BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thả diều- vui nhưng phải cẩn trọng 

Cập nhật ngày: 30/03/2019 - 06:58

BTN - Thả diều là một trong những trò chơi dân gian thú vị của trẻ em. Mùa diều thường bắt đầu vào cuối tháng 2 âm lịch, khi có những cơn gió mát mẻ ùa về vào mỗi buổi xế chiều. Thả diều tuy vui nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm cho trẻ và những người xung quanh.

Diều vướng trên cột diện trong công viên Đài tưởng niệm phường Ninh Sơn (TP. Tây Ninh).

Tuổi thơ của ai đi qua mà chẳng lưu luyến một cánh diều phấp phới trong gió. Thậm chí cho đến khi trưởng thành, làm cha mẹ, nhiều người vẫn mong muốn truyền cho con niềm vui của trò chơi đầy lý thú này. Thời đại công nghệ lên ngôi, các thiết bị điện thoại, ti vi đang dần chiếm lĩnh tâm trí những đứa trẻ, thả diều là giải pháp kéo chúng ra khỏi... màn hình.

Thời điểm này, tầm 5 giờ chiều, trên đường  phố bắt đầu xuất hiện những gia đình đưa con đi thả diều hoặc những nhóm trẻ hăng hái cầm diều chạy đi tìm địa điểm. Để diều bay cao, đòi hỏi phải có khoảng đất trống trải cho người thả chạy đà đón gió và diều không bị vướng vào cành cây, dây diện.

Tại thành phố Tây Ninh, việc thả diều tương đối khó khăn do đâu đâu cũng có đường dây diện giăng ngang, dọc. Khoảng sân chơi dành cho trẻ cũng ngày càng thu hẹp bởi những ngôi nhà mọc san sát nhau. Vị trí lý tưởng mà bọn trẻ tìm được cho mùa thả diều năm nay là công viên Đài tưởng niệm trên địa bàn phường Ninh Sơn, có diện tích rộng.

Hơn 5 giờ chiều, hàng chục con diều bắt đầu tập kết tại Công viên Đài tưởng niệm để chờ gió lên. Nhiều người đưa con nhỏ đến đây chơi. Chỉ khoảng 30 phút sau, gió bắt đầu thổi mạnh, trên bầu trời lần lượt xuất hiện hàng chục con diều đầy màu sắc, hình dạng, bay phấp phới.

Trò thả diều nhìn vậy chứ không hề đơn giản, những đứa trẻ mới tập chơi sẽ không thể nào cho diều bay lên cao được. Một vài nhóm bạn trẻ phải nhờ sự giúp đỡ của người lớn hơn. Học hỏi kinh nghiệm độ vài ngày là các em có thể tự mình thả diều được. Diều đã lên được cao nhưng chưa hẳn là xong việc đâu nhé, việc giữ diều bay ổn định còn đòi hỏi sự nhanh trí để xử lý các tình huống trên cao.

Đang loay hoay hướng dẫn con thả diều, anh Lê Bá Phát, ngụ phường 3 (TP. Tây Ninh) cho biết, anh mới đưa con đi thả diều được vài ngày vì thấy khu công viên Đài tưởng niệm khá phù hợp với trò chơi này. Nhờ có trò chơi này, anh và con trai có được những khoảnh khắc vui vẻ, bé có không gian vận động, rời xa được ti vi và điện thoại. Chiều nào, bé cũng mong được ông hoặc ba chở đi thả diều. Anh Phát nói: “Với tôi, trò chơi thả diều không chỉ vui mà còn là cách để gắn kết tình cảm gia đình và cộng đồng”.

Trẻ em thả diều trên đồng ruộng xã Cẩm Giang (Gò Dầu).

Công việc bán diều cũng tạo thu nhập cho nhiều người vào mùa này. Anh N.T, ngụ ấp Ninh Thành, phường Ninh Sơn (TP. Tây Ninh) cho biết, đây là năm đầu tiên anh bán diều ở khu công viên Đài tưởng niệm. Ngày bán đắt có khi lên đến 30 - 40 con diều, giá trung bình từ 30 - 110.000 đồng tuỳ theo độ lớn của diều. Ngoài ra, anh T còn bán diều phát sáng trong đêm với giá 50 - 60 ngàn đồng/bộ.

