Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Năm nay, ngày Thế giới phòng chống lao (24.3.2018) được phát động với chủ đề "Lãnh đạo cam kết hành động vì một Việt Nam không còn bệnh lao”.
Khám bệnh cho bệnh nhân lao tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi Tây Ninh.
Theo đánh giá chung về tình hình bệnh lao ở nước ta, Việt Nam có dịch tễ bệnh lao cao, xếp thứ 16 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao trên thế giới và xếp thứ 13 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao nhất trên toàn cầu, với 20% bệnh nhân mắc lao trong cộng đồng chưa được phát hiện, đây là nguồn lây nhiễm nguy hiểm cho cộng đồng.
Tây Ninh là tỉnh có tỷ lệ bệnh nhân lao cao trong cả nước, hiện số bệnh nhân lao phổi mới chiếm 100 bệnh nhân/100.000 dân, trong khi tỷ lệ chung của cả nước chỉ có 45 bệnh nhân/100.000 dân; bệnh lao các thể chiếm 185 bệnh nhân/100.000 dân, trong khi tỷ lệ này cả nước chỉ 82 bệnh nhân/100.000 dân.
Hằng năm, toàn tỉnh phát hiện trên 2.150 bệnh nhân lao, số bệnh nhân lao mới chiếm trên 50%; trong đó có 37 bệnh nhân lao kháng thuốc và đã phát hiện có bệnh nhân lao tiền siêu kháng thuốc và siêu kháng thuốc. Với tình hình này, việc phấn đấu hằng năm giảm tỷ lệ mắc và chết do bệnh lao, để tiến tới thanh toán bệnh lao vào năm 2030 là một vấn đề vô cùng khó khăn đối với tỉnh ta.
Mỗi năm, tình hình bệnh lao ở tỉnh ta đều gia tăng. Năm 2017 bệnh tăng cao tại các huyện Châu Thành, Hoà Thành, Gò Dầu, Trảng Bàng và Thành phố Tây Ninh. Hiện nay, thách thức khách quan đối với Chương trình Chống lao quốc gia là tình trạng đồng nhiễm lao - HIV, lao đa kháng thuốc và bệnh lao ở trẻ em đang gia tăng.
BS.Nguyễn Tiến Dũng- Trưởng khoa Khám bệnh - Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tây Ninh) thăm hỏi sức khoẻ người bệnh.
Nguyên nhân chính khiến cho dịch tễ bệnh lao cao ở tỉnh ta là do hiểu biết của một số bộ phận người dân về bệnh lao và cách phòng chống còn hạn chế, xã hội còn kỳ thị bệnh nhân lao, dẫn đến sự mặc cảm và giấu bệnh.
Trong khi đó, đa số bệnh nhân lao là người nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, ít được tiếp cận với các phương tiện truyền thông nên chưa có ý thức phòng chống, hạn chế lây lan ra cộng đồng.
Bác sĩ Phan Công Bình- Phó giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tây Ninh cho biết, những năm qua, với sự quan tâm đầu tư trang thiết bị của tỉnh đã tạo điều kiện cho công tác tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh lao đạt hiệu quả cao.
Tuy nhiên, trước tình trạng thiếu bác sĩ chuyên ngành lao, kinh phí hoạt động còn rất hạn chế... nên công tác phòng chống Lao còn thách thức, khó khăn.
Xe loa diễu hành tuyên truyền phòng chống bệnh lao trong cộng đồng
Để khống chế số bệnh nhân mắc bệnh lao, khống chế tỷ lệ bệnh nhân lao kháng đa thuốc và tiến tới thanh toán bệnh lao ở Việt Nam vào năm 2030, Chương trình phòng chống lao ở tỉnh ta cần có sự cam kết chính trị, hành động mạnh mẽ của chính quyền; sự hợp tác chặt chẽ, đoàn kết để chia sẻ trách nhiệm, đầu tư nguồn lực của các ban ngành, đoàn thể các cấp cũng như cộng đồng cùng tham gia công tác phòng chống lao.
Tăng cường công tác tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức của người dân về bệnh lao và cách phòng chống. Không kỳ thị, hãy cảm thông và tạo mọi điều kiện để giúp đỡ những bệnh nhân lao thấy được quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong cuộc chiến chống lại bệnh lao. Hãy tham gia tích cực các hoạt động phòng chống lao, phấn đấu để toàn tỉnh giảm được tỷ lệ người mắc và chết vì bệnh lao.
Có như thế, công tác phòng chống lao mới từng bước kiểm soát tốt và bền vững hơn, khống chế, đẩy lùi và tiến tới thanh toán bệnh lao vào năm 2030.
Khánh Duy