Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tây Ninh: Ứng phó khẩn cấp bệnh dịch tả lợn châu Phi
Thứ bảy: 20:08 ngày 23/02/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 22.2, UBND tỉnh Tây Ninh triển khai kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hiện có 116 trang trại chăn nuôi heo, trong đó có 70 trang trại chăn nuôi gia công cho các công ty, tập đoàn (chiếm tỷ trọng lớn đối với ngành chăn nuôi toàn tỉnh. Trước tình hình bệnh dịch tả lợn (heo) Châu Phi đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây lan, ngày 22.2, UBND tỉnh đã triển khai kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch này.

Ông Nguyễn Văn Mấy- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tây Ninh phát biểu tại hội nghị.

Buổi triển khai kế hoạch có sự tham dự của đại diện 27 trang trại chăn nuôi lợn, đại diện Công ty CP chăn nuôi CP, GreenFeed Việt Nam, Trưởng trạm chăn nuôi và thú y các huyện, thành phố, Trưởng ban tại 95 xã, phường, thị trấn và các sở, ngành liên quan.

Ông Nguyễn Văn Mấy- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, đầu năm 2019, Bộ NN&PTNT báo cáo đã phát hiện hơn 200 con lợn mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại Hưng Yên và Thái Bình. Ngay sau khi phát hiện dịch, các cơ quan chức năng đã áp dụng mọi biện pháp để ngăn chặn. Người dân cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để ứng phó, không để dịch bệnh lây lan.

Tại Tây Ninh, nhằm chủ động ngăn chặn, giám sát, phát hiện sớm trước khi bệnh dịch xâm lấn trên địa bàn, UBND tỉnh ban hành kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch. Mục tiêu của kế hoạch nhằm giảm thiểu thấp nhất nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn tỉnh, kiểm soát vận chuyển buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc; khách du lịch, phương tiện đi lại và phương tiện vận chuyển đến từ các nước, vùng đã, đang có dịch bệnh và có nguy cơ lớn xảy ra dịch, hoạt động của cư dân biên giới.

Chủ động giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện sớm các trường hợp lợn mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi để xử lý triệt để, không để lây lan ra diện rộng. Giảm thiểu tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội, môi trường do bệnh này gây ra.

Ngành chức năng nhận định, nguy cơ bệnh dịch tả lợn Châu Phi từ nước ngoài xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc và tại các địa phương có chăn nuôi lợn với số lượng lớn, địa phương có nhiều khách du lịch đến từ các nước, các vùng có dịch bệnh là rất cao.

Theo kế hoạch, UBND tỉnh đề các ra các giải pháp cụ thể làm cơ sở cho các sở, ngành liên quan và các địa phương triển khai thực hiện. Đồng thời đề ra tình huống phòng ngừa khi bệnh dịch chưa xâm nhiễm và hướng xử lý khi phát hiện bệnh dịch tại địa bàn tỉnh.

Để thực hiện, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp địa phương, nhất là những nơi có nhiều khu chăn nuôi tập trung có kế hoạch cụ thể để triển khai ngay và phù hợp với điều kiện thực tế. Đảm bảo chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, trang thiết bị cần thiết sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh xảy ra.

Bên cạnh đó, tỉnh đặc biệt chú ý đến việc giám sát lưu hành vi rút gây bệnh, tổ chức dập dịch kịp thời khi phát hiện, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân biết và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch.

Trường hợp phát hiện ổ dịch, phải lập tức tiêu hủy ngay đàn lợn nhiễm bệnh và những đàn lợn ở khu vực xung quanh có nguy cơ nhiễm bệnh, xử lý các vấn đề môi trường không cho bệnh dịch lây lan.

Một trang trại nuôi heo gia công trên địa bàn huyện Châu Thành- Ảnh minh họa.

Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), đến nay đã có 20 quốc gia xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi và đã có hơn 1,08 triệu con buộc phải tiêu hủy. Tại Trung Quốc, bệnh dịch này cũng đã xuất hiện 105 ổ dịch tại 25 tỉnh, trong đó có tỉnh Vân Nam và Quảng Đông gần biên giới với Việt Nam, buộc phải tiêu hủy gần 1 triệu con lợn các loại.

Ông Nguyễn Thành Thúc- Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tây Ninh cũng đã yêu cầu các hộ chăn nuôi phải khai báo, cung cấp thông tin cho cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương khi phát hiện có lợn bệnh, lợn chết bất thường để lấy mẫu giám sát. Đồng thời thường xuyên lấy mẫu đối với nguồn lợn nhập để chủ động giám sát và phát hiện sớm, xử lý kịp thời.

Đối với các trang trại nhỏ, ông Thúc cho biết, giải pháp để ngăn ngừa chủ yếu là thông tin tuyên truyền, vận động thuyết phục người chăn nuôi thực hiện biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng, đồng thời thực hiện các chương trình hỗ trợ tiêm phòng đối với các nguồn xác định trong hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

“Bệnh dịch tả lợn Châu Phi chỉ lây nhiễm cho loài lợn, không lây nhiễm cho loài động vật khác và không lây bệnh cho con người. Do đó, bà con trong tỉnh yên tâm và tiêu dùng sản phẩm thịt heo khi chúng ta nấu chín kỹ và mua những sản phẩm thịt lợn rõ nguồn gốc”- ông Thúc khuyến cáo.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm do một loại vi rút trong máu, dịch bài tiết từ lợn nhiễm bệnh gây ra. Bệnh gây sốt cao, xuất huyết nặng và có thể gây chết 100% số lợn mắc bệnh.

Bệnh này chỉ lây nhiễm trên loài lợn (bao gồm lợn rừng và lợn nhà), không gây bệnh cho các loài động vật khác, không lây sang người. Bệnh lây chủ yếu trực tiếp từ lợn mắc bệnh sang lợn khỏe mạnh; ngoài ra, bệnh có thể lây lan gián tiếp thông qua thức ăn thừa dùng để chăn nuôi, phương tiện, dụng cụ chăn nuôi,… Hiện nay, chưa có vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Năm 1921, bệnh tả lợn lần đầu tiên xuất hiện tại Kenya, sau đó lây lan nhanh chóng trở thành dịch ở nhiều nước châu Phi. Đến nay, bệnh tả lợn châu Phi xảy ra ở nhiều nước trên thế giới. Từ cuối năm 2017 đến nay có 12 quốc gia ghi nhận bùng phát dịch tả lợn châu Phi.


Tâm Giang

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục