BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thăm Căn cứ Liên đội 7 

Cập nhật ngày: 16/09/2023 - 06:49

BTN - Anh em chiến sĩ lấy hang động làm nhà, lấy đá làm giường, thường xuyên phải ăn rau rừng, ốc núi, thằn lằn núi.

Các cựu chiến binh, đoàn viên thanh niên về nguồn tại Căn cứ Liên đội 7.

Tiền thân của Liên đội 7 là đơn vị Trinh sát A14 (thuộc Bộ Tư lệnh Miền) kết hợp với một số đơn vị khác. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Liên đội 7 đóng chốt trên sườn núi Bà Đen và núi Phụng (thuộc quần thể núi Bà Đen), lập đài quan sát, theo dõi điều tra nắm mọi diễn biến và các hoạt động quân sự của địch khi vào cửa Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (R).

13 năm bám trụ chiến đấu trên núi Bà, cuộc sống của cán bộ chiến sĩ Liên đội 7 vô cùng khó khăn gian khổ. Anh em chiến sĩ lấy hang động làm nhà, lấy đá làm giường, thường xuyên phải ăn rau rừng, ốc núi, thằn lằn núi. Mặc dù vậy, cán bộ chiến sĩ của đơn vị luôn nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh Miền giao.

Theo lời kể của Đại uý Hoàng Thao- cựu Chỉ huy trưởng Liên đội 7, thời điểm đó, mọi hoạt động quân sự của Mỹ nguỵ, như di chuyển bộ binh, xe tăng, xe quân sự và các khẩu trọng pháo đều bị quân ta phát hiện.

Các chiến dịch của địch đánh vào căn cứ đầu não của cách mạng thất bại thảm hại. Vì thế, Mỹ, nguỵ coi các chốt trinh sát của Liên đội 7 trên núi Bà Đen là “con mắt rất nguy hiểm của Cộng sản” và chúng quyết tâm phải tiêu diệt bằng mọi giá. Mỹ đã tổ chức nhiều trận đánh ác liệt, sử dụng nhiều tiểu đoàn, trung đoàn, trong đó có cả trung đoàn xe tăng, xe bọc thép bao vây núi Bà hòng tiêu diệt Liên đội 7.

Chúng thường xuyên cho máy bay các loại, kể cả B52 ném bom xuống lưng chừng núi nơi quân ta trú ẩn. Các loại pháo lớn 105 ly, 155 ly, 175 ly thi nhau bắn cấp tập vào trận địa núi Bà. Vùng đất núi Bà Đen với khoảng 50.000m2 phải chịu đựng mật độ bom đạn dày đặc, liên tục và bị rải chất độc hoá học, làm cho núi không còn một bóng cây, nhiều tảng đá to bị nát vụn. Có thể nói Liên đội 7 phải hứng chịu vài tấn bom đạn đủ các loại.

13 năm kiên cường bám trụ giữ chốt trên núi Bà Đen, Liên đội 7 đã trực tiếp chiến đấu với quân Mỹ, nguỵ trên 30 trận đánh lớn và vừa. Đại uý Hoàng Thao nhớ lại có trận đánh diễn ra liên tục 3 ngày (7- 9.3.1970), là trận đánh mà Mỹ, nguỵ quyết tâm tiêu diệt cho bằng được Liên đội 7.

Mỹ sử dụng Lữ đoàn 196 và một tiểu đoàn biệt kích cùng với 1 trung đoàn xe tăng, vừa tấn công, vừa vây kín núi Bà Đen, hòng bịt lối thoát của quân ta. Bọn Mỹ còn sử dụng 5 cụm pháo lớn từ Dầu Tiếng, Trảng Lớn, dốc Ông Tà, Bàu Cỏ và một cụm đặt tại Khedol bắn phá Liên đội 7. Rạng sáng 7.3.1970, 12 lượt máy bay B52 liên tục dội hàng ngàn tấn bom xuống trận địa của quân ta. Sau đó là hàng ngàn trái pháo bắn cấp tập và máy bay Mỹ rải chất độc hoá học xuống trận địa.

Các cựu chiến binh, đoàn viên thanh niên thắp hương tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ Liên đội 7 đã hy sinh.

Về phía quân ta, trước đó vài ngày đã nhận được tin báo của Phòng Quân báo Miền, đơn vị đã chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Liên đội 7 bố trí trận địa, chia thành nhiều tổ, mỗi tổ 3 người, mai phục ở những nơi hiểm yếu và quyết tâm bám trụ chiến đấu đến cùng.

Khoảng 7 giờ sáng 7.3.1970, sau khi B52 và pháo của quân Mỹ bắn phá, rải chất độc hoá học, quân Mỹ mang mặt nạ phòng độc hùng hổ áp sát tấn công từ dưới chân núi. Tốp đi đầu là chiếc M113, theo sau là một trung đội Mỹ.

