Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tham gia HTX “kiểu mới”- hướng đi của nông dân thời hội nhập
Thứ hai: 00:03 ngày 08/04/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Liên kết trong sản xuất và kinh doanh là hướng đi được khuyến khích phát triển hiện nay của tỉnh. Tuy nhiên, do nền nông nghiệp lạc hậu, manh mún, sản xuất theo kiểu truyền thống nên nhiều nông dân vẫn chưa làm giàu được.

Mô hình thuỷ sản của gia đình anh Huỳnh Văn Tuấn.

Để tăng cường sự hợp tác, liên kết trong sản xuất nông nghiệp và nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh, trong năm 2019, Liên minh HTX đã chọn HTX sản xuất - thương mại - dịch vụ nông nghiệp Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu làm điểm của tỉnh để xây dựng mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mẫu.

HTX sản xuất - thương mại - dịch vụ nông nghiệp Phước Ninh được thành lập năm 2015, ra đời vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân đang xúc tiến xây dựng nông thôn mới và triển khai các Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nông dân thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, nông dân, nông thôn và hội nhập kinh tế thế giới. Từ khi ra đời, HTX sản xuất - thương mại - dịch vụ nông nghiệp Phước Ninh đã phát huy vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân trong liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp.

Ông Lê Quang Thực, ngụ ấp Phước An, xã Phước Ninh, là hộ nuôi ba ba tham gia HTX từ khi mới thành lập cho biết: “Khi tham gia vào HTX, tôi được vay vốn chăn nuôi với lãi suất thấp, được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, được mua phân bón trả chậm... Nhờ đó, sản xuất kinh doanh ổn định hơn, đời sống kinh tế cũng ngày được nâng lên”.

Tham gia vào HTX có nhiều lợi ích như thế nhưng vì sao trên địa bàn xã Phước Ninh hiện có 1.876 hộ dân tham gia sản xuất nông nghiệp, chiếm khoảng 70% số hộ dân toàn xã mà chỉ có hơn 30 hộ tham mô hình sản xuất kinh tế tập thể, số còn lại vẫn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ khiến đầu ra nông sản bấp bênh? Theo đại diện HTX, do những hạn chế của HTX “kiểu cũ” nên đa phần nông dân rất ngại vào HTX.

Thời gian qua, Hội Nông dân huyện Dương Minh Châu, Hội Nông dân xã Phước Ninh đã tích cực tuyên truyền để người dân hiểu được vai trò của HTX kiểu mới hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Hội Nông dân xã, HTX đã thành lập nhiều tổ liên kết sản xuất, quy tụ được nhiều thành viên tham gia để được ký kết bao tiêu sản phẩm, được hỗ trợ vốn sản xuất, hỗ trợ mua phân bón trả chậm, hỗ trợ thức ăn chăn nuôi với giá ưu đãi...

Đến nay, có nhiều hộ dân mong muốn được tham gia vào HTX để được hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật và bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Đơn cử như gia đình anh Huỳnh Văn Tuấn (ngụ tại ấp Phước An) có 5 ao nuôi ba ba và cá lóc bông. Tuy nhiên, thời gian qua, quá trình chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm của anh gặp rất nhiều khó khăn. Anh Tuấn cho biết, những người ngoài HTX thiệt thòi, khó khăn hơn về sản xuất, chăn nuôi, tiêu thụ so với thành viên trong HTX.

Thực tế cho thấy, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp - HTX - hộ nông dân vẫn được xem là mô hình ưu việt trong việc tổ chức sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, bởi quá trình sản xuất được cơ giới hoá, áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến; việc bảo quản, sơ chế được quan tâm; việc tiêu thụ thuận lợi. Đồng thời, mô hình liên kết cũng góp phần thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Theo Liên minh HTX tỉnh, đa số các HTX gặp khó khăn về vốn để mở rộng đầu tư và mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh. Việc huy động vốn góp từ thành viên còn rất hạn chế; việc tiếp cận vốn vay ưu đãi gặp khó khăn do không có tài sản chung để bảo đảm vốn vay... Phần lớn các HTX nông nghiệp chưa có trụ sở làm việc, kho chứa và địa điểm thu mua. Chính sách cánh đồng lớn và đầu tư nông nghiệp công nghệ cao vẫn chưa được triển khai đến các HTX…

Mô hình nuôi ba ba của gia đình ông Lê Quang Thực.

Để khắc phục những hạn chế và phát huy hiệu quả việc liên kết trong sản xuất, ngày 17.8.2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch số 6390/KH-BNN-KTHT về liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa các HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp với các doanh nghiệp đến năm 2020.

Theo đó, các giải pháp cần tập trung thực hiện gồm: Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để làm rõ sự cần thiết về chuỗi giá trị và vai trò nòng cốt của HTX nông nghiệp trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; nâng cao năng lực cho HTX và doanh nghiệp để thực hiện liên kết có hiệu quả, nâng cao năng lực quản trị, tiếp cận và áp dụng khoa học - kỹ thuật, năng lực về thông tin, thương mại và tiếp cận thị trường; thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy phát triển liên kết giữa doanh nghiệp và HTX.

Vũ Nguyệt

Theo Liên minh HTX tỉnh, kinh tế tập thể (KTTT) ở Tây Ninh thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó có tình trạng nhiều HTX nông nghiệp thiếu vốn sản xuất, kinh doanh.

Sau khi chuyển đổi mô hình theo Luật HTX năm 2012, các HTX được củng cố tăng cường, mở rộng các dịch vụ đầu vào, đầu ra phục vụ các thành viên nên nhu cầu về vốn là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc huy động vốn góp từ các thành viên còn rất hạn chế. Các HTX chủ yếu huy động thông qua kênh ưu đãi tín dụng từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX.

Bên cạnh đó, đa số các HTX gặp phải khó khăn trong vấn đề tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, một phần do không có tài sản chung để bảo đảm vốn vay. Mặt khác, các HTX chưa xây dựng được đề án, phương án sử dụng vốn vay. Nhiều HTX chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX. Ngoài ra, chính sách cánh đồng lớn và đầu tư nông nghiệp công nghệ cao vẫn chưa được triển khai đến các HTX.

Đối với lĩnh vực phi nông nghiệp như giao thông vận tải của một số HTX đã xuống cấp, cần phải đầu tư đổi mới. Việc đổi mới phương tiện cần nhiều tiền nhưng các HTX này đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn và tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.

Một khó khăn nữa đối với KTTT hiện nay là vấn đề đất đai. Phần lớn các HTX nông nghiệp chưa có trụ sở làm việc, chủ yếu mượn tạm nhà của thành viên. Một số HTX tổ chức dịch vụ thu mua, bao tiêu sản phẩm cho thành viên gặp khó khăn trong việc xây dựng kho chứa và địa điểm thu mua. Do đó, các HTX mong muốn địa phương tạo điều kiện cho HTX thuê đất từ quỹ đất công để ổn định hoạt động, mở rộng dịch vụ, phát triển sản xuất.

Bên cạnh đó, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho HTX cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế do đa số cán bộ quản lý HTX - nhất là HTX nông nghiệp có tuổi cao, trình độ hạn chế, khả năng nắm bắt thông tin và dự báo thị trường chưa nhạy bén, thiếu năng động.

THẾ NHÂN

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục