Quốc tế   Vòng quanh Thế giới

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thăm Dhamma Kaya (Thái Lan), thiền viện lớn nhất thế giới

Cập nhật ngày: 31/10/2010 - 10:10

Du khách Việt Nam đến Bangkok, thủ đô của Thái Lan, thường được hướng dẫn đến thăm Hoàng cung cùng một số ngôi chùa nổi tiếng như chùa Phật ngọc, Phật vàng… Ít người biết rằng, ở cách Bangkok không xa, có ngôi thiền viện cực kỳ hoành tráng, được xem là lớn nhất thế giới, có thể chứa đến một triệu người cùng một lúc.

Đó là thiền viện Dhamma Kaya, được xây dựng cách đây 20 năm tại tỉnh Pathum Thani ở phía Bắc Bangkok, cách trung tâm thủ đô chỉ 28km.

Quy mô của thiền viện ở đây quá to lớn (tổng diện tích là 316ha), với những khu công viên, hồ nước, nhà để xe, nhiều kiến trúc lớn nhỏ khác nhau, ôtô chạy bon bon trên các con đường tráng nhựa như trong một thành phố. Điều đáng chú ý là không có một tòa nhà nào có hình dáng một ngôi chùa Phật giáo cả.

Kiến trúc chính ở đây là ngôi đền có tên Dhamma Kaya Cetiya (còn gọi là Memorial Hall), được xây dựng để tưởng niệm người đã sáng lập ra giáo phái Dhamma Kaya - nhà sư Monkol Thepmuni. Tuy là thiền đường Phật giáo nhưng nó có hình dáng như một con tàu vũ trụ hoặc như một đĩa bay (vật lạ trên bầu trời mà người ta cho là từ hành tinh khác đến, gọi tắt là UFO).

Phong cách kiến trúc này nói lên ý tưởng chủ đạo của giáo phái Dhamma Kaya là làm cho Phật giáo thích ứng với thế giới hiện đại, thế giới của công nghệ vũ trụ và công nghệ thông tin.

Thái Lan có 400.000 ngôi chùa Phật, với đặc điểm kiến trúc truyền thống là rất cổ kính, đường nét uyển chuyển, phức tạp, chạm trổ và điêu khắc rất tinh xảo, công phu, có nhiều gian thờ và khảm thờ để thắp hương, tụng kinh, gõ mõ. Còn thiền đường Dhamma Kaya, tuy cũng gọi là Wat (chùa), nhưng kiến trúc lại rất hiện đại, giản lược đến mức tối đa, rất ít trang trí, chủ yếu là tạo một không gian rộng lớn và yên tĩnh để tín đồ ngồi thiền.

Trước cổng thiền đường là hai bức chân dung lớn: một là của nhà sư Monkol Thepmuni, người sáng lập giáo phái Dhamma Kaya, hai là của vị nữ tu Khun Yay, người kế tục sự nghiệp của Monkol Thepmuni sau khi ông qua đời.

Thiền đường này cũng là một “Tàng kinh các” lưu giữ các sách vở, di tích, di vật có liên quan đến lịch sử Phật giáo Thái Lan. Nét đặc biệt nhất của kiến trúc ở đây là mái vòm được lợp bằng một triệu viên ngói đúc bằng đồng thau (700.000 viên lợp bên trong và 300.000 viên lợp bên ngoài). Trên mỗi viên ngói có khắc phù điêu một tượng Phật, ngồi thiền trong tư thế kiết già, đôi mắt nhắm nghiền với nét mặt thanh thản, tạo ra quang cảnh một triệu mặt Phật quay về bốn phương tám hướng.

Thiền đường Cetiya cũng là nơi các cao tăng thuyết giảng Phật pháp và cách hành thiền. Nhưng sức chứa của thiền đường Cetiya có giới hạn, mà số tín đồ đến thiền hàng ngày lên đến hàng vạn người, nên người ta phải xây dựng thêm mấy khu ngồi thiền ở chung quanh, giống như những khu khán đài của một sân vận động lớn. Các thiền đường đều xây hai tầng, chiếm tổng diện tích mặt đất 300.000m2, có sức chứa 600.000 người. Khoảng sân trống ở bên trong có thể chứa 400.000 người. Trong những ngày đại lễ, thiền viện Dhamma Kaya có thể thu nhận một triệu tín đồ đến ngồi thiền cùng một lúc.

Phật giáo Thái Lan thuộc hệ Nam Tông (còn gọi là Tiểu Thừa) cũng như Phật giáo Campuchia, Lào, Myanmar, Sri Lanka, nên ăn mặn. Còn Phật giáo hệ Bắc Tông (Đại Thừa) như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên thì ăn chay. Chỉ riêng một góc thiền đường này thôi mà thấy hàng mấy ngàn tín đồ, có thể nói đông như kiến, tất cả đều mặc đồ trắng toát, họ ăn uống, nói chuyện rất khẽ, tuyệt đối không có tiếng ồn.

Một giờ sau, mọi người tiếp tục thiền. Hàng ngàn tín đồ mặc áo trắng ngồi xếp bằng dưới đất. Các nhà sư mặc áo vàng ngồi trước bục trên một sân khấu giống như ở nhà hát. Các sư giảng kinh, tín đồ ngồi phía dưới lắng nghe, có lúc đọc theo một vài câu. Kết thúc buổi giảng, tất cả mọi người cùng hát một ca khúc kêu gọi hòa bình trên toàn thế giới.

T.T (st)