BAOTAYNINH.VN trên Google News

TGĐ Công ty CP Bourbon Tây Ninh: Cần sớm công bố quy hoạch để công ty mạnh dạn đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển vùng nguyên liệu mía

Cập nhật ngày: 23/12/2010 - 11:11

Nhà máy đường 8.000 tấn mía cây/ngày thuộc Công ty CP Bourbon Tây Ninh (SBT) đã vào vụ chế biến 2010-2011 được gần 1 tháng rưỡi. Có thể nói năm nay giá thu mua mía ở Nhà máy đường SBT nói riêng và các nhà máy đường trong tỉnh nói chung là cao nhất từ trước đến nay- tăng bình quân hơn 40% so với năm trước. Thế nhưng hiện tại cây mía vẫn còn gặp nhiều khó khăn do bị cạnh tranh gay gắt bởi một số loại cây trồng khác khiến cho nguy cơ năm sau có thể diện tích mía sẽ tiếp tục giảm. Ở vùng nguyên liệu do SBT đầu tư thì sao?

Ông Nguyễn Bá Chủ- Tổng Giám đốc SBT (ảnh nhỏ) cho biết: Sau hơn 1 tháng vào vụ chế biến 2010-2011, tình hình thu hoạch, vận chuyển và chế biến tại nhà máy diễn ra  khá tốt. Đến ngày 20.12.2010, Công ty đã thu mua được 267.000 tấn mía nguyên liệu và chế biến được hơn 23.000 tấn đường. Kế hoạch của Công ty trong niên vụ này là thu mua 650.000 tấn mía nguyên liệu và chế biến được khoảng 60.000 tấn đường. Tuy nhiên, thống kê từ đầu vụ thu hoạch đến nay cho thấy năng suất mía năm nay có tăng khá cao so với năm trước- bình quân đạt đến 64 tấn/ha. Do đó, có khả năng sản lượng mía SBT thu mua đưa vào chế biến niên vụ này lên đến 700.000 tấn. Đồng thời, nhờ sự hỗ trợ tích cực của chính quyền các cấp mà trong vụ thu hoạch năm nay tình hình vận chuyển mía khá thuận lợi, tình trạng “mót mía” giảm nhiều. Riêng công thu hoạch thì Công ty chủ động hợp đồng tổ chức kịp thời hỗ trợ nông dân khi cần nên năm nay hạn chế tối đa tình trạng tăng giá đốn chặt mía do thiếu nhân công. Đặc biệt là ở huyện Trảng Bàng và Gò Dầu rất thiếu công lao động nông nghiệp tại địa phương, Công ty đã hợp đồng công lao động từ ngoài tỉnh đến làm việc để kịp đáp ứng nhu cầu lao động trong giai đoạn thu hoạch mía.

Tuy nhiên nạn mía cháy vẫn còn xảy ra khá nhiều. Từ đầu vụ đến nay trong vùng nguyên liệu mía do Công ty đầu tư đã xảy ra cháy gần 700 ha với sản lượng mía bị cháy lên hơn 40.000 tấn- chiếm hơn 15% sản lượng mía nhà máy thu mua. Đây là con số thiệt hại không nhỏ cho bà con nông dân và cả cho nhà máy. Để bà con nông dân yên tâm giữ mía đúng theo lịch thu hoạch, trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán- khoảng 10 ngày, nhà máy có chính sách bao chữ đường cho mía cháy.

Trong vụ chế biến năm nay Công ty đã tạo nhiều thuận lợi cho nông dân trồng mía. Thế nhưng thực tế cây mía vẫn chưa thể cạnh tranh nổi với một số cây trồng khác và diện tích đang giảm dần. Công ty SBT có giải pháp gì để giữ vững và phát triển diện tích mía trong những năm sau?

Ông Nguyễn Bá Chủ: Thực tế ở những vùng đất cao hầu hết diện tích trồng mía đã, đang và sẽ tiếp tục chuyển sang trồng cây khác, trong đó chủ yếu là trồng mì. Theo dự báo thì trong vùng nguyên liệu mía của SBT đầu tư có khả năng sẽ giảm đến 800 ha- chủ yếu là đất cao. Để khuyến khích nông dân tiếp tục giữ mía cho những vụ sau, đồng thời tạo sự yên tâm chờ mía đến thời điểm thu hoạch, Công ty đã quyết định tăng cường chính sách hỗ trợ và tăng giá thu mua mía. Cụ thể, ngoài mức đầu tư 17 triệu đồng/ha mía trồng mới, 10 triệu đồng/ha mía chăm sóc và các khoản thưởng khác, Công ty đã nâng mức hỗ trợ không hoàn lại lên 9 triệu đồng cho mỗi ha mía trồng mới và 3 triệu đồng cho mỗi ha mía lưu gốc. Riêng giá thu mua mía, để vừa tăng thu nhập cho nông dân, vừa khuyến khích nông dân yên tâm giữ mía đến cuối vụ, Công ty quyết định từ ngày 1.1.2011 đến ngày 31.1.2011 sẽ tăng giá thu mua mía lên 1 triệu đồng/tấn 10 CCS tại ruộng và sau Tết Nguyên đán Tân Mão giá mía tiếp tục tăng lên 1,05 triệu đồng/tấn 10 CCS tại ruộng.

Sự nỗ lực của Công ty rất đáng ghi nhận. Thế nhưng với bấy nhiêu thì lợi nhuận từ cây mía vẫn chưa thể vượt qua cây mì. Như vậy theo Công ty thì làm thế nào để có thể duy trì và phát triển cây mía trong những vụ tới?

Mía đưa về nhà máy 8.000 TMN

- Ông Nguyễn Bá Chủ: Trong năm nay, cây mía tuy đã có lợi nhuận khá hơn nhiều năm trước đây nhưng thực tế vẫn chưa thể cạnh tranh được với cây mì là do cả năng suất và chất lượng mía vẫn còn ở mức thấp. Để có thể tăng năng suất và chất lượng, Công ty kiến nghị tỉnh và các ngành chức năng sớm công bố huy hoạch phát triển vùng nguyên liệu mía và cho triển khai thực hiện. Khi đã có quy hoạch vùng nguyên liệu cụ thể, Công ty sẽ mạnh dạn đầu tư xây dựng hạ tầng thuỷ lợi, giao thông để tăng cường thâm canh tăng năng suất, chất lượng, đồng thời tạo điều kiện lưu thông thuận lợi nhằm giảm bớt chi phí cho nông dân. Lúc đó, cây mía sẽ có đủ khả năng cạnh tranh với các cây trồng khác và chắc chắn thu nhập của nông dân trồng mía sẽ tăng cao hơn nữa.

Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện quy hoạch, Công ty mong muốn cơ quan chức năng tổ chức bộ phận giám sát tiến độ thực hiện để đảm bảo các đơn vị liên quan tuân thủ nghiêm túc và đảm bảo cây mía Tây Ninh phát triển đúng như quy hoạch.

Sơn Trần

 

 


 
Liên kết hữu ích