Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Lên hành lang của hải đăng đảo Dấu, phóng tầm mắt nhìn ra phía biển, sẽ thấy núi non Đồ Sơn thấp thoáng, từng đàn én chao liệng trên mặt sóng, xa xa là những con tàu lớn hiên ngang trên biển... Ai đã từng đặt chân tới Đồ Sơn mà chưa có dịp ra Đảo Dấu ắt hẳn trí tò mò chưa được thỏa mãn.
Lên hành lang của hải đăng đảo Dấu, phóng tầm mắt nhìn ra phía biển, sẽ thấy núi non Đồ Sơn thấp thoáng, từng đàn én chao liệng trên mặt sóng, xa xa là những con tàu lớn hiên ngang trên biển... Ai đã từng đặt chân tới Đồ Sơn mà chưa có dịp ra Đảo Dấu ắt hẳn trí tò mò chưa được thỏa mãn.
Cách bến Nghiêng chưa đầy 1km đường biển và mất 10 phút đi thuyền máy bạn sẽ đặt chân xuống hòn đảo xinh xắn này. Khác với sự ồn ào, tấp nập phía bên kia bờ, đảo Dấu vẫn giữ vẻ nguyên sơ, tự nhiên. Người xưa tưởng tượng Đồ Sơn có hình dáng như đầu rồng đang hướng về phía viên ngọc (đảo Dấu) và viên ngọc này đang là tâm điểm để khai thác tiềm năng du lịch của Đồ Sơn.
Nếu bạn là người ham du ngoạn chắc chắn sẽ là cơ hội tốt để tìm hiểu và khám phá những vẻ đẹp hòn đảo này. Xung quanh đảo là bãi đá bị sóng đánh trở nên mòn vẹt tạo ra những hình thù kỳ bí, khiến bạn phải ngạc nhiên trước những hình ảnh thiên nhiên vô tình hay hữu ý tạo nên những kiệt tác như vậy.
Đến với Đảo Dấu là đến với không gian tĩnh lặng của thiên nhiên, du khách thả hồn theo tiếng xào xạc của cây lá, tiếng sóng biển nhẹ nhàng vỗ vào bờ đá. Vượt qua đoạn đường nhỏ khoảng 20 m, du khách sẽ đặt chân đến trung tâm của đảo với những con đường uốn lượn quanh co. Hai bên đường cây cối đan xen chằng chịt khiến du khách cảm thấy mình đang lạc giữa màu xanh huyền diệu của núi rừng. Có một điều mà người dân Đồ Sơn cho là linh thiêng và thể hiện sự tôn trọng vị thần đảo: đó là không ngắt lá, bẻ cành cây trên đảo. Chính vì thế cây cối trên đảo không bị chặt phá, bốn mùa xanh tốt.
Theo con đường nhỏ khoảng gần 600m, du khách sẽ đến với hải đăng đảo Dấu. Đó là một toà nhà 2 tầng và chính giữa toà nhà là tháp đèn. Cây đèn biển hơn trăm tuổi mệnh danh là mắt ngọc của Tổ quốc lại là một nét nhìn mới lạ khác với du khách. Cao như một tháp pháo đài cổ vút lên giữa đảo và trên cùng là ngọn hải đăng chiếu xa tới 40km. Những con tàu đi biển xa khi bắt được ánh hải đăng Hòn Dấu là được trở về bến đậu.
Đèn biển đảo Dấu được người Pháp xây dựng từ năm 1892 và hoàn thành năm 1896. Tháng 6 năm 1898 đèn chính thức hoạt động và được ra thông báo Hàng hải. Ngày 15.5.1955, sau khi Hải Phòng giải phóng, bộ đội Việt Nam tiếp quản đèn biển này. Ngọn hải đăng anh hùng trên biển hằng ngày dẫn dắt tàu thuyền ra vào cảng Hải Phòng đã từng là nơi bị máy bay của đế quốc Mỹ oanh tạc. Ngày 27.4.1967 đèn bị sập hoàn toàn.
Công nhân trạm đèn đã khẩn trương dựng cột đèn bằng sắt cao 17 mét thay thế đèn bị sập để đảm bảo khôi phục hoạt động của hải đăng, phục vụ sản xuất và chiến đấu. Năm 1986 đèn được xây dựng lại trên nền móng cũ và năm 1995 được sửa chữa, khôi phục theo hình dáng ban đầu.
Ngọn hải đăng đảo Dấu đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn trên đảo. Bước lên cầu thang gỗ xoáy tiến ra hành lang của ngọn đèn, phóng tầm mắt nhìn ra phía biển, du khách sẽ thấy núi non Đồ Sơn thấp thoáng, từng đàn én chao liệng trên mặt sóng, xa xa là những con tàu lớn hiên ngang trên biển…
K.D (st)