Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Lâu nay Cửa Tùng vẫn được mệnh danh là "nữ hoàng các bãi tắm” trong số những bãi biển miền Trung.

Là một bãi cát thon dài, phẳng mịn, nằm phơi mình dưới làn nước xanh trong vắt, lâu nay Cửa Tùng vẫn được mệnh danh là "nữ hoàng các bãi tắm” trong số những bãi biển miền Trung.
|
Cửa Tùng vẫn được mệnh danh là "nữ hoàng các bãi tắm” |
Đến Cửa Tùng mới hiểu vì sao nhà văn Nguyễn Tuân từng viết Giữa chiến tranh hòa bình là một bãi biển Cửa Tùng. Và ông đã không tiếc lời ca ngợi bãi biển này: "Thiên nhiên tháng bảy trên biển Cửa Tùng càng về chiều càng như một bà thợ nhuộm quảng cáo dần cho cái tủ thuốc màu bách biến vạn hoá của mình. Tất cả những cánh buồm nước ngọt buồm nước mặn trên bể chuyển dần thành sắc mai cua hay vỏ tôm nguội lửa. Ngoài khơi xa, nằm trên ngấn Thái Bình Dương, đảo Cồn Cỏ bập bềnh đỏ như một hòn than hoa chưa vạc hết ruột đá. Trên chỏm những đụn cát hồng, đống sa sâm của những em bé đang đào cho đông y rực lên cái đằm thắm của ráng chiều...”
Cũng chỉ vì muốn nhìn thấy hè về trên bãi biển xinh đẹp đến dường ấy mà chúng tôi đã chọn Cửa Tùng trong một lần "phượt”, thế rồi thành nghiện. Cho dù đã đi khắp các bãi biển dọc từ Bắc vào Nam, nhưng cách một hai năm không đến Cửa Tùng lại thấy như những mùa hè ấy chưa từng được đi tắm biển.
Cảm nhận rõ nhất khi đứng trước Cửa Tùng là tất cả mọi thứ đều sạch đến tinh khiết. Trời xanh, biển xanh, cát trắng, nắng vàng... Hít một hơi sâu đầy căng lồng ngực, sẽ cảm nhận được hết mùi vị gió đưa từ phía biển. Khác với các vùng bờ biển miền Trung khác, hay xảy ra những trận sóng to, gió lớn, bão tố thât thường, Cửa Tùng lại là nơi hiền hòa, kín gió, nơi neo đậu an toàn cho tàu thuyền đánh cá của ngư dân. Nét đặc biệt, độc đáo làm nên sự khác biệt của Cửa Tùng còn chính là ở độ dốc thoai thoải của bãi tắm. Tắm biển Cửa Tùng, nếu không biết bơi vẫn đi được từ bờ ra phía ngoài khơi, lao mình vào vòng tay của biển, và có thể đi mãi như vậy đến nửa cây số mà nước mới chỉ dâng ngang ngực.
Cho đến hôm nay, Cửa Tùng vẫn là một bãi tắm mang vẹn vẻ nguyên sơ. Nơi đây còn có nhiều hải sản quý, ngon nổi tiếng và giá cũng rất mềm như mực nang, tôm he, tôm hùm, cá chim, cá thu, cá nụ và cá đé với cách chế biến món ăn rất đặc biệt của dân địa phương.
Ôm lấy bãi biển Cửa Tùng là dải đồi đất đỏ bazan với những dải đá kéo dài ăn sâu ra biển cùng với bãi cát mịn màng. Hai bãi đá ngầm ăn sâu ra biển từ hai phía là Mũi Si và Mũi Lai tạo nên một cái vịnh nhỏ kín đáo và không có các dòng hải lưu cuốn xoáy. Đứng trên một đồi đất mà nhìn xuống Cửa Tùng, ta có thể thỏa sức quan sát một bức tranh vĩ đại từ thiên nhiên trải ra trước mắt.
Dù là đi phượt hay du lịch theo tour, khi đến với Cửa Tùng du khách sẽ có cơ hội thăm địa đạo Vịnh Mốc, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn... những di tích lịch sử nổi tiếng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Hay là ghé thăm ngôi nhà nghỉ mát của vua Duy Tân từ năm 1896, thăm quan nhà nghỉ của các cố đạo và tu sĩ, thăm làng biển cổ Cát Sơn...
|
Địa đạo Vịnh Mốc thu hút nhiều khách tham quan |
Đặc biệt nhất trong số các di tích ấy phải kể tới làng địa đạo Vịnh Mốc, chẳng khác nào một toà lâu đài cổ trong lòng đất Quảng Trị. Địa đạo này nằm ở địa phận xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, một làng chài xinh xắn, cách bãi tắm Cửa Tùng 7km về phía Bắc. Vào năm 1965, trước sự đánh phá tàn khốc của không quân và pháo binh Mỹ, cũng như hầu hết các làng quê khác,Vịnh Mốc đã bị huỷ diệt hoàn toàn. Với ý chí "một tấc không đi, một li không rời”, quân và dân Vĩnh Linh đã chuyển cuộc sống từ mặt đất xuống lòng đất, họ đã kiến tạo một hệ thống làng hầm đồ sộ, độc đáo mà địa đạo Vịnh Mốc là đại diện tiêu biểu nhất. Toàn bộ địa đạo gồm 3 tầng với đầy đủ các không gian sinh hoạt được đào trong lòng quả đồi đất đỏ có độ cao chừng 30m, rộng hơn 7ha. Hệ thống đường hầm cấu trúc hình vòm có kích thước khoảng 0,9m x 1,75m với độ dài 2.034m bao gồm nhiều nhánh nối thông với nhau qua trục chính dài 780m, có 13 cửa ra vào, được chống đỡ bằng cột nhà, gỗ và nguỵ trang khá kín đáo, tất cả đều đào chếch theo hướng gió, đảm bảo chức năng thông hơi cho đường hầm...
|
Chúng tôi đã gặp anh Thành, anh Sơn, anh Vịnh... là một trong số 17 đứa trẻ đã được sinh ra trong "nhà hộ sinh” đặc biệt dưới lòng địa đạo những năm 1967 - 1968. Giờ đây các anh là những hướng dẫn viên và làm công tác quản lý ở di tích địa đạo Vịnh Mốc. Nhiều người còn lại trong số đó tiếp tục nối nghiệp cha ông, họ ra khơi đánh bắt cá và ngày đêm bám biển.
Những người con được sinh ra trong lòng địa đạo Vịnh Mốc năm xưa chia sẻ với chúng tôi đầy vẻ tự hào: sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, Nhà nước đã quyết định công nhận địa đạo Vịnh Mốc là di tích quốc gia và đưa vào danh mục di tích đặc biệt quan trọng. Hiện nay, địa đạo này đang là điểm đến thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tới tham quan.
Đ.T (st)