Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tết của xóm lao động Việt ở Campuchia: Mong đoàn viên, trọng nghĩa tình
Chủ nhật: 10:15 ngày 11/02/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Tết của xóm lao động Việt ở Campuchia vẫn giữ được những nét truyền thống mà cha ông để lại, vẫn dựng nêu, rước ông bà... và cùng quây quần bên nồi thịt kho tàu đón năm mới.

Xuân đã về xuân vẫn mơ màng,

Trong nắng vàng khắp chốn tiếng reo vang…”

… là âm ngân đầu tiên mà tôi nghe được khi chạy chiếc cup 50 chạm ngõ một xóm lao động người Việt ở huyện Kaorm Samnor (một huyện nghèo ở biên giới Việt-Campuchia thuộc tỉnh Kandal, Vương quốc Campuchia). Lời ca quen thuộc ấy phát ra từ chiếc máy cát sét cũ hơi rè đặt trên chiếc chõng tre dưới sàn nhà chị Phạm Thanh Mai - một người con xa quê, bao năm bôn ba xứ người tìm miếng ăn cái mặc.

Ở xứ nào cũng ôm trong lòng cái Tết quê hương...

Vẫn là cái nét niềm nở, chân chất của người miền Tây, biết tôi từ Việt Nam (VN) lên, chị hồ hởi chào mừng rồi cùng tôi ngồi lê dăm ba câu chuyện. Khi tôi giới thiệu mình là phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM, chị thoạt đầu có hơi hồi hộp nhưng rồi cũng nói cười rôm rả trở lại.

Chị kể nhiều lắm, kể về việc chị nhớ nhà, nhớ con mà phải đi làm xa xứ. “Chị nhớ quê chứ em, mà mỗi lần về tốn kém quá vợ chồng chị cũng ngán. Được cái dân VN ở trên này cũng nhiều, nên chị ở mấy chục năm rồi cũng không thấy cô đơn. Chị có đứa con gái út đang học ở bên VN, còn thằng trai lớn với nhỏ thứ ba làm trên này với vợ chồng chị" - chị Mai tâm sự.

Mâm cơm đạm bạc vài món truyền thống nhà chị Mai cúng ông bà ngày 28 tháng Chạp (nhằm ngày 7-2). Ảnh: DƯƠNG KHANG

Chị Mai kể năm nay chị háo hức chuẩn bị Tết từ hôm 28 tháng Chạp - ngày nhà chị nấu cơm cúng rước ông bà. Được đà tôi hỏi tới, năm nay chị nấu gì nấu gì ăn Tết?

“Năm nay cũng như mọi năm, chị cũng làm một nồi thịt kho trứng với một nồi khổ qua ăn từ đây [28 tháng Chạp] tới hết ba ngày Tết. Đó là cái tục mà ông bà truyền lại, chị noi theo mà chuẩn bị cho tươm tất. Nấu khổ qua để mong cái khổ nó qua đi, còn ăn thịt kho hột vịt thì mong năm mới đủ đầy sung túc" - chị bày tỏ, và nói thêm rằng chị dùng trứng muối để nấu chứ không dùng trứng vịt trắng bình thường. “Cái này thì không có ý nghĩa gì, tại nhà chị thích vậy", nói xong chị cười tít mắt.

“Tết của xóm lao động Việt ở Campuchia thì cũng như Tết Việt thông thường, vẫn giữ nét truyền thống ông bà để lại như đưa ông Táo, dựng nêu, cúng giao thừa,… Ngày Tết thì mọi người xa nhà đều quay về để cùng gia đình đón Tết, hỏi thăm họ hàng, chuyện trò cùng bà con xóm giềng” - chị Mai chia sẻ.

Chị Trần Thị Phượng, hàng xóm chị Mai, chia sẻ rằng Tết nào cũng vậy, bà con trên này thường cũng nấu mấy món ăn quê truyền thống đón Tết. “Mới sáng này đây chị em hàng xóm còn kéo nhau lên chợ mua hoa về chưng Tết. Thường thì chọn hoa cúc với hoa huệ đỏ tại nó chưng được lâu với nhìn cũng đẹp" - chị Phượng kể.

Bà con nô nức sắm hoa chưng Tết ở chợ biên giới gần cửa khẩu Vĩnh Xương - Kaorm Samnor sáng 28 tháng Chạp. Ảnh: DƯƠNG KHANG

“Tết trên này cũng vui chứ không đến nỗi buồn hiu đâu. Mình ăn Tết mà hàng xóm người Campuchia họ cũng ăn, cũng sắm sửa hoa trái, nấu nướng, hát karaoke vui vẻ lắm" - chị Phượng nói thêm.

