Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Hội đồng xét xử tuyên phạt Võ Viết Dziễn 3 năm tù về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo quy định tại Khoản 2 Điều 79 BLHS, phạt 3 năm quản chế tại địa phương sau khi thụ lý xong hình phạt tù.

(BTNO)- Sáng 15.1, TAND tỉnh tiến hành xét xử công khai bị cáo Võ Viết Dziễn phạm tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo khoản 2, Điều 79, Bộ luật Hình sự nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Cáo trạng của Viện KSND Tối cao được đại diện Viện KSND tỉnh đọc tại toà cho biết: Do thường xuyên lên mạng Internet, vào một số trang web phản động nên Võ Viết Dziễn (tên khác là Tuấn, Vang, Tuấn Vang), ngụ khóm 4, thị trấn Càng Long, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, quen với một người tự xưng là Nhất Thắng (sau này Dziễn mới biết tên thật của Thắng là Lê Đức Thanh – Cục trưởng Cục Tổ chức của tổ chức phản động “Phục hưng Việt Nam”). Dziễn thường xuyên trao đổi với Thanh thông qua điện thoại Internet về vấn đề chính trị, xã hội trong và ngoài nước. Sau đó, Thanh lôi kéo Dziễn tham gia vào tổ chức “Phục hưng Việt Nam”, đặt bí danh cho Dziễn là “Tuấn, Vang” để liên lạc. Tháng 10.2011, Thanh bí mật thâm nhập về Việt Nam móc nối, lôi kéo phát triển lực lượng và dự định gặp Dziễn nhưng do sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng Việt Nam nên Thanh không gặp được Dziễn mà hẹn gặp nhau ở Singapore.
Bị cáo Dziễn tại phiên toà |
Ngày 27.11.2011, theo chỉ đạo của Thanh, Dziễn sang Singapore gặp các thành viên của tổ chức phản động “Phục hưng Việt Nam” gồm Trần Trọng Ngà – Chủ tịch tổ chức “Phục hưng Việt Nam”, Chu Văn Cương – Phó chủ tịch phụ trách ngoại vận và Thanh. Dziễn ở tại Singapore 4 ngày và được các đối tượng này giới thiệu về tổ chức “Phục hưng Việt Nam”, với mục tiêu là tìm cách lật đổ chính quyền Việt Nam. Tổ chức phản động này giao cho Dziễn nhiệm vụ về nước tập hợp nhiều người ra Hà Nội tổ chức biểu tình phản đối Trung Quốc đòi Hoàng Sa, Trường Sa; tiến hành phá bể chứa bùn đỏ tại dự án Boxít ở Lâm Đồng…
Tháng 1.2012, Dziễn được tổ chức này gửi 1.500 USD để làm kinh phí mua phương tiện hoạt động (máy tính xách tay). Thanh còn đề nghị Dziễn tìm mua đất để xây dựng trang trại làm kinh tế cho tổ chức, khoảng 50.000 USD. Tết Nguyên đán 2012, Thanh gửi tiếp 400 USD, yêu cầu Dziễn tìm thêm người cho tổ chức để đưa sang Thái Lan. Tháng 3.2012, Dziễn nhận 2.000 USD, rồi cùng vợ con sang Thái Lan qua đường cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) tham gia khoá huấn luyện bảo mật máy tính và phương pháp chèn phá sóng đài phát thanh. Dziễn mang theo 5 giấy CNQSDĐ, 1 hợp đồng vay vốn ngân hàng mang tên bố vợ là ông Huỳnh Văn Cao, để chứng minh khả năng xây dựng trạng trại nuôi cá bống tượng, để tổ chức phản động này tiếp tục chuyển tiền về cho Dziễn, làm kinh tế cho tổ chức tại Việt Nam. Tại Thái Lan, Dziễn gặp Thanh, Cương, Nguyễn Trung Lễ - Cục trưởng Cục kỹ thuật của tổ chức “Phục Hưng Việt Nam". Dziễn được Lễ hướng dẫn sử dụng phần mềm bảo mật máy tính và cách sử dụng thiết bị chèn phá sóng đài phát thanh. Trước khi về Việt Nam, Diễn được giao 2 máy chèn phá sóng và được tổ chức này hứa sẽ cung cấp 500 USD/tháng làm kinh phí hoạt động với nhiệm vụ: lắp đặt và thực hiện chèn phá sóng nhân ngày 30.4; tìm những khu người Hoa sinh sống tại Việt Nam, trong đó tập trung đốt phá khu phố người Hoa ở Bình Dương; tìm những địa điểm thuận lợi để rải truyền đơn vào ngày lễ 30.4, 1.5; tập hợp nhiều người ra Hà Nội tham gia biểu tình chống Trung Quốc đòi Hoàng Sa, Trường Sa; tìm mua đất để xây dựng trang trại làm kinh tế cho tổ chức phản động này. Ngày 3.4.2012, trên đường mang 2 máy chèn phá sóng về Việt Nam, khi đến cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) Dziễn bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ.
Theo đại diện Viện KSND tỉnh, hành vi của Võ Viết Dziễn phạm vào tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, quy định tại khoản 2, Điều 79 Bộ luật Hình sự nên đề nghị Hội đồng xét xử xử phạt từ 3 – 4 năm tù và 3 – 4 năm quản chế tại địa phương.
Trong phần thẩm vấn, lúc đầu bị cáo Dziễn không đồng tình một số điểm của bản cáo trạng Viện KSND Tối cao như: bị cáo Dziễn chưa chính thức tham gia vào tổ chức phản động “Phục hưng Việt Nam”; không nhận nhiệm vụ và hoạt động nào cho tổ chức phản động này… cũng như biện hộ rằng, Dziễn lên mạng internet quen với Thanh là để nhờ giúp đỡ kinh phí thực hiện dự án mô hình nuôi cá bống tượng… Tuy nhiên, qua thẩm vấn, cũng như công bố tài liệu thu thập được và lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra của Bộ Công an, chủ toạ phiên toà Nguyễn Hoà Hiệp đã làm rõ những nội dung mà bản cáo trạng nêu là có căn căn cứ như trước khi sang Singapore gặp tổ chức phản động này, bị cáo Dziễn thường xuyên trao đổi với Thanh với bí danh riêng, chứ không phải tên thật, thậm chí Dziễn còn viết thư “kính gửi các chiến hữu”, đòi “xoá bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam” và những bức thư của các đối tượng phản động gửi bị cáo Dziễn về kế hoạch thống nhất thực hiện nhiệm vụ khi về Việt Nam. Tại Singapore và Thái Lan bị cáo Dziễn đã gia nhập vào tổ chức và tham gia các lớp tập huấn bảo mật máy tính, sử dụng máy chèn phá sóng để phá sóng đài phát thanh của Việt Nam…
Trước những chứng cứ cũng như lời khai tại cơ quan điều tra được công bố, cuối cùng bị cáo Dziễn thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật, tỏ ra ăn năn, hối tiếc, mong Hội đồng xét xử xem xét, giảm nhẹ hình phạt, vì là lao động chính trong gia đình, bị người khác lôi kéo vào con đường phạm tội mà không biết.
Hội đồng xét xử tuyên phạt Võ Viết Dziễn 3 năm tù về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, quy định tại Khoản 2 Điều 79 BLHS, phạt 3 năm quản chế tại địa phương sau khi thụ lý xong hình phạt tù.
Đức Tiến