Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Thăm chốn xưa - thi tướng Huỳnh Văn Nghệ
Chủ nhật: 11:30 ngày 20/02/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ - người vừa đánh giặc vừa làm thơ ấy đã không thể ngờ rằng những vần thơ viết trên mặt cát sông năm ấy đã vĩnh viễn ghi tạc không chỉ trên đá, mà còn trong lòng lớp lớp những người sau.

“Bạn đừng ngại vì người thơ mê ngủ

Quên cuộc đời, tìm mộng để làm thơ

Bạn đừng lo tôi say máu quân thù

Quên ghi chép những vần thơ huyền diệu”

(Bên bờ sông xanh, HVN, 15.10.1948)

Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ ở Chiến khu Đ.

Vừa qua một ngày thơ Việt Nam, một đêm Nguyên tiêu đầy ắp thơ, trăng, ngày sau - 18.2.2011 tức 16 tháng Giêng Tân Mão, lại được theo xe Văn phòng Tỉnh uỷ đi dự lễ giỗ lần thứ 34 thi tướng Huỳnh Văn Nghệ ngay tại quê hương ông - xã Thường Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Quê hương ông kia rồi, ta có thể nhận ra ngay khi còn ở cách Thường Tân vài cây số, nếu đã xem phim Vó ngựa trời Nam. Đấy là khi con đường đã lượn ra gần với bờ sông Đồng Nai ngút ngát cây xanh và ắp đầy nắng gió. Quê hương có lẽ cũng là một trong những lý do khiến thơ ông tràn đầy tình cảm yêu quê, yêu nước và chất ngất chí khí người phương Nam chống giặc ngoại xâm. Một trong những bài thơ được viết to ra bảng lớn treo trong khuôn viên khu tưởng niệm thi tướng là trích đoạn bài Lịch sử quê hương, ông viết tại Bắc Sơn năm 1954, có đoạn: “Hàng trăm năm tranh đấu với núi rừng/ Mồ hôi, nước mắt, tay sưng/ Mới có được góc trời Nam tươi mát/ Đồng lúa thơm, vườn bưởi đường, cam mật” và: “Mái tranh vàng khói cơm chiều quyến luyến/ Thuyền dưới bến dập dìu buồm cánh én/ Xe trên đường lẻng kẻng nhạc ngựa vang/ Ôi Tân Uyên quê mẹ đẹp muôn vàn”.

Tới Thường Tân. Khu nhà ở của dòng họ Huỳnh khi xưa nay đã trở thành khu tưởng niệm chung của cả gia đình và những người lính miền Đông, lính chiến khu D thời đánh Pháp. Giữa vô vàn áo trắng học trò, áo xanh, áo trắng, áo màu công nhân, nhà doanh nghiệp, nông dân… là rất nhiều màu áo cựu chiến binh. Nhiều vị trong đó nay đã là tướng lĩnh. Vì thế, khi đoàn ca múa cựu chiến binh chiến khu D biểu diễn tưng bừng trên sân, toàn những bài ca một thời âm vang trên các nẻo rừng kháng chiến thì trong nhà lưu niệm đặt ở tầng trệt nhà tưởng niệm, các cựu chiến binh xem đi xem lại những kỷ niệm của thời miền Đông anh dũng gian lao. Trong ấy phần nhiều là những tấm ảnh về hoạt động của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ ở nhiều cương vị trên nhiều miền đất nước. Ấn tượng nhất là một bức ảnh ông đang cưỡi con ngựa có đốm trắng trên trán, tay cầm gươm, người ngoái lại nhìn chân trời phía sau, ngùn ngụt khói mây, không biết là mây hay khói trắng. Có lẽ nhờ hình ảnh này, mà đạo diễn Lê Cung Bắc và diễn viên Huỳnh Đông đã tái hiện lại rất thành công hình tượng vị thi tướng mến yêu của nhân dân và chiến sĩ Đồng Nai, Bình Dương (có thời được gọi là Thủ Biên) trong phim Vó ngựa trời Nam. Riêng Huỳnh Đông đạt giải Diễn viên chính xuất sắc trong Liên hoan Phim toàn quốc gần đây nhất. Đoàn làm phim hôm nay cũng có mặt với đầy đủ các vai chính, phụ. Họ trân trọng đến trước bàn thờ châm hương tưởng niệm. Trong nhiều đoàn tới viếng, có cả gia đình Trung tướng Nguyễn Bình, vị tư lệnh đầu tiên của lực lượng vũ trang Nam bộ. Ngoài rất nhiều đoàn cựu chiến binh, cấp uỷ Đảng, chính quyền các tỉnh miền Đông còn có khá đông các đoàn văn nghệ sĩ và nhà doanh nghiệp. Bên những vòng hoa đỏ thắm tươi có thêm những vòng hoa trắng.

Từ nhiều năm qua, ngày mất của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ (1914 - 1977) 18.2, đã trở thành ngày lễ hội chung của nhiều thế hệ cách mạng các tỉnh miền Đông Nam bộ. Trong lễ tưởng niệm năm nay, người con trai trưởng của thi tướng là ông Huỳnh Văn Nam, giám đốc Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh đã có bài văn rất xúc động kể về những chặng đường làm thơ và đánh giặc của cha mình. Như chuyện khi viết nên bài thơ Nhớ Bắc, thi tướng Huỳnh Văn Nghệ vẫn chưa một lần đến Thăng Long - Hà Nội. Hay chuyện ông làm bài Tiếng hát Quốc ca vào thời điểm có một chiến sĩ miền Đông phải cưa chân mà không có thuốc tê.

Các em học sinh và diễn viên đóng phim “Vó ngựa trời Nam”. Ảnh: QV

Khi ra viếng mộ thi tướng Huỳnh Văn Nghệ cùng các cụ thân sinh của ông, mọi người đều xúc động đọc lại những bài thơ ông viết được khắc trên mộ chí. Như bài “Bà bán cau” trên nấm mồ của mẹ ông, viết năm 1935. Trên mộ ông, ai đó đã khắc hai câu thơ (trích trong bài Bên bờ sông xanh viết năm 1948). Đó là: “Gửi lại bạn mấy vần thơ trên cát/ Và giờ đây tôi qua bến, lên đường”.

Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ - người vừa đánh giặc vừa làm thơ ấy đã không thể ngờ rằng những vần thơ viết trên mặt cát sông năm ấy đã vĩnh viễn ghi tạc không chỉ trên đá, mà còn trong lòng lớp lớp những người sau.

NGUYỄN QUỐC VIỆT

 

 

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục