Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thăm đình Long Thành, tưởng nhớ người mở mang vùng đất “ngũ long”
Thứ bảy: 15:41 ngày 02/12/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sau khi thân sinh qua đời, ông Trần Văn Thiện và một số người cùng chí hướng tiếp tục khai phá, lập thêm một thôn khác, nay là 5 xã “ngũ long” thuộc huyện Bến Cầu và thị xã Hoà Thành.

Nơi thờ cúng Đức đại thần Trần Văn Thiện.

Gần 180 năm trước, cha con ông Trần Văn Thiện đến khai khẩn vùng ven sông Vàm Cỏ Đông và di dân lập được 4 thôn. Sau khi thân sinh qua đời, ông Trần Văn Thiện và một số người cùng chí hướng tiếp tục khai phá, lập thêm một thôn khác, nay là 5 xã “ngũ long” thuộc huyện Bến Cầu và thị xã Hoà Thành.

Nhớ thời khai hoang mở đất

Ông Mai Thanh Tùng, sinh năm 1961, hậu duệ đời thứ 6 của ông Trần Văn Thiện kể, ông Trần Văn Thiện sinh năm 1795, tại làng Trung Lập, phủ Bình Long, tỉnh Gia Định. Thời vua Thiệu Trị, ông Thiện làm thôn trưởng làng Trung Lập.

Năm 1844, ông xin thôi chức thôn trưởng, cùng cha là Trần Văn Quế đi thuyền ngược sông Vàm Cỏ Đông. Quan sát thấy vùng Tây Ninh còn nhiều đất hoang, rừng rậm, hai cha con ông Thiện đệ đơn xin Quan phủ Tây Ninh cho khai khẩn vùng Bến Cầu và di dân lập được 4 thôn (ngày nay là 4 xã: Long Giang, Long Chữ, Long Thuận, Long Khánh thuộc huyện Bến Cầu).

Sau khi thân sinh qua đời, ông Thiện và một số người cùng chí hướng tiếp tục khai phá vùng đất mới, lập thêm thôn Long Đình, sau đó là Long Thành. Năm 1979, xã Long Thành được chia thành 3 xã: Long Thành Nam, Long Thành Trung và Long Thành Bắc, thuộc thị xã Hoà Thành ngày nay.

Dưới sự chỉ huy của ông Thiện, nhân dân trong vùng đã lập những đội dân binh với các loại vũ khí thô sơ như gươm, lao, giáo, cung, ná và một số ít súng phun lửa bằng dầu chai (gọi là hoả nổ). Với phương châm “tịnh vi nông, động vi binh” (khi hoà bình là nông dân, khi quân thù đến trở thành “binh” đánh giặc giữ làng, giữ nước), những đội dân binh của ông Trần Văn Thiện đã đánh bại nhiều đợt cướp phá của quân Cao Miên, nên chúng rất kiêng nể. Từ đó, người dân trong vùng được hưởng cuộc sống yên bình và càng tin yêu ông Thiện nhiều hơn. Quan phủ Tây Ninh mến mộ tài, cử ông giữ chức Cai tổng thuộc tổng Hoà Ninh.

Ngày 18.9.1883, ông Trần Văn Thiện qua đời, thọ 89 tuổi. Tưởng nhớ công ơn và đức độ của ông, dân chúng vùng Bến Kéo đồng đệ đơn lên Quan phủ Tây Ninh xin lập đền thờ tại địa danh Bến Kéo. Ghi nhận công lao của ông với dân, với nước, Triều đình Huế cho phép cất đền thờ ông tại Bến Kéo vào năm 1883 và sắc phong “Thành hoàng bổn cảnh”.

Hiện nay, đình Long Thành toạ lạc trong một khuôn viên có diện tích hơn 6.000m2, thuộc ấp Long Yên, xã Long Thành Nam, thị xã Hoà Thành. Ngôi đình được xây cất trên vùng đất cao ráo, theo hướng Đông Nam, phía trước là sông Vàm Cỏ Đông, tạo không khí thoáng mát, phong quang.

Ban đầu, ngôi đình được xây cất bằng tranh, sau 4 lần trùng tu, sửa chữa, hiện nay, ngôi đình đã được xây dựng bằng bê tông, cốt sắt, lợp ngói vững chãi với kiến trúc hình chữ tam. Năm 1993, đình Long Thành được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia.

Cách đình Long Thành khoảng 500m là khu lăng mộ của ông. Trên cổng có dòng chữ: “Lăng mộ Đức đại thần Trần Văn Thiện”. Ngôi mộ của ông được xây dựng bằng đá xanh khá bề thế. Trên bia mộ có khắc “Ngài là vị thần có đạo đức thương dân mến nước chống xâm lăng.

