Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tết Sa Uônul- Côka- Muônul của người Tà Mun: Giản tiện nhưng đừng mai một…
Thứ tư: 06:13 ngày 13/10/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tết cổ truyền Sa uônul – Côka muônul của người Tà Mun, theo giải thích của già làng Danh Khiêu, xã Tân Bình (thị xã Tây Ninh) có nghĩa là Tết thờ cúng ông bà, tổ tiên.

Tết cổ truyền Sa uônul – Côka muônul của người Tà Mun, theo giải thích của già làng Danh Khiêu, xã Tân Bình (thị xã Tây Ninh) có nghĩa là Tết thờ cúng ông bà, tổ tiên. Dù đang sống cùng với các dân tộc anh em khác như Kinh, Khmer, Stiêng… chịu ảnh hưởng các ngày lễ tết và phong tục tập quán của họ nhưng Tết Sa uônul – Côka muônul vẫn được duy trì, tổ chức hằng năm trong cộng đồng người Tà Mun, như một nét bản sắc dân tộc mình. Tuy nhiên, càng về sau này, Tết cổ truyền của người Tà Mun càng giản tiện, những nghi lễ cổ dần dần phai mờ...

Sáng mùng 1 tháng 9 âm lịch (8.10.2010), ngày đầu năm mới của người Tà Mun, chúng tôi có mặt tại ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Tân (thị xã Tây Ninh), không khí tết trong các gia đình Tà Mun lặng ngắt. Ghé nhà ông Lâm Văn Xích, người Tà Mun ấp Thạnh Hiệp, cửa đóng im ỉm. Ngoài nhà văn hoá cộng đồng người Tà Mun cũng chỉ thấy mấy lá cờ nhỏ treo ngoài cổng. Chúng tôi sang nhà già làng Danh Khiêu ở xã Tân Bình. Già làng mới đi chợ mua đồ cúng về, mời chúng tôi vô nhà. Ông nói hôm nay chưa có Tết, phải đến ngày mai (2.9 âl) bà con mới tổ chức ăn Tết ngoài nhà văn hoá. Khách từ tỉnh xuống xã đã mời xong, khoảng 40 vị. Không khí tết trong nhà già làng cũng chưa có gì ngoài bình hoa và dĩa ngũ quả bày trên bàn khách. Chúng tôi được mời nước trà và bánh tét chay cùng lời mời 9 giờ sáng mùng 2 tới ăn Tết với bà con.

Khu sinh hoat VHDT Tà Mun

Cụ bà Lâm Thị Luốt, 86 tuổi được con cháu dắt đến nhà văn hoá trước nhất. Sau đó là các cụ bà Lâm Thị Hinh, Lâm Thị Líp đều ở tuổi 80. Già làng Danh Khiêu đích thân dắt cụ bà Lâm Thị Nửa, 82 tuổi từ nhà ra. Theo lời kể lại của các cụ bà, Tết bây giờ vui nhưng lễ nghi khác ngày xưa. Thời các cụ còn trẻ, chuẩn bị Tết cầu kỳ lắm. Giống lúa T’ro cắt về phải đem luộc lên, phơi cho khô rồi đem giã lấy gạo, gói bánh tét. Chiều ba mươi, dân làng chuẩn bị bông trái để tối rước ra gốc cây to nhất trong làng cúng tổ tiên, gọi là lễ rước bóng. Các gia đình ai có cỗ gì mang thứ nấy ra góp, cùng cúng tổ tiên rồi nhảy múa, ca hát tới khuya mới về nhà. Sáng mùng một, làm lễ cúng ông bà ở nhà, mùng hai đi chúc tết trong xóm. Các nhà mời khách tới dự tiệc, uống rượu chúc tụng vui vẻ.

Bây giờ thì giản tiện hơn nhiều. Hai ấp Tà Mun ở hai xã Thạnh Tân và Tân Bình đã bỏ bớt lễ rước bóng. Cũng không tổ chức vui chơi đêm giao thừa. Ngày mùng một năm nay, một số thanh niên vẫn đi làm mướn, chưa nghỉ Tết. Sáng mùng 2, chúng tôi ghé thăm vài gia đình ở ấp Thạnh Hiệp, bà con đang ăn Tết, chưa ai ra nhà văn hoá.