Lúc này, những cánh đồng lúa đang bước vào mùa thu hoạch, nơi đây trở thành điểm thả diều lý tưởng. Chiều nào cũng vậy, khi cái nắng gắt đã dịu nhẹ, trời có gió, nhiều em nhỏ ở ấp Cẩm Bình, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu lại kéo nhau ra đồng thả diều. Để trò chơi thêm thú vị, các em còn thi thố xem diều của ai bay cao hơn. Và ai cũng muốn diều của mình bay cao nhất nên ra sức thả dây, kéo diều. Tiếng trẻ em gọi nhau í ới, cười nói vui đùa khiến cánh đồng quê trở nên nhộn nhịp.

Những ngày qua, em Nguyễn Hoài Nam, 12 tuổi, ấp Cẩm Bình, xã Cẩm Giang, thường xuyên cùng các bạn ra cánh đồng gần nhà thả diều. Với vẻ mặt thích thú khi con diều của mình bay cao nhất, Nam vui vẻ cho biết, nhìn những cánh diều bay cao, uốn lượn trong gió, em cảm thấy rất thích thú. Theo Nam, thả diều không khó, nhưng để diều có thể bay được, bay cao, người thả phải biết hướng gió. Chỉ cần đúng hướng, người thả diều có thể đứng tại chỗ và giật dây điều khiển một cách nhịp nhàng để cánh diều từ từ bay lên cao. “Nằm ngả lưng xuống đống rơm, rồi thư thả ngắm nhìn những cánh diều đủ màu sắc đua nhau bay lượn trên trời cao, đó cũng là một cảm giác rất thú vị”- Nam chia sẻ thêm.

Có thể nói, bất kỳ ở đâu, cánh diều cũng mang lại niềm vui cho tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em. Thả diều là thú vui, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều mối lo, nguy hiểm không lường trước được. Ở khu vực nông thôn, có thể dễ dàng nhìn thấy trẻ em đi thả diều không chỉ ở những cánh đồng xa, mà còn ở cặp hai bờ kênh, gần sông, dưới lưới điện.

Điều đáng lo là hầu như những buổi thả diều của trẻ em vùng quê thường không có người lớn theo dõi, nhắc nhở. Nhiều em mải mê thả diều không để ý xung quanh nên rất dễ bị té ngã, hay xảy ra những tai nạn đáng tiếc như điện giật, trượt chân rớt xuống nước, đuối nước. Anh Trần Văn Đạt, ngụ xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu cho biết, con trai của anh từ nhỏ đã thích thả diều.

Sau giờ học, con trai anh thường xin ra đồng thả diều với các bạn cho vui. Nhưng trẻ con tính hiếu động, hay chạy nhảy, leo trèo lên cây lấy diều bị vướng nên rất dễ bị ngã. Sau mỗi buổi thả diều, ham vui, bọn trẻ còn rủ rê nhau đi tắm sông, tắm ao cho mát. Điều này rất nguy hiểm. Vì vậy, mỗi khi con trai đi thả diều, anh đều đi cùng cho yên tâm.

Mua diều ngay tại công viên.

Theo anh Lê Chí Hưng, ngụ phường 2 (TP. Tây Ninh) phụ huynh nên có những lưu ý để các em chơi diều một cách an toàn nhất như: không chơi ở ngoài đường có xe cộ đông đúc; không thả ở những nơi có đường dây điện chằng chịt; không tự ý leo trèo cây cao, cột điện khi diều chẳng may bị vướng dây; không thả diều dọc bờ kênh, sông, suối dù những nơi này có gió mạnh… Đối với trẻ nhỏ cần có phụ huynh đi theo và hướng dẫn.

Lê Thuỳ - Thế Anh