Khi quân địch cách Liên đội 7 khoảng 20m, quân ta được lệnh nổ súng, bắn hạ ngay chiếc M113 và đánh chớp nhoáng, tiêu diệt gọn trung đội Mỹ. Quân Mỹ hoảng sợ phải lùi ra xa và yêu cầu tăng cường bắn pháo dữ dội vào trận địa Liên đội 7.

Sau đó, chúng tổ chức tấn công vào bên sườn phải của đơn vị với một đại đội bộ binh Mỹ và 2 xe tăng M113. Sau 30 phút chiến đấu ác liệt, quân ta đã diệt 2 xe tăng, bắn rơi 1 máy bay trực thăng, tiêu diệt nhiều lính Mỹ, bọn chúng phải rút lui.

Trong lúc bộ binh Mỹ tiếp cận tấn công Liên đội 7 dưới chân núi, một tiểu đoàn biệt kích Mỹ từ trên đỉnh núi vượt rừng, định dùng thế gọng kìm dưới đánh lên, trên đánh xuống để tiêu diệt Liên đội 7. Với sự tính toán từ trước, có phương án tác chiến trong mọi tình huống, lại thông thuộc địa hình, ẩn nấp ở trong các hang, khe đá, quân ta di chuyển linh hoạt và bất ngờ xả súng vào đội hình của địch. Số quân chết và bị thương nhiều, biệt kích Mỹ đã tháo chạy tán loạn xuống chân núi; số còn lại trên đỉnh núi khiếp sợ không dám leo xuống.

Các ngày tiếp theo, Mỹ cho máy bay dội bom và bắn pháo ác liệt hơn, mỗi ngày chúng tổ chức tấn công đánh vào trận địa của ta từ 4 đến 5 trận. Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường, quyết chiến quyết thắng của cán bộ, chiến sĩ Liên đội 7, tất cả các mũi tiến công của quân Mỹ đều bị bẻ gãy. Liên tục ba ngày chiến đấu ngoan cường, quân ta đã tiêu diệt 87 tên Mỹ, bắn rơi 3 máy bay trực thăng, diệt 3 xe tăng M113, thu được nhiều vũ khí đạn dược và chiến lợi phẩm.

13 năm bám trụ trên núi Bà Đen, Liên đội 7 đã đánh 30 trận toàn thắng, giữ vững trận địa và tiêu diệt, làm bị thương 1.941 tên địch, trong đó có 368 tên Mỹ, bắn rơi 8 máy bay trực thăng, phá huỷ 56 xe quân sự, trong đó có 28 xe tăng, 12 xe Zep, 15 xe GMC, 1 pháo 105 ly, thu được nhiều vũ khí đạn dược, quân trang, quân dụng của địch.

Liên đội 7 còn phối hợp với Tiểu đoàn Trinh sát 47 điều tra nghiên cứu trận địa cụm chốt của Mỹ- nguỵ trên đỉnh núi Bà Đen và cùng các đơn vị bạn tham chiến ác liệt 30 ngày đêm (6.12.1974 đến rạng sáng 6.1.1975), tiêu diệt hoàn toàn cụm chốt của địch, giải phóng núi Bà Đen, góp phần cho chiến dịch tổng tiến công giải phóng miền Nam 30.4.1975.

Bạn Võ Hoa Lam thắp hương tưởng niệm Thiếu uý Trần Minh Thệ.

Với thành tích xuất sắc và những chiến công oanh liệt chiến đấu, chiến thắng quân Mỹ và tay sai, Liên đội 7 đã được Bộ Tư lệnh Miền trao tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì, tặng danh hiệu “Đơn vị dũng sĩ diệt Mỹ” và 5 Huân chương Chiến công hạng Ba cho 5 cán bộ, chiến sĩ, được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Năm 2022, UBND tỉnh đầu tư xây dựng trên sườn núi Phụng nhà bia tưởng niệm để ghi nhớ công lao hơn 40 cán bộ, trinh sát Liên đội 7 đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Ngoài ra, nơi đây còn xây dựng nhà đón tiếp khách, đường dẫn vào bia tưởng niệm, trùng tu ngôi mộ của Thiếu uý Trần Minh Thệ hy sinh năm 1966, tại Liên đội 7.

Chị Đỗ Huỳnh Như- chuyên viên Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen cho biết: “Hằng năm, vào những dịp lễ lớn như 30.4, 27.7, UBND xã Thạnh Tân phối hợp với Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen tổ chức về nguồn để các cựu chiến binh ôn lại một thời gian lao mà anh dũng và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ”.

Võ Hoa Lam- đoàn viên Chi đoàn Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen chia sẻ: đã nhiều lần đến thăm Căn cứ cách mạng Liên đội 7 nhưng mỗi lần đến đây em đều bồi hồi xúc động, biết ơn những cô, chú, bác đã không ngại khó khăn gian khổ, cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, để đất nước có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay.

Đại Dương