Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Thăm chùa Bảo Pháp
Thứ tư: 05:48 ngày 08/12/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Cách đây độ một năm, Báo Tây Ninh đã giới thiệu về các tượng La Hán chùa Bảo Pháp - một ngôi mới được “phục sinh” trên đất xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu.

Cách đây độ một năm, Báo Tây Ninh đã giới thiệu về các tượng La Hán chùa Bảo Pháp - một ngôi mới được “phục sinh” trên đất xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu. Quả thật, ta có thể thấy tượng “thập bát La Hán” ở bất cứ chùa nào, như ở chùa Bà trên núi, hoặc ở Hiệp Long, Gò Kén… nhưng La Hán ở Bảo Pháp khác hơn ở chỗ lấy kiểu từ những ngôi chùa cổ miền Trung hay miền Bắc. Đại để có thể hình dung ra tượng bằng cách đọc bài thơ “Các vị La Hán chùa Tây Phương” của nhà thơ Huy Cận. Tượng chùa Bảo Pháp không nặng về cách điệu như các tượng của nhiều chùa Nam bộ, chủ yếu mô tả “thần thái” nhất là trên gương mặt mà chuyên chú “tả chân”, chú ý đến toàn bộ khối thân và nét mặt bằng những đường nét sắc sảo, sinh động như ở trên người thật. Vì thế mà gợi cảm xúc nhiều hơn chăng? Còn chưa biết chắc! Chỉ có thể thấy rõ là tượng La Hán Bảo Pháp cho ta tiếp cận với đủ mọi cung bậc buồn, vui, yêu, ghét của cõi con người.

Không mấy ai biết được những pho tượng có kích thước gần bằng người thật, được đúc và chế tác bằng composite này lại là tác phẩm của một nhóm thanh niên trẻ đi làm ăn xa từ cố đô Huế, tuổi chỉ trên dưới 30. Và ở chùa Bảo Pháp, họ còn cần mẫn cả mấy năm qua để tạo dựng không chỉ có ngôi chùa, tượng Phật, La hán mà còn nhiều tiểu cảnh kiến trúc sinh động khác. Như tượng Phật Thích Ca trên bàn thờ chính, giờ đã có thể tự hào nói đây là pho lớn và đẹp nhất ở Tây Ninh. Ban thờ chính chỉ có mỗi mình ngài ngự thôi, trước một phù điêu cội bồ đề sống động xanh tươi cao tới tận nóc chùa.

Sân vườn chùa Bảo Pháp.

Nhưng thú vị với nhiều người hơn có lẽ lại ở vườn chùa. Ai đã từng biết đến chùa Bảo Pháp trước đây độ năm năm, nay trở lại chắc hẳn sẽ ngỡ ngàng. Cái ngôi trước kia vốn chỉ là một chùa nhỏ tư gia, nên không khác mấy với những sân vườn nhà ở. Nay đã trở nên một tiểu cảnh bồng lai. Ngay trước mặt chùa chính là chiếc ao sâu, lom khom vài cây cầu cong dẫn ra ngôi thuỷ tạ giữa hồ. Có cây cầu như được ghép lại từ những thân cây nguyên vỏ đượm màu dân dã, có cây lại được xây có lan can chạm thủng như thể “cầu kiều” trong các truyện tranh xưa. Và long lanh soi bóng trên mặt nước là ngôi kiến trúc xinh xắn với bốn cột chạm rồng có hai tầng mái ngói ống kiểu cọ giống những tiểu đình ở Huế. Trong kiến trúc này chỉ có ba pho tượng đứng, được gọi là tam thế, gồm tượng Phật A Di Đà, Quán Thế Âm và Thế Chí. Tạt vào sân trong người ta sẽ gặp ngay một Phật đài Quan Âm trắng muốt cao chừng 4 mét. Đây cũng là tượng của Phật bà đứng trên đài sen, tay cầm hồ lô, tay bắt quyết và gương mặt đang cười phúc hậu. Toả ra một vầng rẻ quạt ở phía sau đài tượng không phải là một điêu khắc bê tông hay sắt thép mà chính là một cây chuối cảnh xanh tươi xoè lá thật cân xứng, khiến ta liên tưởng vầng hào quang xanh tươi và sống động muôn đời. Đi tiếp sang bên trái, ta sẽ gặp một tượng Phật Thích Ca ngồi dưới một cây bồ đề nhưng đã kịp xoè thành hàng chục thân cành ngay từ dưới gốc. Để có thể liên tưởng đến cảnh tượng thái tử Tất Đạt Đa đã hoàn thành chính quả dưới gốc bồ đề của vườn Lâm Tỳ Ni hơn 2.500 năm trước. Vào sâu trong vườn hơn, còn gặp cả một mái lá thâm nâu rủ xuống che chở cho một ông Phật khác đang một mình ngồi quán tưởng trầm tư.

Điều lý thú là trong mấy năm xây dựng chùa vừa qua, cây cỏ và công trình như cùng tựa vào nhau mà lớn dậy. Như bên bờ hồ là những cây cau kiểng thân đã lớn và tròn xoay như những lọ lục bình. Như cây chuối kiểng làm nên vầng hào quang xanh sau Phật đài Quan âm, thật ra lại được trồng trên đất vườn nhà bên cạnh. Và khắp vườn chùa, cùng những đầu đao rồng, phụng thấp thoáng bay lên là tràn ngập màu xanh cây lá…

Đi tìm mãi, rồi cũng thấy một nơi duy nhất còn mang hình xưa bóng cũ của ngôi chùa trước. Đấy là tháp mộ của vị sư đã lập nên chùa hồi những năm 1970. Chuông và trống đều thuộc loại “đại hồng chung” hoặc “cổ lôi âm”, được treo riêng trong những ngôi nhà nhỏ xinh, góp thêm cho tiểu cảnh sân vườn. Nhưng sao mà vẫn nhớ tiếng chuông chùa Bảo Pháp một thời. Một má già trong xóm vẫn nhớ và kể lại: - Cái chuông ấy nhỏ thôi nhưng tiếng thì vang xa lắm. Bọn tôi đi cắt lúa bên kia sông vẫn nghe tiếng chuông để biết lúc quay về…

TRẦN VŨ

 

 

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh