BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thả gà ra đuổi?

Cập nhật ngày: 17/07/2020 - 08:36

BTN - Đọc báo hả ông? Đã bắt được bị can Hồ Thị Kim Thoa, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương chưa?

- Cho đến giờ này (15 giờ ngày 16.7.2020) thì chưa! Nhưng tui tin với khả năng nghiệp vụ của Công an nhân dân Việt Nam và Interpol, sớm muộn gì bà ta cũng bị bắt thôi. Cây kim giấu trong bọc có ngày cũng lòi ra cơ mà!

- Thì ông cứ việc tin. Có ai đánh thuế niềm tin đâu mà lo... Riêng tui có cảm giác bất an, vì pháp luật nhà nước còn nhiều kẽ hở to quá!

- Hở chỗ nào?

- Không quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên có sai phạm, bị thi hành kỷ luật.

- Nói cụ thể hơn đi!

- Trong cao trào chống tham nhũng hiện nay, những cán bộ có sai lầm khuyết điểm nghiêm trọng bị kỷ luật đảng, chính quyền tới mức khai trừ, “cách” tất cả các chức vụ rồi thì họ đều tự ý thức rằng sớm muộn mình cũng sẽ bị các cơ quan bảo vệ pháp luật khởi tố, điều tra.

Thế là họ tìm đường “chạy” (chạy ô dù che đỡ, “chạy tội”, “chạy án”...) và trong tình huống hết đường “binh” rồi thì “tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách”, trốn bặt tăm, biệt tích, tốt nhất là trốn đi nước ngoài. Là công dân bình thường, tui còn hiểu được vậy; nhưng hổng hiểu “tại sao” các cơ quan chức năng lại không có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc họ bỏ trốn?

- Ông nói làm tui nhớ vụ bà Hồ Thị Kim Thoa không phải là cá biệt. Trước đó đã có các trường hợp Trịnh Xuân Thanh, Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”), Đào Thị Hương Lan (cựu giám đốc Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh - liên quan đến vụ án Công ty Diệp Bạch Dương), Vũ Đình Duy (cựu Tổng giám đốc nhà máy xơ sợi Đình Vũ 7.000 tỷ, người mà báo VietnamNet gọi con đường hoạn lộ của ông ta là “thăng tiến thần tốc” và cuộc trốn chạy diễn ra “trong bóng tối” cũng không hề chậm chạp tí nào (bỏ trốn trước khi bị khởi tố, thấy động... vọt liền)...

- Trở lại vụ việc bà cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, người từng “lọt top những người phụ nữ giàu nhất Việt Nam”. Bà này bị miễn nhiệm chức vụ Thứ trưởng ngày 16.8.2017 và trước đó cũng đã bị miễn nhiệm chức vụ đảng tại Bộ Công thương vì những vi phạm, khuyết điểm “khá nghiêm trọng” (kết luận của UBKTTW), vậy mà các cơ quan bảo vệ pháp luật chẳng chịu nhắc nhở, phân công nhau “canh chừng”.

Bị can “biến” rồi, mới ra quyết định khởi tố, không thấy người lại ra quyết định truy nã; cách làm ấy khác nào “thả gà ra mà đuổi bắt”, chỉ làm tốn công sức, thời gian, tiền bạc của các cơ quan chức năng và gây thêm phiền phức, rắc rối trong dư luận xã hội.

- Theo ông, từ các vụ việc trên, có thể rút ra bài học kinh nghiệm gì?

- Để chiến dịch “đốt lò” thu được kết quả tốt nhất thì phải quản lý chặt chẽ các loại “củi”, không chỉ “củi khô” mà cả “củi tươi”!

THIÊN HẠ