Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Các vụ cháy rừng đang lan rộng trên khắp đất nước có nguy cơ làm chậm quá trình tăng trưởng kinh tế của Australia, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch và tiêu dùng.
Thảm họa cháy rừng có nguy cơ làm suy giảm kinh tế Australia. Ảnh: CNBC
Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết các công ty bảo hiểm tại Australia đã nhận được 8.985 khiếu nại bồi thường liên quan đến cháy rừng tại các bang New South Wales, Victoria, Nam Australia và Queensland kể từ khi Hội đồng Bảo hiểm nước này tuyên bố tình trạng thảm họa cháy rừng hôm 8/11/2019.
Hội đồng ước tính chi phí bồi thường thiệt hại cho các vụ hỏa hoạn đã lên tới 485.59 triệu USD. và ghi nhận 1.838 trường hợp tài sản dân cư đã bị phá hoại cho đến nay. Dự kiến, con số này sẽ tiếp tục tăng cao bởi nhiều đám cháy trong khu vực vẫn đang lan rộng.
Theo một dữ liệu được công bố hôm 6/1, các vụ hỏa hoạn đã bắt đầu ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của Australia. Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng đối với Ngân hàng đa quốc gia ANZ đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 4 năm qua, trong khi dữ liệu quảng cáo việc làm của ngân hàng này đã ghi nhận mức giảm lớn nhất trong 7 tháng trở lại đây.
Các nhà chức trách nước này cũng cho biết số người yêu cầu dịch vụ chăm sóc y tế khẩn cấp ở Victoria đã tăng 51% vào hôm 6/1 khi khói độc bao trùm bang này.
Một chiếc máy bay quân sự cứu hộ xưởng gỗ đang cháy ở Eden, bang New South Wales, (Australia) vào ngày 6/1. Ảnh: Getty Images
Ông David Bassanese, nhà kinh tế tại BetaShares Capital cảnh báo rằng ngoài sự mất mát to lớn về tính mạng và tài sản, người dân cũng nên chuẩn bị đối phó với sự suy giảm kinh tế trong thời gian sắp tới.
“Chắc chắn thảm họa cháy rừng sẽ tác động tiêu cực đến niềm tin của người tiêu dùng, đặc biệt tại thời điểm nguy cấp như hiện nay. Đây là một rào cản lớn đối với sự tăng trưởng kinh tế của Australia”, ông Bassanese nhận định.
Thủ tướng Australia Scott Morrison cũng đã có cuộc trao đổi với giám đốc điều hành các công ty bảo hiểm và ngân hàng để thảo luận về biện pháp giải quyết khủng hoảng kinh tế sau thảm họa cháy rừng.
Tuy nhiên, ông đã phải đối mặt với nhiều chỉ trích vì không quyết liệt trong việc giải quyết các vấn đề khi hậu trong nước. Trước đó, ông Morrison đã tuyên bố Australia cam kết chi 2 tỷ AUD cho Cơ quan phục hồi Thảm họa cháy rừng quốc gia mới thành lập trong vòng 2 năm để khắc phục hậu quả hỏa hoạn.
“Các vụ hỏa hoạn đã có ảnh hưởng rất lớn đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, chúng tôi muốn chi tiền cho việc khắc phục hậu quả càng nhanh càng tốt”, Thủ quỹ Tập đoàn Bảo hiểm quốc gia Australia, Josh Frydenberg nói trong cuộc họp giữa Thủ tướng Morrison và các nhà lãnh đạo tài chính.
Thủ tướng Scott Morrison phát biểu trong cuộc họp báo liên quan đến phản ứng cháy rừng của chính phủ tại Tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Canberra (Australia) hôm 6/1. Ảnh: Shutterstock
Thảm họa cháy rừng tại Australia đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ lan rộng. Tính đến thời điểm hiện tại, hỏa hoạn đã phá hủy hơn 8 triệu hecta đất – con số gần bằng diện tích của nước Áo, khiến 25 người chết và hàng nghìn ngôi nhà bị hư hại. Nhiều người dân sống ở các thị trấn nông thôn đã phải trải qua những ngày không có điện, dịch vụ viễn thông bị ngắt và thiếu nước uống trầm trọng.
Trước tình hình này, chính phủ đã nỗ lực tiến hành các biện pháp kiểm soát, ngăn các đám cháy lan rộng. Quân đội Australia đã được điều động chôn cất khoảng 4.000 con cừu và gia súc thiệt mạng trong đám cháy nhằm tránh lây lan dịch bệnh. Trong khi đó, các nhân viên cứu hỏa tại Australia đã tận dụng thời tiết mát mẻ hôm thứ 6/1 để rào các tuyến đường xung quanh 200 đám cháy đang bùng phát ở phía Đông Nam trước khi nhiệt độ tiếp tục gia tăng và gió trở lại vào cuối tuần theo dự báo.
“Họ đang nỗ lực ngăn chặn sự lan nhanh của lửa để giảm thiểu những đám cháy bùng phát khi thời tiết ấm lên. Chúng tôi không thể dập tắt tất cả đám cháy nhưng chúng tôi có thể tận dụng thời gian này để ngăn đám cháy lan rộng”, Phó ủy viên Sở Cứu hỏa Nông thôn Rob Rogers nói.
Nguồn Báo Tin tức