Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tết thay đổi, ngày càng nhạt hay chỉ chúng ta khác xưa?
Thứ năm: 17:19 ngày 23/01/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nghĩ về Tết với những trách nhiệm phải gánh vác, nhiều người chợt thấy sợ, chợt thấy rùng mình. Ai cũng ao ước được một lần trở lại Tết của những ngày thơ bé chẳng vướng bận lo âu.

Năm nay, Xinh (sinh năm 1992, quê Hà Tĩnh, nhân viên ngân hàng ở TP.HCM) về quê vào đúng ngày 29 Tết.

Không còn cảm giác háo hức, mong chờ, cô chỉ thấy uể oải. Tay chân không buồn nhấc, quầng mắt thâm đen vì tăng ca liên tục dịp cuối năm.

Tết với Xinh giờ đây chẳng khác gì “thiên tai”, ập đến và phá vỡ mọi sự an toàn, bình yên vốn có trong công việc, cuộc sống của cô. “Thế mới bảo đang yên đang lành tự nhiên Tết”, cô gái 28 tuổi tặc lưỡi.

Ngẫm lại, Xinh thấy nhớ cái Tết của 20 năm trước, nhớ những ngày còn rộn ràng không khí chợ xuân và mấy bài hát Tết trong chiếc băng cassette cũ của nội.

“Người ta nói càng lớn Tết càng nhạt cũng không sai. Nhớ lại ngày bé vô tư, không lo không nghĩ, Tết lúc đó thiếu thốn đủ bề nhưng mà ý nghĩa”.

Người dân vạ vật ở sân bay Tân Sơn Nhất những ngày giáp Tết. Ảnh: Quỳnh Trang.

Tết ngày càng nhạt hay chúng ta đã khác?

Hơn một tuần trước Tết, Xinh còn chẳng có thời gian nhìn mặt chồng. Mỗi ngày, cô cắm mặt ở văn phòng từ 7h sáng đến gần 9h tối, làm thêm cả ngày thứ 7, chủ nhật.

Lương thưởng chưa thấy đâu, hai vợ chồng đã phải tính toán đủ bề: nào sắm sửa đồ đạc trong nhà, quà biếu bên nội bên ngoại, đi Tết sếp, đồng nghiệp, khách hàng…

“Riêng chuyện ở nội, ở ngoại bao lâu, mình và chồng cũng cãi nhau mất mấy ngày. Lúc bé trông Tết bao nhiêu thì bây giờ cầu Tết đừng đến bấy nhiêu”, Xinh than thở.

Thức dậy mỗi ngày với những áp lực phải gánh vác và nghĩ về Tết cùng những trách nhiệm phải thực hiện, không khó hiểu khi Xinh và những người ở độ tuổi giống cô cảm thấy sợ, chợt thấy rùng mình. Nhớ về Tết xưa cùng những hoài niệm thật đẹp của tuổi thơ vô tư, những thanh niên thế hệ 8X, 9X lại càng cảm thấy chán nản hơn với thực tại.

Những gia đình nhiều thế hệ quây quần gói bánh chưng cùng nhau. Ảnh: Minh Quân, Quỳnh Trang.

Thế nhưng, đâu phải vì thế mà ta được quyền oán trách Tết nay. Tết bao nhiêu năm qua có thể khác nhiều về hình thức nhưng giá trị vẫn vậy. Chỉ có điều chúng ta đã không còn là những đứa trẻ vô lo vô nghĩ ngày nào.

Tết vẫn thế nhưng chúng ta không còn dắt tay nhau đi chợ quê mỗi sáng 30, không còn nỗi háo hức với phong bao lì xì, cũng chẳng còn ríu rít ngồi nghe nội kể chuyện xưa bên nồi bánh chưng sôi sùng sục.

Tết vẫn thế nhưng ông bà, bố mẹ đã già. Con cái sau một năm bận rộn với công việc giờ chỉ muốn nghỉ ngơi, đi du lịch, không còn hứng thú với bữa cơm đoàn viên ngày mồng 1 Tết, chẳng muốn lọ mọ bên nồi bánh tối 30 đón giao thừa.

Chỉ cần về sẽ lại thấy Tết

4năm rồi Hà Lê (sinh năm 1995, quê Hà Nam, đang làm việc tại Hàn Quốc) không ăn Tết cùng gia đình. Nhiều người bảo rằng sống ở xứ người lâu năm chắc cũng quen nhưng Tết xa nhà chưa bao giờ dễ dàng với Lê.

Trong 2 năm đầu, khi mọi người về quê đón Tết, Lê lủi thủi một mình ở Seoul. Không bạn bè, không người thân, cô chỉ biết nhốt mình trong 4 bức tường căn phòng trọ.

“Bố mẹ gọi điện FaceTime kể chuyện sắm Tết, dọn nhà, làm tất niên, mình còn không dám nghe. Cảm giác tủi thân, mình sợ sẽ bật khóc”.

2 năm gần đây, mọi chuyện không quá khủng khiếp như khoảng thời gian đầu khi Lê theo bạn trai về quê ở Gwangju ăn Tết. Thế nhưng, nhìn cảnh gia đình người yêu sum họp, cùng nhau chuẩn bị đồ cúng, quây quần bên mâm cơm gia đình, Lê lại thấy mũi cay cay vì nhớ người nhà ở Việt Nam.

Người Hà Nội sắm Tết trong tiết trời se lạnh. Ảnh: Duy Hiệu.

Trước đây, khi chưa sang Hàn Quốc, Lê chưa bao giờ khao khát một cái Tết sum vầy bên gia đình như thế. Giống như bạn bè, mọi người xung quanh, cô bị cuốn vào vòng xoáy công việc.

Tết là một điều gì đó nằm ngoài kế hoạch, đến và khiến mọi người đau đầu vì không kịp trở tay. Có quá nhiều nỗi lo kèm theo nên dần dà cũng không còn mong mỏi Tết.

“Thế mà bây giờ sống xa nhà mới biết, Tết quý giá như thế nào. Hóa ra, Tết xưa hay Tết nay vẫn thế, vẫn mang ý nghĩa lớn nhất là trở về, sum họp bên những người thân yêu”, Lê tâm sự.

Cái phong vị, giá trị của ngày Tết bao năm vẫn vậy, vẫn là niềm mong mỏi ngày đoàn viên, sự quan tâm ấm áp bên bữa cơm gia đình. Nhưng giữa bộn bề của cuộc sống và mưu sinh, chúng ta đôi lúc dễ quên đi những điều giản dị đó.

Chỉ đến khi một mình ở nơi xa, ta mới nhận thấy hóa ra Tết chỉ gói gọn đơn giản trong hai chữ - trở về. Không phải mâm cao cỗ đầy, nhà cao cửa rộng hay những thứ vật chất xa hoa, Tết chỉ trọn vẹn khi có gia đình ở bên, người thân vẫn khoẻ mạnh và dành cho nhau những lời chúc chân thành, ấm áp dịp đầu năm.

Nguồn Zing

Tin cùng chuyên mục