn 8.000 doanh nghiệp ở 63 tỉnh, thành trên cả nước), năng lực cạnh tranh của Tây Ninh lại sụt giảm mạnh như thế?

Kết quả PCI 2012 có 50% doanh nghiệp nhận xét tỉnh Tây Ninh ưu đãi doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Trong ảnh, hoạt động sản xuất ở một doanh nghiệp FDI trong KCN Trảng Bàng. - Ảnh Hoàng Anh 

Tham khảo hồ sơ PCI năm 2012 các tỉnh, thành do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) và Dự án sáng kiến cạnh tranh Việt Nam của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID/VNCI) công bố hôm 14.3.2013 tại Hà Nội, chúng ta thấy một số điểm đáng chú ý như sau (xin không nhắc đến kết quả điều tra chung trên cả nước, chỉ nhìn riêng khu vực Đông Nam bộ, tức là các tỉnh, thành gần Tây Ninh với những đặc điểm tự nhiên và kinh tế không khác nhau nhiều lắm).

So với kết quả PCI năm 2011, gần như hầu hết các tỉnh, thành khu vực Đông Nam bộ đều giảm sút ít nhiều trên bảng xếp hạng. Nếu như trong năm 2011 khu vực này có tỉnh được xếp vào nhóm “Rất tốt” (Bà Rịa - Vũng Tàu đứng thứ 6, Bình Phước đứng thứ 8), các tỉnh thành còn lại đều là “Tốt” và”Khá”, không có tỉnh “Trung bình”; thì ở năm 2012 khu vực Đông Nam bộ không có tỉnh “Rất tốt”, chỉ có Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh còn đứng ở nhóm “Tốt”, tỉnh Bình Dương sau nhiều năm đứng ở tốp đầu bảng nay cũng tụt xuống nhóm “Khá”. Đáng chú ý là tỉnh Bình Phước, từ vị trí thứ 8, tụt xuống vị trí thứ 39 (tụt 31 bậc, tương đương với Tây Ninh, tụt 32 bậc). Về điểm số (tổng điểm 100), giữa các tỉnh Đông Nam bộ cũng chênh lệch không nhiều lắm. Tỉnh cao nhất (Đồng Nai, đứng thứ 9) là 62,69 điểm, tỉnh thấp nhất (Tây Ninh, đứng thứ 57) là 51,95 điểm. Như vậy, khoảng cách khá xa về thứ hạng chưa hẳn đã nói lên sự cách biệt về năng lực cạnh tranh.

“Cảm nhận” về Tây Ninh

Đối với tỉnh Tây Ninh, sự xem xét điểm số của từng chỉ số thành phần sẽ cho chúng ta cái nhìn chi tiết hơn về cảm nhận của các doanh nghiệp đối với môi trường đầu tư phát triển kinh tế của tỉnh. Theo bảng điểm PCI có 9 chỉ số thành phần được tổ chức điều tra lấy ý kiến từ các doanh nghiệp, đó làcác chỉ số: Chi phí gia nhập thị trường (khi doanh nghiệp khởi sự kinh doanh ở tỉnh); Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước; Chi phí không chính thức; Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; Đào tạo lao động; Thiết chế pháp lý.Qua kết quả PCI năm 2012 được công bố, Tây Ninh có những chỉ số thành phần đạt điểm số khá cao như: Tiếp cận đất đai đạt 8,34 điểm (năm 2011 là 7,34 điểm); Gia nhập thị trường đạt 8,59 điểm (năm 2011 là 8,53 điểm); các chỉ số có tăng lên như: Đào tạo lao động đạt 5,31 điểm (năm 2011 là 4,51 điểm), Dịch vụ hỗ trợ đạt 4,41 điểm (năm 2011 là 3,49 điểm). Nhưng điều đáng chú ý hơn là những chỉ số thành phần Tây Ninh bị “mất điểm” so với năm trước. Đó là Tính năng động chỉ có 3,16 điểm (năm 2011 là 5,77 điểm); Tính minh bạch chỉ có 4,07 điểm (năm 2011 là 5,79 điểm); Chi phí không chính thức còn 5,18 điểm (năm 2011 là 8,75 điểm), Chi phí thời gian còn 5,45 điểm (năm 2011 là 5,55 điểm) và Thiết chế pháp lý chỉ còn 3,40 điểm (năm 2011 là 6,20 điểm).

