BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tết Chol Chnam Thmay: Khe Đon- Mùa vui đã đến

Cập nhật ngày: 15/04/2010 - 05:50

Chùa Khe Đon nổi lên giữa trời

Năm nào cũng vậy, cứ dịp Tết Chol Chnam Thmay là già làng Cao Văn Khuôn của xóm Khe Đon cũng gọi điện thoại mời tôi lên đón Tết cùng bà con địa phương.

Khe Đon, xóm người dân tộc Khmer lâu đời nhất của tỉnh Tây Ninh giờ đây trập trùng vườn cây mãng cầu và chuối sứ ven đường 785. Chuối leo lên đến lưng chừng núi Bà, phủ lấp cả núi Phụng.

Đang nắng tháng tư, lá mãng cầu, lá chuối vẫn xanh. Những cây mãng cầu cành lá nặng trĩu trái, lủng lẳng, đung đưa theo gió. Khe Đon bây giờ đã khác xưa quá nhiều. Khác từ cây trồng, vật nuôi, con đường, ngõ xóm... đến từng gương mặt rạng rỡ của người dân chuẩn bị đón Tết.

Trước đây, bà con Khe Đon chỉ biết một nắng hai sương, bán lưng cho trời bán mặt cho đất trên cánh đồng lúa một vụ, năng suất không quá 3 tấn/ha. Mùa mưa thì còn có công việc để làm, còn mùa nắng hầu hết đều thất nghiệp, nhiều nhà kéo nhau đi tìm nhặt phế liệu chiến tranh ven chân núi Bà, núi Phụng, núi Đất mang về bán, đắp đổi qua ngày chờ mùa mưa lại đến. Ban ngày, cả xóm chỉ còn người già, trẻ con đều hốc hác, lem luốt, da đen nhẻm. Cuộc sống cùng cực và xơ xác.

Nay Khe Đon xanh và thông thoáng. Con đường 785 đã được láng nhựa nóng, thênh thang giữa xóm, hai bên nhiều nhà tường, nhà ngói đủ kiểu dáng mọc lên. Những con đường đất lầy lội, lồi lõm ngày nào nay đã thành đường phối cấp đá đỏ, những căn nhà tồi tàn mái lá, vách đất được thay bằng nhà tường nhờ chương trình 134, 135 của Chính phủ. Ngôi trường mẫu giáo một tầng lầu dành cho con em người dân tộc Khmer sừng sững giữa cánh đồng lúa. Ngôi chùa Khe Đon được xây dựng ba năm qua cũng gần hoàn thành, nổi lên trên nền chùa cũ, nóc nhọn cao vút, kiến trúc dựa theo phong cách cổ truyền dân tộc Khmer.

Ở đây, nắng lúc nào cũng như muốn đốt cháy không gian, sao mãng cầu, chuối sứ... có thể phủ xanh trên nền đá núi rồi hớn hở ra bông, kết trái trĩu cành quanh năm được nhỉ? Anh Nguyễn Văn Minh, Trưởng ấp Thạnh Đông, nơi mà bà con dân tộc Khmer chiếm gần phân nửa nhìn tôi giải thích:

- Bà con dân tộc Khmer học tập người Kinh cả thôi. Vả lại, tuy đất núi chênh vênh, nắng gió quanh năm nhưng nó mát từ trong lòng đá mát ra đó anh ạ!

Già làng Cao Văn Khuôn thì nghĩ đơn giản hơn:

- Đất núi làm gì có mãng cầu, có chuối sứ, chỉ có cây rừng, có cỏ dại thôi. Có trồng nó mới mọc. Trồng thì phải chăm sóc. Vậy là nó bắt trớn xanh luôn.

Rồi ông nhìn ra dòng xe cộ đang vun vút lại qua trên đường 785, ngẫm lại quá khứ. Bà con dân tộc Khmer sống rất lâu đời ở đây, chan hoà với người Kinh, không hề mang một mặc cảm nào. Hiện nay xóm có 247 hộ, chiếm gần phân nửa số hộ trong ấp. Công việc chủ yếu của bà con là trồng lúa, chăn nuôi bò và lập vườn mãng cầu. Hơn 20 năm trước, cả xóm còn đến 1/3 hộ nghèo đói, năm nào địa phương cũng tổ chức cứu trợ, do gia đình nào cũng đông con và chỉ độc canh cây lúa. Sau khi bắt chước người Kinh lập vườn mãng cầu, từ một vụ lên hai vụ đồng thời nuôi bò sinh sản bằng các nguồn vốn, nay Khe Đon chỉ còn 2 hộ nghèo thuộc diện nghèo Trung ương và 6 hộ liền kề. Số hộ khá giàu nâng lên rõ rệt, chiếm gần 1/3 trong xóm. Đặc biệt là không còn hộ nào ở nhà tranh tre nữa. Chương trình 134, 135 những năm qua đã xây tặng cho bà con 15 căn nhà và khoan 16 cái giếng cung cấp nước sạch. Mới đây, chương trình 167 xây thêm 2 căn nhà nữa. Đường sá được nâng cấp, thông thoáng, không còn lầy lội trong mùa mưa nữa. An tâm lắm rồi, bây giờ chỉ lo làm giàu thôi.

Khe Đon bây giờ

Anh Võ Văn Tem, Chủ tịch MTTQ xã Thạnh Tân lên Khe Đon nắm tình hình chuẩn bị đón Tết của bà con nhân dân, để lên kế hoạch tham mưu theo chỉ đạo của Đảng uỷ xã, góp thêm:

- Tôi mới đi một vòng quanh xã, thấy bà con Khmer nay ai cũng hồ hởi đón Tết cổ truyền. Họ bảo, Tết năm nay vui nhiều hơn các năm trước. Mãng cầu trúng mùa lại trúng giá, các anh muốn đi thăm không?

Thấy anh Tem sốt sắng, chúng tôi cũng hưởng ứng, dù trời đang đúng trưa, nắng thật gắt. Hai bên đường nhà nào cũng có vài con bò đang nằm, đứng nhai cỏ. Cảnh quang thật thoáng đãng. Có những nhà xây theo lối hiện đại, tiện nghi vật chất choáng ngợp. Anh Tem cho biết, đây là thành quả từ cây mãng cầu cả.

Chúng tôi đã đến thăm một số hộ Khmer ăn nên làm ra của Khe Đon. Chứng kiến nỗ lực vươn lên của bà con nơi đây nhớ câu nói chơn chất và đầy ý nghĩa của già làng Cao Văn Khuôn: “Bắt trớn xanh luôn” tôi nghĩ thật là chí lý.

LA NGẠC THUỴ