Khi hoa đào, hoa mận nở trắng trên những triền đồi báo hiệu một mùa xuân mới sắp về, cũng là lúc đồng bào Mông đón Tết cổ truyền của dân tộc mình. Mặc dù người Mông ở nhiều nơi đã chuyển sang ăn Tết Nguyên đán, nhưng đồng bào Mông ở Sơn La vẫn giữ lại phong tục ăn Tết vào tháng chạp âm lịch hàng năm.
Đối với đồng bào dân tộc Mông ở Sơn La, đây là thời điểm gia đình sum họp sau những tháng ngày bươn chải với cuộc sống để mưu sinh. Nếu như người Kinh có bánh chưng trong dịp Tết Nguyên đán, thì người Mông coi bánh dày là bánh cổ truyền theo truyền thuyết cổ xưa của người Mông.
Chuyện kể, có chàng trai Mông tên là PLai bị thần Hổ về bản bắt mất người yêu. PLai mang theo bánh dày lên đường quyết đi tìm nàng. Qua bao gian nan khổ ải, Plai đã tìm được người yêu. Cảm động trước tình yêu của PLai, thần Hổ đã phải trả lại người yêu cho chàng. Từ đó, chiếc bánh dày trở thành biểu tượng của tình yêu thuỷ chung đôi lứa trai gái người Mông. Ngày nay, mỗi đợt Tết đến xuân về, bánh dày làm nên như để hướng về tổ tiên, cội nguồn, như một “sợi dây” nối họ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.
Vào ngày Tết, trong mâm cơm của người Mông đặc biệt không có món rau. Theo giải thích, người Mông quanh năm rất vất vả với công việc làm nông, nên họ quan niệm trong 3 ngày Tết không, được ăn rau, nếu không cái đói cái nghèo sẽ theo họ từ năm cũ sang năm mới. Phong tục không ăn rau ngày Tết đầu năm mới có từ rất lâu và đã trở thành thói quen của các thế hệ người Mông.
Trong ngày Tết của mình, người Mông có tục dán giấy điều vào các công cụ sản xuất của mình như một sự biết ơn những công cụ lao động đã giúp con người làm nên hạt lúa, củ khoai trong năm cũ, qua đó, gửi gắm một hy vọng mùa màng năm sau sẽ tốt đẹp hơn năm trước.
Vào ngày Tết, người Mông rất thích có khách đến nhà chơi. Họ quan niệm càng nhiều khách thì năm mới càng được nhiều may mắn. Khi khách đến nhà, đồng bào thường lấy thịt lợn, hoặc thịt thú rừng treo trên bếp để thết đãi khách. Tục này ngụ ý chủ nhà tự hào vì chăn nuôi, săn bắn giỏi nên lương thực rất nhiều, qua đó còn thể hiện sự mến khách của chủ nhân.
Trong ngày Tết, người Mông rất chú trọng đến mâm cơm, và không thể thiếu rượu. Đó là loại rượu ngô nấu từ giống ngô bản địa, được chính tay những người phụ nữ Mông trồng trọt và chăm sóc trên những ruộng ngô cách nhà vài cây số đường rừng núi.
Và mâm cơm năm mới, không thể không mời rượu khách tới chơi. Khi đã ngồi vào mâm cơm, không phân biệt chủ khách nữa. Chén rượu khiến chủ khách bỗng chốc trở thành bạn tâm giao. Đầu tiên, chủ nhà rót đầy hai chén và uống hết với hàm ý “chén đầu tiên chúc cho mình, chén thứ hai chúc cho bạn”.
Chén rượu sau khi uống xong được úp xuống với ý nghĩa lời chúc đã được người uống nhận trọn vẹn và cũng đã chúc đầy đủ cho người ngồi trong mâm cơm. Đến lượt ai cầm chén người ấy cũng làm tương tự như người trước đã làm với hàm ý không đổi. Một bữa rượu ngày Tết của người Mông có thể kéo dài suốt cả đêm để ai cũng có thể “lâng lâng đón một mùa xuân mới”.
K.D (st)