Tết Sa uônul - Côka muônul năm nay có đại diện của Mặt trận Tổ quốc xã, đại diện Đảng, chính quyền từ tỉnh, Thị xã đến các xã tặng quà, chúc mừng bà con Tà Mun. Các cụ già cao tuổi được mời đến mừng thọ, tặng quà. Già làng Danh Khiêu tổ chức 10 mâm tiệc cho đại diện bà con hai ấp tiếp khách. Không thấy quang cảnh tưng bừng náo nức của một lễ rước cây bông, lễ cúng tổ tiên có đông đảo dân làng tham gia. Trong không khí ngày Tết, chúng tôi thấy chỉ có ba cô gái mặc trang phục truyền thống của người Tà Mun, so với bộ trang phục truyền thống trưng bày ở Bảo tàng tỉnh thì trang phục của các cô đã cách điệu đi khá nhiều. Thay vì mặc áo váy hoa màu đỏ, các cô chỉ mặc váy, còn áo thì thay bằng áo thun trắng. Chiếc khăn sọc cũ còn duy nhất một chiếc quàng trên vai cụ bà Lâm Thị Luốt. Sau tiệc liên hoan, tiếng nhạc nổi lên. Mọi người vẫy nhau vào vòng múa trong nhịp điệu từ chiếc loa thùng lớn. Không còn bóng dáng những chàng trai mê mải, nghiêng ngả với trống, đàn trên tay và những bàn tay, nhịp chân phụ nữ uyển chuyển theo điệu múa. Trong góc nhà văn hoá, thấy Ban chủ nhiệm xếp gọn gàng ba chiếc trống thủng và một chiếc đàn đứt dây. Đó là bộ nhạc cụ của người Tà Mun đã bị hư hỏng từ mấy năm trước. Từ năm 2000 đến nay, có nhà văn hoá rồi, các trang thiết bị điện tử đã thay thế cho nhạc cụ dân tộc. Ông Lâm Văn Cử, phụ trách nhà văn hoá nói rằng, giờ Nhà nước tặng cho tivi, máy tăng âm, đầu đĩa. Các đĩa nhạc dân ca Khmer cũng sẵn, cứ mở máy lên là có nhạc cho mọi người ca múa thoải mái. Tuy vậy, số người tham gia nhảy múa chỉ toàn mấy ông bà trung niên. Ông phàn nàn, lũ thanh niên nam nữ đi chơi ở ấp trên rồi, không đứa nào múa hết. Giờ hai ấp chỉ có đội bóng chuyền Tà Mun hoạt động khá sôi nổi, chứ đội nhạc thì giải tán lâu rồi.

Chị Lâm Thị Thảo, 24 tuổi, với bộ váy áo rất đẹp tâm sự rằng, Tết được tổ chức rất vui nhưng ngắn quá, chẳng kịp diện quần áo mới cho hết ngày. Chuyện Tết cổ truyền làm giản tiện như hiện nay cũng được già làng Danh Khiêu giải thích rằng, một năm người Tà Mun ăn những ba cái Tết. Tháng giêng ăn Tết Nnguyên đán với người Kinh, tháng ba âm lịch ăn Tết với người Khmer, tháng 9 lại Tết cổ truyền. Những ngày tết chung thì tổ chức ăn lớn, tiền của chi phí cũng nhiều, nên đến Tết cổ truyền bà con làm giản tiện đi. Hiện nay, kinh tế của bà con Tà Mun nói chung còn gặp nhiều khó khăn, ăn tết nhiều quá cũng là gánh nặng cho họ, nhất là những gia đình nghèo. Đó cũng là một cách lý giải. Tuy vậy, theo ông Lâm Văn Xích, người đã từng đi Hà Nội dự Đại hội các dân tộc thiểu số toàn quốc, ông rất buồn khi không nhớ được bài dân ca nào của dân tộc mình để hát ở thủ đô. Người anh trai của ông biết làm nhạc cụ của người Tà Mun thì qua đời lâu rồi. Ông rất muốn người Tà Mun được giúp đỡ khôi phục lại văn hoá dân tộc cổ truyền. Việc đó đến nay vẫn chưa thể làm được. Và thật đáng tiếc khi trong những ngày Tết cổ truyền này, một số lễ nghi truyền thống của người Tà Mun đang bị giản lược đi quá nhiều, nếu không muốn nói là đang mai một theo thời gian.

Hoàng Chương

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục