Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 2.7 đã có thêm tỉnh Bến Tre phát hiện bệnh dịch tả heo châu Phi. Như vậy, đến chiều ngày 2.7, trong cả nước chỉ còn hai tỉnh Tây Ninh và Ninh Thuận chưa phát hiện loại dịch bệnh này.
Trước tình hình này, công tác phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi ở tỉnh ta được tăng cường tối đa. Tại những huyện giáp ranh với tỉnh, thành khác, tỉnh Tây Ninh đều lập chốt kiểm dịch động vật và lực lượng chức năng liên ngành túc trực 24/24 giờ trong ngày.
Nhân viên thú y chốt kiểm dịch động vật cầu Sài Gòn kiểm tra sức khỏe đàn heo trên xe ô tô tải.
Theo ghi nhận của chúng tôi, trong ngày 2.7, tại các chốt kiểm dịch động vật lưu động, như chốt cầu Sài Gòn (giáp ranh giữa xã Tân Hòa, huyện Tân Châu với xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước), chốt cầu K33T giáp ranh xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu với huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, chốt cầu Tàu (xã Bến Củi, huyện Dương Minh Châu) giáp với huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương đều có 3- 4 xe ô tô tải chở hàng trăm con heo lớn, nhỏ các loại từ các tỉnh giáp ranh vào Tây Ninh và từ Tây Ninh sang tỉnh bạn.
Nhân viên thú y kiểm tra hồ sơ xe vận chuyển heo tại chốt kiểm dịch cầu K33T.
Tất cả những ô tô này đều được các nhân viên thú y, quản lý thị trường, cảnh sát trật tự kiểm tra chặt chẽ, như dấu niêm phong cửa của thùng xe tải, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ đàn gia súc…
Sau khi kiểm tra, nhân viên thú y dùng bình xịt máy phun thuốc khử trùng xung quanh xe rồi mới cho xe tiếp tục lưu thông.
Phun độc khử trùng đối với xe ô tô tải vận chuyển qua chốt kiểm dịch động vật cầu Sài Gòn.
Ngoài công tác phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi, chốt kiểm dịch này còn kiểm tra việc vận chuyển các loại động vật khác và sản phẩm động vật nhằm tránh việc lây lan các bệnh dịch nguy hiểm trên gia súc, gia cầm.
Đại Dương- Thái Hòa