Lúc đăng thần đoạt phẩm chánh quả Đức Chí Tôn ban Thiên vị là Văn Xương Đế Quân, tạo đức thiêng liêng gương thanh sử lưu truyền cho hậu thế”. Phía sau ngôi mộ là nhà thờ ông Trần Văn Thiện với quy mô nhỏ. Hằng ngày đều có người túc trực lo nhang đèn, hương khói cho người đã khuất. Năm 2003, khu lăng mộ này được UBND tỉnh xếp hạng Di tích cấp tỉnh-thành phố.

Nhiều người thường xuyên đến thắp hương trước mộ Đức đại thần Trần Văn Thiện.

Ghi nhớ công ơn của bậc tiền nhân

Ông Mai Thanh Tùng cho biết thêm, hằng năm, vào dịp lễ Kỳ yên, người dân ở các xã Long Giang, Long Chữ, Long Thuận, Long Khánh (huyện Bến Cầu), Long Thành Nam, Long Thành Bắc, Long Thành Trung (thị xã Hoà Thành), các huyện Củ Chi, Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh) và nhiều nơi khác tề tựu về đình cúng viếng, ghi nhớ công đức của những người đi trước khai phá rừng hoang, mở mang đất đai, lập thôn, canh tác nông nghiệp để nhân dân có được cuộc sống như hôm nay.

Báo đáp công ơn của những bậc tiền nhân, cả trăm năm qua, có rất nhiều người dân đến đình Long Thành làm công quả. Ông Lâm Văn Vững, 57 tuổi, ngụ ấp Long Hải, xã Trường Tây, thị xã Hoà Thành là một trong những người như thế. Thấy ông tận tâm, tận tình với công việc, Ban Quý tế đình giao cho ông Vững làm ông từ, có nhiệm vụ trông coi, giữ gìn đình Long Thành.

Hằng ngày, ông Vững 2 lần thắp nhang cho tất cả các bàn thờ trong đình và ở lại trông nom, giữ gìn ngôi đình 24/24 giờ. “Có được cuộc sống như ngày nay là nhờ những bậc tiền nhân khai hoang lập ấp. Vì vậy, tôi muốn đóng góp một phần công sức của mình để đền đáp công ơn của những người đi trước”- ông từ Lâm Văn Vững tâm sự.

Anh Trương Quốc Dũng, ngụ phường Long Thành Bắc, thị xã Hoà Thành kiếm sống bằng nghề phụ hồ ở các công trình xây dựng. Thấy vườn chuối bên hông đình đã lão hoá, anh và một số người đề xuất với Ban Quý tế đình cho phép bứng bỏ toàn bộ, trồng lại vườn chuối mới. Được sự đồng ý của Ban Quý tế, hơn một tuần nay, anh Dũng và bạn bắt tay vào công việc, dự kiến một tuần nữa mới hoàn tất.

Nói về việc làm này, anh Dũng tâm sự: “Mình sống trên vùng đất này là thọ ơn của ông. Sống mà không nhớ đến công lao của người có công khai phá đất đai thì mình là người vô ơn. Vì vậy, tranh thủ những ngày rảnh rỗi, anh em đến đây làm công quả”.

Ông Mai Thanh Tùng cho hay, ngoài những thanh niên kể trên, hằng ngày, có nhiều cô bác từ những nơi khác đến quét dọn, vệ sinh ngôi đình, cắt tỉa cây cảnh, tưới nước vườn hoa. Những ngày cao điểm rằm, lễ, tết, cúng đình, số lượng người làm công quả tăng lên vài chục người.

Có dịp đến thăm ngôi đình thờ thành hoàng bổn cảnh Trần Văn Thiện, nghe những câu chuyện về một thời khai hoang mở đất, chúng ta sẽ hiểu thêm về văn hoá, lịch sử của vùng đất Tây Ninh ngày nay.

Sách “Tây Ninh xưa và nay” (trang 106-107), tác giả Huỳnh Minh ghi chép rất rõ: “Quan phủ Tây Ninh phái một đoàn thanh tra đi xem xét các nơi Cụ (ông Trần Văn Thiện) khai khẩn đất hoang. Đoàn thanh tra thấy rõ sự tận tâm khai khẩn đất hoang của Cụ rất kết quả.

Quan phủ cho hai lập làng: Long Đình thôn (nay là làng Long Thành), Thái Bình thôn (nay là làng Hiệp Ninh). Và 2 năm sau, Cụ đệ đơn xin lập thêm 3 làng nữa: Long Thới thôn, Thái Bình thôn, Thái Hiệp thôn. Trong thời gian 10 năm, Cụ và các thuộc hạ đã khai thác ruộng rẫy, lập thêm 8 thôn, quy tụ dân chúng càng đông. Vùng Tây Ninh từ đây, nghề nông rất phát triển”. 

Đại Dương

Tin cùng chuyên mục