Điều gì đáng rút ra từ sự so sánh điểm số kể trên? Rõ ràng kết quả PCI năm 2012 (kể cả của năm 2011) cho thấy các doanh nghiệp nhận định đúng về những cố gắng của tỉnh trong việc giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh trên lĩnh vực quản lý đất đai ở Tây Ninh. Mặc dù trong những năm qua, ở tỉnh ta tình trạng khiếu kiện về đất đai xảy ra không phải là ít và càng không phải đơn giản, nhất là tình trạng khiếu kiện đông người ở các khu vực dự án phát triển kinh tế cũ cũng như mới, nhưng với sự nỗ lực tập trung, kiên trì giải quyết đúng pháp luật của lãnh đạo tỉnh đã đem lại kết quả là doanh nghiệp đánh giá cao sự tiếp cận đất đai và tính ổn định trong việc sử dụng đất. Điểm thứ hai được đánh giá cao là các doanh nghiệp được tạo điều kiện để khởi sự kinh doanh một cách thuận lợi hơn, với chi phí gia nhập thị trường ngày càng ít đi (nên điểm số cho chỉ số này ngày càng tăng lên). Bên cạnh đó, việc thực hiện 3 chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội IX của Đảng bộ tỉnh cũng đem lại kết quả cụ thể, thiết thực về các mặt phát triển nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở hạ tầng mà các doanh nghiệp ghi nhận qua việc “cho điểm” các hoạt động “Đào tạo lao động”và “Dịch vụ hỗ trợ” tăng lên. Điều này cho thấy “cảm nhận” của doanh nghiệp không phải là không nhạy bén, hay không chính xác.

Nếu như sự phân tích các chỉ số “tăng điểm” nêu trên là có cơ sở thực tế, thì đối với các chỉ số bị “tụt điểm” càng đáng chú ý hơn. Đó là việc: vì sao “Tính năng động” và “Tính minh bạch” không được đánh giá cao? Phải chăng do chỉ số thành phần này chỉ có gửi phiếu điểm cho doanh nghiệp mà không được tổ chức khảo sát tại Tây Ninh (theo báo cáo PCI năm 2012), hay vì lý do nào khác? Điều này thiết nghĩ lãnh đạo chính quyền tỉnh cần có sự rà soát lại để tìm ra nguyên nhân thực sự của nó. Tuy nhiên, sự rà soát ấy phải được đặt trên tinh thần cầu thị nhằm khắc phục điểm yếu nếu có. Một điểm đáng chú ý nữa là: vì sao doanh nghiệp lại cho là họ phải tốn kém nhiều “chi phí không chính thức” ở Tây Ninh? Bản chất của loại “chi phí” này thực ra là những khoản chi mang tính tiêu cực, như thế phải chăng còn có vấn đề nhũng nhiễu doanh nghiệp trong quá trình họ đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh tại Tây Ninh?

Động thái nào là phù hợp?

Qua nghiên cứu báo cáo PCI năm 2012 với kết quả không mấy vui vẻ của tỉnh nhà, chúng tôi thiết nghĩ, dù đây không phải là sự xếp hạng, phân loại chính thống của Nhà nước đối với cấp tỉnh, thành trực thuộc Trung ương, nhưng cũng là tấm gương phản chiếu để cấp tỉnh nhìn lại hoạt động điều hành phát triển kinh tế xã hội địa phương. Chắc chắn là tổ chức thực hiện điều tra này không nhằm mục đích nào khác là giúp địa phương nhận ra thế mạnh, điểm yếu của mình nhằm tìm ra cách khắc phục thoả đáng, đem lại kết quả phát triển ngày càng tốt hơn cho địa phương, góp phần đẩy mạnh phát triển đất nước. Tuy nhiên, thực tế hằng năm cho thấy khi kết quả PCI được công bố, hầu hết các địa phương đều có phản ứng, cả tiêu cực và tích cực. Tiêu cực là sự phản đối, không thừa nhận kết quả PCI. Tích cực là tỉnh tổ chức nghiên cứu từng chỉ số thành phần PCI, đối chiếu với thực tiễn tại địa phương, từ đó có biện pháp “kéo giảm” những điểm còn hạn chế, tức là tạo ra sự tiến bộ nhất định trên các lĩnh vực phát triển kinh tế địa phương.

Thời gian qua tại khu vực Đông Nam bộ, sự phản ứng đó thể hiện khá rõ nét. Điển hình như trường hợp của tỉnh Bình Phước năm 2011. Nhờ sự phản ứng tích cực của chính quyền tỉnh như thành lập hẳn một bộ phận nghiên cứu PCI để tham khảo học tập tỉnh bạn, đề xuất giải pháp cho địa phương, và lãnh đạo tỉnh có những quyết sách phù hợp, Bình Phước đã nhanh chóng thăng hạng từ vị trí thứ 36 năm 2010 lên vị trí thứ 8 năm 2011. Đối với tỉnh ta, mọi người hẳn còn nhớ, năm 2008 khi Tây Ninh đứng gần chót bảng PCI (hạng 56/63 tỉnh, thành), lãnh đạo tỉnh đã tổ chức mời các nhà “làm PCI” ở Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam đến Tây Ninh nghiên cứu và đề xuất với tỉnh những việc cần làm, đồng thời tỉnh có sự tập trung chỉ đạo các hoạt động xúc tiến đầu tư mạnh mẽ hơn, kết quả Tây Ninh đã “thăng hạng” đáng kể trên bảng kết quả PCI các năm sau. Nên chăng, động thái tích cực đó cần được tạo ra để Tây Ninh lại “vượt dốc” ngoạn mục trong năm tới.

Nguyễn Tấn Hùng