Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tết xa quê
Thứ bảy: 18:51 ngày 17/02/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tết là dịp để mọi người cùng nhau tận hưởng niềm vui, hạnh phúc của sự đoàn viên, sum họp. Nhưng với những người con xa quê, tết là nỗi nhớ nhà, nhớ người thân... đến quay quắt!

Chị The cùng gia đình tham gia lễ hội.

10 năm xa quê, mỗi dịp tết về, chị The Duong Lodato (Dương Thị Minh Thế) vẫn nỗ lực hết sức để con mình được trải nghiệm tết Việt. 10 năm trước, chị Thế- quê ở phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh, theo chồng sang định cư ở Long Island (New York, Mỹ).

Và cũng gần như ngần ấy năm chị đón tết xa quê. Mỗi khi tết đến, chị Thế lại trang trí một góc nhỏ trong nhà mang đậm hồn tết Việt. Có năm rực rỡ hoa mai, đào, giấy đỏ, nón lá, giỏ tre, bánh mứt, hoa quả. Có năm chỉ đơn giản, hễ thứ gì gợi nhớ quê là dùng lấy. Ở góc nhỏ này, chị có thể tận hưởng không gian tết Việt cùng người thân.

Chị Thế cho biết mình sống ở vùng ít người Việt nên cũng không có nhiều hoạt động vào dịp tết. Trước tết một tuần, cả gia đình cùng đưa nhau tham gia lễ hội với các trò chơi dân gian do Hội Sinh viên Việt tổ chức.

Chị nói: “Tôi cứ nghĩ con mình sẽ không thích tham gia hoạt động truyền thống nhưng thật ra là do chúng chưa được tạo điều kiện. Chúng rất thích thú khi chơi ô ăn quan, cờ cá ngựa, bầu cua… Chẳng những vậy, sau khi về nhà, các con tôi cứ bày ra chơi tiếp nữa”.

Mùng 1 tết vào dịp cuối tuần, chị Thế đưa các con lên chùa cầu bình an, tham gia hoạt động tết Việt tại chùa. Ở đó, chị được giao lưu văn nghệ cùng mọi người, được nhận phong bao lì xì mừng tuổi đầu năm.

“Năm nay, tết với gia đình tôi khá đơn giản vì bận việc. Tôi chỉ có bánh chưng, bạn cho thêm hũ dưa chua là đủ tết. Những năm sau sẽ cố gắng làm lại như những năm trước đây”- chị Thế chia sẻ.

Một điều tiếc nuối với chị Thế trong những ngày tết này là chị chưa sắm được áo dài mới để du xuân: “Tôi muốn mặc áo dài để dạy các con mặc trang phục truyền thống của dân tộc, để chúng hiểu thêm về văn hoá, phong tục và tự hào là người Việt Nam”.

10 năm ở xứ người, chị Thế luôn cố gắng truyền tải văn hoá Việt cho các con mình, từ chiếc áo dài, đôi quang gánh, chiếc nón lá đến vật dụng thủ công, ngôn ngữ…

Chị Thế bày tỏ, ngày tết, có những lúc buồn và nhớ quê, nhớ người thân da diết nhưng bây giờ, nhờ điện thoại thông minh, khoảng cách địa lý như gần lại. Không gặp được thì gọi video call hỏi thăm nhau, xem chuyện bên nhà qua qua mạng xã hội.

Chị nói một cách chắc chắn, một ngày không xa, chị sẽ cùng gia đình về Việt Nam vào dịp tết, đưa các con viếng cảnh núi Bà ngày xuân, cùng cảm nhận không khí tết trên chính quê hương mình.

Bạn Nguyễn Hải Vy (quê xã Tân Hưng, huyện Tân Châu) hiện đang theo học tại Đại học Johnson & Wales ở Rhode Island, Mỹ. Mấy ngày trước tết, thấy bạn bè trên Facebook ở Việt Nam rần rần, Hải Vy nhớ nhà, nhớ mẹ khinh khủng.

Trái với bầu không khí ấm áp ở Việt Nam, ngày tết ở xứ người buốt lạnh. Buồn, nhưng Hải Vy tranh thủ dịp cuối tuần không phải đến trường mua một chậu cúc vàng, bịch hoa mai giả về trang trí, nấu một nồi thịt kho hột vịt cho đỡ nhớ quê.

“Em gọi video call cho mẹ suốt những ngày tết để trò chuyện hay ngắm nhìn bạn bè, cảnh vật xinh tươi qua mạng xã hội để thấy vui hơn. Tắt điện thoại đi là cảm thấy như mình bị bỏ rơi vậy”- Vy tâm sự.

Là một người năng động, năm ngoái, dịp tết, Hải Vy khá bận rộn tham gia hoạt động tết cùng các bạn trong CLB sinh viên người Việt tại Đại học Brown. Năm nay, vì bận việc học nên không tham gia được, Đại học Johnson & Wales cũng ít sinh viên người Việt nên không có hoạt động vui tết Việt.

Sau hai ngày cuối tuần mọi việc cũng trở lại như cũ, bận rộn với việc học cũng giúp cô gái trẻ dần quên đi nỗi nhớ nhà. Hải Vy chia sẻ: “Sau 2 năm ăn tết xa quê, em mới cảm nhận, được ở nhà ăn tết cùng gia đình là một điều may mắn, hạnh phúc vô cùng. Trước kia, mình mải vui mà không nhận ra giá trị của nó”.

Ở bất cứ đâu, mỗi cái tết về luôn mang theo nỗi bồi bồi. Dù vui hay buồn thì nét truyền thống văn hoá Việt, quê nhà vẫn luôn trong tâm trí những người con xa quê, khó thể mờ phai.

Vi Xuân

Tin cùng chuyên mục