Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tết mà, vui thôi, đừng vui quá!
Thứ bảy: 08:38 ngày 09/02/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bớt mời mọc nhau một chút, bớt nể nang nhau một tí, bớt "chén chú chén anh" lại một tẹo… để lễ Tết thật sự là một ngày vui trọn vẹn!

Tết cận kề, lời mời tiệc tất niên vừa dứt thì lời mời tân xuân lại dồn dập đến. Mối quan hệ xã hội càng rộng, lời mời chung vui ở bữa tiệc đầu năm càng nhộn nhịp.

Công ty, quán xá, cửa hàng… đều tất bật chuẩn bị mâm cúng tất niên và mở hàng. Rồi mỗi khu phố, thôn xóm cũng góp tiền bày cỗ. Và từng nhà lại cũng… tất niên và đầu năm.

Tiệc nào cũng hân hoan tiếng cười nói, lời chúc tụng. Bữa tiệc nào cũng dư thừa, ê hề rượu bia. Ly bia, cốc rượu nâng hùng hồn, gõ chan chát, nhấm nháp môi, ừng ực nuốt mở ra niềm vui, nụ cười, sáng khoái và cả kết nối tình thân, tình chiến hữu, tình làng nghĩa xóm ư?

Vu Xuân đón Tết, hãy bớt rượu bia để ở bên con... Ảnh: KỲ NAM

.... và cùng người thân đi chơi, gia đình đi lễ hội, vui chơi. Ảnh: QUANG LIÊM

Có thể là như thế nếu số lượng những tiếng "dô!", "trăm phần trăm!", "không say không về!"... dừng lại ở một con số khiêm tốn.

Nhưng cuộc vui mà, lại là vui tân xuân, năm hết Tết đến, xả láng một lần đi! Từ một vài ly, nâng cấp thành một vài lít rượu đế; một vài chai bia hóa thùng này đến két nọ.

Chúng tôi thường đùa nhau rằng mỗi dịp năm mới là bia rượu dường như "ngập mặt" và lời mời "tất niên", "tân niên" đang dần trở thành một lý do chính đáng để người người uống, nhà nhà nhậu.

Mà "rượu vào" thì "lời ra", bao mâu thuẫn nảy sinh từ trong chính bàn nhậu. Một chút xích mích nhỏ đã vội thổi phồng lên, chuyện bé xé ra to và những cái "tôi" cực lớn trong con người cố hơn thua nhau một tiếng nói, một hành động đã trở thành tiếng cười châm biếm, tiếng thở dài não ruột và cả tiếng khóc ai oán của người thân.

Chữ "nhẫn" vốn ăn sâu trong tâm thức của người Việt đâu rồi? Những bài học về đạo lý "tương thân tương ái", "một sự nhịn chín sự lành" đâu rồi? Còn lại đó là cách hành xử thô bạo và những nấm đấm, gậy gộc, dao mác. "Ma men" sẽ phủ bóng đen u ám lên những bàn tiệc cuối năm nếu chúng ta vui chơi không biết điểm dừng!

Ngộ độc rượu – Căn bệnh không mới nhưng chưa bao giờ là cũ được nói nhiều vào dịp trước, trong và sau Tết. Mặc dù các phương tiện truyền thông đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng rượu giả, rượu kém chất lượng nhưng có lẽ những lời cảnh báo đó chẳng đáng gì so với niềm vui nhâm nhi li rượu và làm bạn với "ma men".

Chính từ đây, những ma men này góp phần không nhỏ nâng tỉ lệ tai nạn giao thông lên mức đáng báo động và trở thành nỗi ám ảnh chưa bao giờ vơi trong lòng người. Các phương tiện truyền thông liên tục lên tiếng cảnh báo tình trạng tai nạn giao thông gia tăng hằng ngày, hằng giờ với những con số thống kê đáng sợ.

Tết sum họp, Tết đoàn viên, Tết vui vẻ nhưng Tết cũng là thời điểm nhạy cảm nhất của tai nạn giao thông. Trên khắp cả nước xảy ra hàng loạt vụ tai nạn nghiêm trọng cướp đi tính mạng của bao con người và đẩy vô số người vào cảnh tàn tật, nợ nần, mồ côi, túng quẫn…

Vài nét phác họa trên chỉ mới phản ánh một phần mặt trái của bức tranh Tết nói chung. Bởi vậy, Tết đến đừng để đọng lại trong lòng người là bao nỗi buồn, nỗi lo và nỗi sợ. Mong lắm thay!

Muốn vậy, mỗi người cần ý thức rằng ly rượu chung vui cũng có thể hóa nỗi buồn nếu quá chén, quá tay.

Bớt mời mọc nhau một chút, bớt nể nang nhau một tí, bớt "chén chú chén anh" lại một tẹo… để lễ Tết thật sự là một ngày vui trọn vẹn!

Xin ai kia đã lỡ ngà ngà men say hãy buông bỏ vô lăng… Bởi phía trước tay lái là mạng người và phía sau tay lái là cả một gia đình đang cần tựa nương!

Và tiệc vui sẽ còn kéo dài sang ba ngày Tết đến bảy ngày xuân, xin đừng để men say chế ngự phần "người" trong chúng ta.

Nguồn NLDO

Tin cùng chuyên mục