Thả bổ sung cá giống vào hồ Dầu Tiếng

Cập nhật ngày: 30/11/2010 - 11:23

Ngày 29.11.2010, Chi cục Thuỷ sản Tây Ninh, kết hợp với Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện DMC tổ chức thả bổ sung cá giống xuống hồ Dầu Tiếng.

Đợt thả bổ sung cá giống năm 2010 với tổng số 320.066 con cá giống, gồm 7 loại cá là: Cá mè trắng, mè hoa, trắm cỏ, trôi, lăng nha, lóc bông và thác lác cườm, mỗi con có kích cỡ từ 8 đến 12cm, tổng kinh phí gần 500 triệu đồng, được trích từ nguồn ngân sách Nhà nước. Nguồn cá giống do Công ty Sao Việt, có cơ sở nhân giống tại tỉnh Đồng Nai trúng thầu cung cấp con giống. Trong tổng số cá giống lần này, có 11.000 con được thả xuống hồ Tha La, 6.000 con được thả vào vùng ngập nước thuộc Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát, số còn lại được thả xuống hồ Dầu Tiếng.

Thả cá giống xuống hồ Dầu Tiếng

Kể từ năm 2005 đến nay, đây là lần thứ 6 tỉnh Tây Ninh tổ chức thả bổ sung các loài cá giống xuống hồ Dầu Tiếng, lần thứ 3 thả bổ sung xuống hồ Tha La, với tổng cộng hơn 6 triệu con cá giống. Trong đó có những loại cá quý hiếm như cá tra dầu, cá hô, cá lăng nha, thác lác cườm... Nhiều giống cá được thả xuống hồ có sức phát triển rất tốt như cá rô phi, trôi, mè hoa, trắm, nhiều cá thể có sức tăng trọng cao, đạt trọng lượng từ 3 đến 12 kg, chất lượng thịt cá rất ngon. Đặc biệt là giống cá rô phi, mè trắng, trôi phát triển rất mạnh về số lượng và chất lượng.

Hiện tại hồ Dầu Tiếng là nơi bảo tồn và phát triển rất thuận lợi cho các loài thuỷ sản, có 54 loài sinh sống, hằng năm cung cấp hàng nghìn tấn thuỷ sản cho nhân dân, và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, nhất là những người nghèo, không có đất đai, phương tiện sản xuất. Những năm từ 1986 đến 1990, mỗi năm sản lượng thuỷ sản khai thác đạt hơn 3.000 tấn, nhưng do khâu quản lý lỏng lẻo, người dân sử dụng nhiều phương tiện đánh bắt có tính huỷ diệt nên sản lượng sụt giảm chỉ còn 400 tấn vào những năm 1991 – 2005. Từ năm 2005, UBND tỉnh tổ chức thả bổ sung các giống cá và tăng cường công tác quản lý, nghiêm cấm các phương tiện đánh bắt huỷ diệt, do vậy sản lượng khai thác hằng năm tăng dần, năm 2008 đạt hơn 800 tấn, năm 2009 đạt hơn 1.000 tấn, và năm 2010 dự kiến đạt hơn 2.000 tấn.

Hiện tại có gần 1.000 phương tiện và hơn 1.000 người tham gia đánh bắt thuỷ sản trong hồ, nhiều gia đình đã sống được bằng nghề đánh bắt thuỷ sản. Việc đăng ký phương tiện và tổ chức thu phí đánh bắt thuỷ sản trong hồ, đã được Công ty khai thác công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng-Phước Hoà tiến hành từ tháng 6.2010, nhưng đến nay việc đăng ký chỉ được một số ít người đánh bắt chấp hành. Hiện tại vẫn còn một số đối tượng lén lút sử dụng ngư cụ cấm để đánh bắt cá, ngành chức năng đã tuần tra, thu vớt và tiêu huỷ, nhưng vẫn còn tình trạng lén lút sử dụng các phương tiện đánh bắt mang tính huỷ diệt.

KHẮC  LUÂN