BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thăm HTX Mây tre- Bánh tráng Long Thành Bắc

Cập nhật ngày: 19/08/2010 - 10:11

Cố tình đi sớm tìm anh Nguyễn Đăng Khoa, Chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) Mây tre- Bánh tráng xã Long Thành Bắc (Hoà Thành) ở khu vực Sân Cu, thuộc ấp Long Mỹ, nơi đặt làm lò bánh tráng của HTX, nhưng chúng tôi vẫn không kịp chứng kiến các công đoạn sản xuất ở đây, vì mẻ hàng đầu tiên trong ngày đã ra lò từ khi trời chưa sáng. Bánh tráng đã được sắp lên hàng ngàn tấm vỉ nan đan bằng trúc dài thườn thượt đang được các công nhân luân phiên vác ra ngoài sân phơi.

Sở dĩ tôi muốn xem tận mắt công đoạn tráng bánh và hấp bằng máy móc như thế nào so với cách làm thủ công xưa nay của ông bà ta đã làm hàng trăm năm nay. Nhưng rất tiếc lò đã ngưng vì công đoạn này đã thực hiện xong trong vòng hai giờ đồng hồ kể từ lúc 4 giờ sáng, việc còn lại là phơi khô bánh rồi dùng khuôn dập thành nhiều cỡ và đóng hàng vào bao cho khách. Anh Khoa cho tôi biết như thế.

Anh Nguyễn Đăng Khoa cho biết mỗi ngày cơ sở HTX của anh cho ra được trên dưới 300 kg bánh tráng thành phẩm từ 1.000 kg bột mì. Nếu tính cả tháng cũng chỉ được khoảng hơn 8.500 kg, doanh thu chỉ độ chừng 100 triệu có lẻ chút ít, trừ các khoản chi phí: vật liệu, nhân công, khấu hao máy móc thiết bị… lợi nhuận trung bình được hơn 36 triệu, mỗi xã viên được trên 4 triệu/ tháng. Trong năm thời gian nghỉ rất ít, trừ phi mưa bão liên tục, nhưng anh cũng cố gắng: “canh trời” chỉ cần không quá một giờ có nắng là công việc phơi bánh được an toàn.

Khi được hỏi về cá nhân, hoàn cảnh, sự nghiệp của mình và quá trình ra đời, hoạt động của HTX Mây tre - Bánh tráng anh Khoa vui vẻ cho biết, trước đây hoàn cảnh gia đình anh rất khó khăn, anh phải vừa học vừa làm để phụ giúp gia đình. Là anh trai duy nhất trong 5 anh em, cha mất sớm vì bệnh tật, anh Khoa phải gánh vác việc gia đình phụ mẹ nuôi các em. Năm 1997, anh tham gia công tác Đoàn, được đoàn viên thanh niên tín nhiệm bầu làm chức vụ Phó Bí thư Xã đoàn kiêm Chủ tịch Hội LH Thanh niên xã Long Thành Bắc. Anh không ngừng học tập, rèn luyện để thực hiện nhiệm vụ được giao đồng thời phải tận dụng, tranh thủ thời gian để làm thêm sinh sống. Ban đầu anh làm thuê trong cơ sở sản xuất Mây Tre xuất khẩu Long Thành Trung, đến năm 2001 bản thân mạnh dạn mở cơ sở sản xuất mây tre tại nhà, đến năm 2004 được cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện cho thành lập HTX Mây tre, anh được xã viên bầu đảm trách chức vụ chủ nhiệm.

Chủ nhiệm HTX Nguyễn Đăng Khoa

Sau một thời gian hoạt động ngành mây tre bước đầu đạt nhiều thuận lợi, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cho vay vốn từ nguồn vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm để sản xuất với số tiền là 119 triệu đồng. Nguyên liệu phục vụ cho việc sản xuất dồi dào, sản phẩm làm ra đều được tiêu thụ nhanh chóng, chủ yếu xuất khẩu sang các nước trên thế giới, đời sống công nhân lúc bấy giờ được nâng lên rõ rệt. Từ năm 2005 do nguyên liệu sản xuất ít và thưa thớt dần, xã viên HTX rơi vào cảnh khó khăn nên anh quyết định ngưng sản xuất phần mây tre.

Anh em xã viên đã cùng với anh Khoa trăn trở tìm tòi mọi cách để chuyển hướng và mục đích cho HTX duy trì hoạt động để sản xuất phục vụ cho xã hội đồng thời nuôi sống xã viên. Nhiều lần đi lại, tìm hiểu ở xã Phước Đông, huyện Gò Dầu rất vất vả lắm anh Khoa mới được người tâm phúc chỉ cho đường đi, nước bước để đến với nghề, và anh Khoa cùng xã viên thống nhất quyết định đầu tư máy móc thiết bị sản xuất bánh tráng với tổng số vốn lên đến 450 triệu đồng trong đó vốn của xã viên là 331 triệu đồng, còn lại phải tiếp tục vay của Nhà nước.

Sau một năm hoạt động, bước đầu gặp rất nhiều khó khăn từ kinh nghiệm trong tổ chức vận hành thiết bị để sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm làm ra chưa có, chưa kể sản phẩm sản xuất được chưa đáp ứng được yêu cầu người tiêu dùng. Nhưng anh em xã viên cùng anh Khoa quyết tâm học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm, cố gắng điều chỉnh kỹ thuật sản xuất để sản phẩm làm ra được tốt hơn, dễ được thị trường chấp nhận.

Cuối cùng HTX của anh đã trụ tương đối ổn định, sản phẩm làm ra đã được tiêu thụ nhanh, có khi không đủ để cung ứng cho khách hàng. Và HTX đã được phòng Nông nghiệp -Phát triển nông thôn hỗ trợ về thủ tục thành lập, bổ sung ngành nghề và được UBND huyện công nhận cho bổ sung sản xuất ngành nghề bánh tráng. Với kết quả ban đầu như anh đã nêu ở phần trên. HTX của anh cũng đã cùng chính quyền địa phương giải quyết cho 15 thanh niên có việc làm với thu nhập từ 1,5 triệu đến 2,5 triệu đồng/tháng/người. Chưa kể công nhân vẫn còn sử dụng thời gian rảnh trong lúc chờ bánh khô hoặc thời gian còn thừa trong ngày khi việc làm ở HTX đã xong để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp vì hầu hết họ đều là con nhà nông, sống và trực tiếp sản xuất nông nghiệp xung quanh cơ sở sản xuất của anh.

Với kết quả ban đầu làm được thu nhập gia đình anh đã tương đối ổn định và không còn khó khăn như trước; cuộc sống xã viên cũng khấm khá hơn, đây là mục tiêu mà anh Khoa và tập thể xã viên đã phấn đấu và thực hiện được trong những năm qua. Sản xuất trong điều kiện nền kinh tế thị trường, vốn tự có để đầu tư ban đầu không có, chủ yếu đi vay mà  HTX của anh Khoa tồn tại và phát triển như thế có thể nói là cũng thuộc loại khá tốt.

Chủ nhiệm HTX còn cho biết thêm, với thực lực máy móc thiết bị hiện tại HTX có thể tăng khối lượng sản phẩm lên gấp đôi, tuy nhiên do nguồn vốn còn yếu, HTX không thể sắm thêm được vỉ phơi để tăng sản lượng. Trong khi muốn khai thác hết khả năng sản xuất của máy chỉ cần tăng vốn 100 triệu đồng nữa. Chúng tôi hỏi: -Sao HTX không vay tiếp? Anh Khoa trả lời: -Có gì thế chấp đâu để vay, xã viên khởi nghiệp hầu hết từ con số không, đã vay tín chấp rồi không còn điều kiện vay tiếp nên đành “thúc thủ”. Nói vậy chứ tôi cùng anh em xã viên đang tìm cách để phát triển thêm.

Chia tay Chủ nhiệm HTX Mây Tre- Bánh tráng xã Long Thành Bắc, chúng tôi tin tưởng HTX sẽ tiếp tục phát triển, để chứng minh rằng việc làm ăn tập thể vẫn là phương cách tốt nhất giúp những người lao động nghèo có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

NGHIÊM-KHÁNH