BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thả ong ký sinh phòng trừ rệp sáp bột hồng trên mì ở Thị xã, Tân Châu

Cập nhật ngày: 08/01/2014 - 06:02

 * Sáng 7.1, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật Thị xã thả 4.000 cặp ong ký sinh Anagyrus Lopezi (gọi tắt là A.Lopezi) phòng trừ rệp sáp bột hồng hại mì ở xã Ninh Sơn, Thị xã.

Năm 2012, Thị xã là địa phương đầu tiên của tỉnh phát hiện rệp sáp bột hồng hại mì. Vụ Đông xuân 2012 - 2013 đã có hơn 160 ha mì bị rệp sáp tấn công, làm hại cây mì và giảm năng suất củ, khiến nông dân lao đao.

Kỹ sư Trần Bạch Phát – Trưởng trạm Bảo vệ thực vật Thị xã đang thả ong ký sinh lên mì nhiễm rệp sáp bột hồng.

Trong vụ Đông xuân 2013 - 2014, tính đến thời điểm này nông dân đã xuống giống được khoảng 2.000 ha mì. Tuy nhiên qua khảo sát của ngành bảo vệ thực vật Thị xã, ở các địa phương Ninh Sơn, Thạnh Tân, Tân Bình và Ninh Thạnh, một số diện tích mì non đã tiếp tục xuất hiện loại dịch hại này.

Trên thực tế, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến rệp sáp bột hồng xuất hiện sớm là do nông dân không xử lý tốt hom giống, không đốt bỏ cây mì vụ trước có mang mầm bệnh mà để xung quanh diện tích mì vụ sau nên rệp sáp bột hồng có điều kiện tiếp tục phát triển.

Nhằm hạn chế và ngăn ngừa dịch rệp sáp lây lan trên diện rộng, ngành chức năng đã dùng biện pháp nhân nuôi và thả ong ký sinh A.Lopezi. Đây là loại ong chuyên tính, có chức năng hút chích rệp sáp bột hồng và đẻ trứng trên cơ thể rệp. Mỗi ngày, mỗi con ong có thể vừa chích hút và đẻ trứng trên khoảng 50 con rệp sáp bột hồng. Trung bình 1 ha có thể thả từ 300 – 500 cặp ong ký sinh.

Trong thời gian ong ký sinh A.Lopezi phát triển, ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân không nên phun thuốc hóa học lên mì đã thả ong, đồng thời thường xuyên theo dõi quá trình phát triển của cây mì cũng như tình hình dịch hại để kịp thời xử lý.

Được biết trước đó, ngày 3.1, Trạm Bảo vệ thực vật Thị xã cũng đã thả 700 cặp ong ký sinh lên mì ở xã Thạnh Tân, Thị xã.

Huy Hoàng 

* Trạm Bảo vệ thực vật Tân Châu cũng vừa phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật Tây Ninh thả trên 4.000 cặp ong ký sinh trên địa bàn 2 xã Tân Thành và Tân Hội.

Mì bị nhiễm rệp sáp.

Được biết, hiện nay trên địa bàn huyện Tân Châu có trên 12 ha bị nhiễm rệp sáp bột hồng, trong đó có 2 ha tại xã Tân Hội bị nhiễm trên 50%, 5 ha bị nhiễm từ 20-30%, còn lại bị nhiễm từ 5- 10%.

Trạm bảo vệ thực vật Tân Châu khuyến cáo người dân không phun thuốc hóa học vào những vùng mì đã được phóng thích ong ký sinh Anagyrus lopezi.

Việc sử dụng thuốc hóa học để phun trừ đem lại hiệu quả rất thấp, chỉ đạt 5% do rệp sống ở những vị trí kín trên cây mì, hơn nữa rệp có lớp sáp và bột trắng bao phủ trên thân làm thuốc không bám dính hết vào cơ thể.

Ong ký sinh Anagyrus lopezi là loài có nguồn gốc từ Nam Mỹ đã được các nước trong khu vực sông Mê Kông như Thái Lan, Lào, Campuchia… nhân nuôi và phóng thích ra những vùng có cây mì bị nhiễm rệp sáp đem lại hiệu quả phòng trừ rệp đạt trên 80%.

Chí Thành