Chị cũng tỏ bày rằng trong lòng chị cũng nhớ lắm cái Tết quê, mà ngặt nỗi kinh tế khó khăn quá nên đành chịu thôi chứ không về, sợ tốn kém trăm bề. “Năm nào cũng mong về quê ăn Tết mà không về được. Buồn thì có buồn mà cũng may ai ở đây cũng thương cái Tết cha ông nên cũng cảm nhận được cái vị quê nhà" - chị Phượng tâm tình.

Tết ở đâu cũng là Tết đoàn viên...
“Năm qua kinh tế khó khăn quá nên gia đình chị không về VN, nhưng mà con gái út của chị sẽ lên Campuchia thăm vợ chồng chị nên chị cũng trông hổm rày. Tết ở đâu cũng là Tết, miễn là có vợ có chồng, đủ con đủ cái là chị thấy vui rồi" - chị Mai tiếp tục câu chuyện.

Chị kể chuyện một năm qua làm lụng cũng may đủ ăn đủ mặc, gặp nhiều vận rủi nhưng cũng không ít chuyện vui, mấy năm dịch COVID-19 làm gia đình cách trở nên Tết này chị rất mong. “Mong gặp con gái, mong mâm cơm đủ năm thành viên trong gia đình để kể nhau nghe chuyện mấy năm qua chưa có dịp kể, chứ chị mắc kể lắm rồi” - chị nói rồi cười rôm rả.

Cảnh chợ Tết vùng biên (dân địa phương gọi là chợ Cầu Chùa) rộn ràng sáng 28 tháng Chạp. Ảnh: DƯƠNG KHANG

Chị Phượng cũng tiếp lời rằng năm nay chị cũng trông Tết vì sáng mùng 3 là vợ chồng chị “vọt” về VN thăm ông bà cùng hai cháu (một trai, một gái). “Tết năm nay vui, chị ăn Tết cả hai nơi, ở xóm này với ở VN. Mà chị thấy chị Mai nói đúng, ăn Tết ở đâu cũng được, miễn gia đình được sum họp, đoàn tụ là đủ rồi" - chị Phượng nói.

Chị Trương Thị Kha bán quán ăn gần đó nói rằng Tết năm nay có vẻ vui hơn mấy năm rồi, do COVID-19 cũng qua đi và đời sống người dân cũng gọi là tạm ổn định. “Tạm ổn thôi chứ không có dư gì mấy. Dù sao thì cũng đỡ hơn hai, ba năm trước" - chị Kha nói.

Chị Kha tiếp tục rằng chị thì định cư ở trên xóm này xưa nay, lấy chồng sinh con ở đó, cha mẹ chị cũng ở trên Campuchia nên chị không về VN nữa. Nhưng mà năm nào chị cũng ăn Tết, cũng làm đúng phong tục người xưa để lại, "từ đưa ông Công ông Táo, dựng nêu hạ nêu, cúng đón ông bà,... tục nào cũng làm đủ, không sót cái gì".

Tám chuyện một hồi thấy trời cũng xế, tôi tạm biệt các chị rồi hẹn lại một ngày không xa lại cùng ngồi kể nhau nghe chuyện làm ăn, gia đạo nếu được dịp trở lại xóm lao động này. Vẫn trên chiếc cup cà tàng vừa chạy về vừa ấm áp cái câu “thương lắm người đồng mình cùng cái Tết quê bình dị mà trữ tình".

Bà con xa không bằng láng giềng gần…

Chị Phượng nói rằng bà con trên này thương nhau lắm, luôn giúp đỡ lẫn nhau khi hoạn nạn khó khăn.

“Lúc mới lên chân ướt chân ráo chị có biết gì đâu, một chữ bẻ đôi cũng không rành. Cũng mang ơn xóm giềng giúp đỡ lúc đau ốm khó khăn chị mới được như hôm nay. Giàu tiền giàu bạc thì không dám nói chứ giàu tình giàu nghĩa thì bà con mình số một" - chị Phượng cười.

Chị nói thêm là người dân Campuchia cũng thương mình với giúp đỡ mình nhiều lắm. Nói chung là sống xa nhà, khó nhờ cậy anh em ruột thịt thì còn có láng giềng, dù là người Campuchia hay người Việt thì cũng là bà con hàng xóm, tối lửa tắt đèn có nhau.

“Chị lên Campuchia sống cũng gần 20 năm. Lúc mới lên tới giờ nghề gì chị cũng làm, từ làm rẫy, giăng câu, buôn bán,... cái gì cũng thử qua. Cái gì có tiền mà không phạm pháp là chị làm. Bà con Campuchia họ cũng thương, lúc chị chở cá đi bán, mỗi người ủng hộ một ít thế là cũng hết giỏ cá. Họ nấu nướng gì cũng cho vợ chồng chị một tô ăn lấy thảo" - chị kể thêm.

Nguồn PLO

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục