Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thái Bình là Thái Bình thôn
Thứ sáu: 11:21 ngày 17/02/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Xã Thái Bình từ “khởi thuỷ” là một vùng đất mênh mông bao gồm cả huyện Tân Biên hiện tại. Cả hai chiến khu nổi tiếng là Dương Minh Châu và Căn cứ Trung ương Cục miền Nam đều sinh ra từ một phần máu thịt của bà mẹ mang tên là Thái Bình thôn.

Cúng Kỳ yên đình Thái Bình.

Sách “Truyền thống cách mạng xã Thái Bình” (1945-1975) in năm 2000 có một chi tiết khiến người đọc có thể ngạc nhiên. Ở trang 4, mục 2- Quá trình hình thành xã Thái Bình: “Từ thế kỷ 17, trên mảnh đất xã Thái Bình đã có người Việt đặt chân đến, song vùng đất này chưa có tên, chưa có làng xã. Năm 1890, Tây Ninh mới chính thức là một tỉnh, tên gọi tỉnh Tây Ninh… xã Thái Bình cũng được ra đời sau đó, thuộc huyện Châu Thành…”.

Ngạc nhiên trước nhất- vì… sai. Thực ra đã từ lâu, ít ra là từ năm 2001, sau khi tạp chí Xưa Nay số 96 do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phối hợp Tây Ninh xuất bản, trong đó có các bài nghiên cứu của Nguyễn Đình Tư và Nguyễn Đình Đầu (Tây Ninh xưa và nay; Tổ chức hành chính tỉnh Tây Ninh 1836-1870) thì các mốc giới cơ bản ghi nhận sự ra đời và phát triển địa giới Tây Ninh đã được xác định. Đó là “tháng 10- Kỷ Hợi (1779)… Nguyễn Ánh cho sắp xếp lại các khu vực hành chánh và quốc phòng, thành lập đạo Quang Phong trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hiện nay, trực thuộc dinh Phiên Trấn. Đạo sở đặt tại Cẩm Giang…”.

Và: Mùa thu năm 1836, đặt phủ Tây Ninh thuộc tỉnh Gia Định.

Mốc quan trọng thứ ba: “Ngày 20.12.1899, Toàn quyền Đông Dương ban hành nghị định, kể từ 01.01.1900 tất cả các tiểu khu hay Sở Tham biện ở Nam kỳ đều đổi thành tỉnh. Đơn vị hành chính tỉnh Tây Ninh xuất hiện từ đó đến nay, không còn thay đổi nào nữa…”.

Cho đến năm 2016 vừa qua, toàn tỉnh đã kỷ niệm sự kiện 180 năm Tây Ninh hình thành và phát triển (1836- 2016) thì nhiều khoảng mờ trong quá khứ đã được làm sáng tỏ, cụ thể hơn như nguồn gốc, khai sinh, khai tử các địa danh thôn, làng, xã thuộc Tây Ninh.

Nhưng điều khiến người đọc ngạc nhiên nhất thì chưa hẳn đã sai, mà có thể là chưa chính xác. Như chi tiết sau: “xã Thái Bình lúc bấy giờ có diện tích rộng 1.500 km2…”. Bạn sẽ ngạc nhiên hơn nữa khi biết toàn tỉnh Tây Ninh hiện nay có diện tích 4.029,22km2 và toàn huyện Châu Thành bao gồm cả xã Thái Bình cũng mới chỉ có 571,25km2 (theo bản đồ hành chính tỉnh Tây Ninh, NXB Bản Đồ in năm 2002, tỷ lệ 1/50.000). Như thế nghĩa là chỉ riêng xã Thái Bình thôi đã lớn gấp gần 3 lần huyện Châu Thành và bằng hơn 1/3 diện tích toàn tỉnh.

Vậy mà chưa hẳn đã sai! Là vì những lý giải sau đây của chính cuốn sách truyền thống trên. Một, “Năm 1942, chúng (thực dân Pháp) cắt một phần đất thuộc xã Ninh Thạnh, Hiệp Ninh và Thái Bình để thành lập làng Thái Hiệp Thạnh”. Chi tiết này có sự nhầm lẫn. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, trong sách “Từ điển Địa danh hành chính Nam bộ- NXB Chính Trị Quốc Gia năm 2008 thì đấy là vào năm 1956, dưới thời Việt Nam Cộng hoà và Thái Hiệp Thạnh là một xã. Hai, “Năm 1949- 1950 ta cũng cắt một phần phía Đông quốc lộ 22B thành lập xã mới, xã Thạnh Bình để xây dựng chiến khu Dương Minh Châu. Năm 1960 sau Đồng Khởi Tua Hai, ta cắt thêm một phần của xã, để thành lập huyện căn cứ lấy tên là 105 (huyện Tân Biên ngày nay) bảo vệ Trung ương Cục miền Nam…”. Trong đoạn trên, cái mốc thành lập huyện Dương Minh Châu cũng đã được sáng tỏ. Đấy là vào tháng 5.1951, không phải là “1949- 1950”. Đấy cũng là thời điểm duy nhất Tây Ninh sáp nhập với Gia Định, Chợ Lớn thành tỉnh Gia Định Ninh. Huyện Dương Minh Châu được thành lập đầu tiên với 5 xã, trong đó có xã Thạnh Bình. Sau giải phóng 30.4.1975, xã Thái Bình còn được tiếp tục tách ra lập xã Bình Minh (cắt về thị xã Tây Ninh) và xã Đồng Khởi (thuộc huyện Châu Thành).

Như vậy, xã Thái Bình từ “khởi thuỷ” là một vùng đất mênh mông bao gồm cả huyện Tân Biên hiện tại. Cả hai chiến khu nổi tiếng là Dương Minh Châu và Căn cứ Trung ương Cục miền Nam đều sinh ra từ một phần máu thịt của bà mẹ mang tên là Thái Bình thôn. Tiện đây xin chép lại mục từ Thái Bình (trang 1.102) trong sách “Từ điển Địa danh hành chính Nam bộ”: “Thôn thuộc tổng Hoà Ninh, huyện Tân Ninh, phủ Tây Ninh, tỉnh Gia Định từ năm Minh Mạng thứ 19 (1838)… Từ 5.1.1876 gọi là làng thuộc Hạt tham biện Tây Ninh. Từ 1.1.1900 thuộc tỉnh Tây Ninh. Từ 1930 thuộc quận Thái Bình cùng tỉnh. Từ năm 1942 thuộc quận Châu Thành (do đổi tên từ Thái Bình thành Châu Thành).  

Theo mục từ Hoà Ninh, trang 457, thì tổng này đã có ngay từ năm 1836, thuộc huyện Tân Ninh, phủ Tây Ninh. Vậy, xã Thái Bình với quy mô lớn như thế, chắc chắn đã được định danh ngay từ năm 1836. Trước đó gần trăm năm (giữa thế kỷ XVIII), người Việt đã có mặt ở đây khai phá rẫy rừng, sông, suối làm ăn. Trong đó, hẳn là có công của hai anh em Huỳnh Công Giản và Huỳnh Công Nghệ, mà sau này được nhân dân tôn phong làm Quan lớn Trà Vong. Bản tiểu sử các ông được lưu giữ ở miếu thờ ấp Thái Vĩnh Đông xưa, nay là khu phố 2, phường 1 có đoạn: “Huỳnh Công Giản sinh năm Canh Dần, tức năm 1722 và tử tiết vào tháng 2 Nhâm Dần 1782… Năm 27 tuổi (1849) thấy tỉnh Tây Ninh còn rừng núi âm u, ngài bèn bàn tính với em đến mở mang quy dân lập ấp. Đến Trà Vong sau này thuộc xã Thái Bình thành lập 3 ấp Tân Lập, Tân Hội, Tân Hiệp…”.

Có một truyền tụng ở Tây Ninh, đặc biệt là ở xã Thái Bình (Châu Thành) và phường 1 (TP.Tây Ninh) về nhân vật Võ Văn Oai. Nhà sư Thích Tịnh Châu (đã mất) gom góp truyện truyền miệng trong dân, cho rằng ông cùng thời với hai vị Quan lớn Trà Vong. Thậm chí còn có một truyện thơ kể về cuộc chiến đấu của 3 ông. Còn sách “Di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh tỉnh Tây Ninh”, xuất bản năm 2011 thì lại cho rằng Võ Văn Oai là một vị: “Quan đại thần triều đình Huế, chống giặc từ bên kia biên giới sang và tuẫn tiết tại vùng này… Từ ngôi miếu ở tỉnh Bến Tre thờ ông Võ Văn Oai, nhân dân địa phương (xã Thái Bình) đã lập đền thờ người có công đánh giặc giữ nước…”.

Bến Tre nào ở đây? Sự thật là bài viết trên bị “tam sao thất bổn”. Chuyện truyền tụng là ông hy sinh tại Bến Be (ngay bên bờ rạch Tây Ninh thuộc TP. Tây Ninh) mà người biên soạn đã nhầm ra thành ngôi miếu thờ ở tỉnh Bến Tre!

Tóm lại, nhân vật Võ Văn Oai vẫn còn là một khoảng mờ trong lịch sử thời khai hoang mở đất Tây Ninh. Người ta cũng đã nhầm khi cho rằng tờ sắc phong năm 1917 của vua Khải Định là để phong thành hoàng đình Thái Bình cho Võ Văn Oai. Sự thật, đây chỉ là tờ sắc phong cho “bổn thổ thành hoàng tôn thần” (không phải dành cho nhân thần).

Những câu chuyện trên đây đã góp phần cho chúng ta nhận diện lại Thái Bình thôn thời mở đất lập làng. Theo một báo cáo của xã từ năm 2014, Thái Bình có diện tích 2.898,5 ha tức là gần 29km2, gần bằng 1/50 diện tích ban đầu. Thật khó tin và buộc phải nghi ngờ con số 1.500km2 đã kể ở phần trên. Là vì tổng Hoà Ninh, ngoài Thái Bình còn có 13 thôn khác được định danh cùng thời và còn lưu giữ tên cho tới ngay nay như: Hoà Hiệp, Hoà Hội, Hảo Đước, Thanh Điền, Trí Bình… Chỉ có điều chắc chắn: Thái Bình thôn là lớn nhất. Vậy mới có lý do để đến năm 1930, chính quyền thực dân đã cho thành lập quận Thái Bình gồm 7 tổng- trong đó có tổng Hoà Ninh. 12 năm sau, quận này mới đổi tên thành quận Châu Thành.

TRẦN VŨ

Tin cùng chuyên mục