Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tết Thanh minh ở đất Mũi

Cập nhật ngày: 09/04/2014 - 06:03

Tiết Thanh minh của người Việt diễn ra vào tháng Ba âm lịch hàng năm mà năm nay, tiết chính (tết) là ngày 6.3. Theo tục cổ, tết Thanh minh có nhiều nội dung nhưng cho đến nay, nội dung chính còn nhiều nơi duy trì là lễ tảo mộ và dâng cúng lễ vật tưởng nhớ những người đã khuất.

Tuy nhiên, ở mỗi vùng miền, việc tổ chức tết Thanh minh có khác nhau về nội dung và quy mô. Những tỉnh Nam Bộ như Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu… ngày tết chính của tiết thanh minh đã trở thành một ngày hội ở các nghĩa địa.

Mới giữa tháng Hai âm lịch, tôi đến nghĩa địa Triều Châu ở phường 8, TP.Cà Mau, người ra vào đây đã nườm nượp. Người thì cắt cỏ trên các lối đi, xung quanh các ngôi mộ; người thì nạo vét các cống rãnh trong và xung quanh nghĩa địa; người thì sơn phết lại những ngôi mộ đã xỉn màu do mưa nắng trong một năm qua. Có gia đình thì trồng lại cỏ, đắp thêm đất cho mộ phần… Nghĩa địa lúc này giống như một công trường xây dựng.

Ông Trần Văn Huy- người giúp việc cho Ban quản lý nghĩa địa Triều Châu cho biết: Nghĩa địa này có lịch sử đã 120 năm. Xưa kia, nó là nghĩa địa riêng của người Hoa, nhưng nhiều năm nay, nó là nghĩa trang của thành phố nên có nhiều người Kinh, người Khmer chết cũng được chôn cất tại đây.

Năm nay là năm địa phương sẽ tổ chức rất to vì ngoài việc tổ chức tết Thanh minh như thường niên, Ban quản lý còn tổ chức kỷ niệm 120 năm ngày có nghĩa địa. Vì vậy chắc chắn năm nay, số lượng người tham dự tết Thanh minh tại nghĩa địa Triều Châu sẽ đông hơn nhiều so với mọi năm.

Bà Lê Mỹ A, 62 tuổi- người đã có 17 năm buôn bán vặt và làm thuê ở nghĩa địa này cho biết: Cũng tuỳ hoàn cảnh kinh tế từng gia đình nhưng nói chung, ngày tết chính họ cúng to lắm! Đồ cúng thường gồm bộ tam sinh (3 con vật hoặc thịt của 3 con vật), nhà giàu thì ngũ sinh, giấy ngũ sắc, nhang đèn, giấy tiền vàng, các loại bánh trái… Bánh bao và bánh bò và heo sữa quay là thứ không thể thiếu.

Việc cúng lễ diễn ra từ 5 giờ sáng cho đến chiều tối, nhưng đa phần họ cúng vào buổi trưa. Cúng xong, con cháu bày la liệt đồ cúng lên trên và xung quanh ngôi mộ rồi cùng nhau vừa ăn uống cười nói vui vẻ, vừa nghe các vị cao niên kể về tiểu sử công đức của những người đã khuất.

Có thể nói, tết Thanh minh là nét đẹp văn hoá tâm linh của người dân Việt Nam. Ngày này là dịp con cháu hướng về tổ tiên, nhắc nhở chúng ta dù có đi đâu về đâu cũng không quên nhớ về quê hương cội nguồn.

Theo Dân Việt


 
Liên kết hữu ích