Ngay sau khi xảy ra hai vụ nổ bom trên đường đua marathon ở TP. Boston, mặc dù Tổng thống Mỹ Barack Obama tránh đề cập đến khả năng bị khủng bố, nhưng các quan chức Nhà Trắng và báo chí Mỹ vẫn cho đây là hành động khủng bố cần phải bị trừng trị.
Ngay sau khi xảy ra hai vụ nổ bom trên đường đua marathon ở TP. Boston, mặc dù Tổng thống Mỹ Barack Obama tránh đề cập đến khả năng bị khủng bố, nhưng các quan chức Nhà Trắng và báo chí Mỹ vẫn cho đây là hành động khủng bố cần phải bị trừng trị.
Cuộc đua marathon Boston thường niên được tổ chức từ năm 1897, trung bình thu hút khoảng 20.000 VĐV tham gia, nửa triệu người đến dự khán. Hai vụ nổ xảy ra gần khu vực đích đến của cuộc đua marathon vào lúc rạng sáng 16.4 (giờ Việt Nam) làm ít nhất 3 người chết, trong đó có bé trai 8 tuổi tên là Martin Richard, đang cùng mẹ và chị gái chờ xem cha chạy về đích. Nhiều nguồn tin cho biết, 144 người bị thương được đưa đến bệnh viện cấp cứu, trong đó có 17 người trong tình trạng “thập tử nhất sinh”, 25 người bị thương rất nặng. Ít nhất 10 người trong số đó bị mất chân hoặc tay.
Hiện trường đẫm máu trên đường đua marathon Boston. Ảnh: AP |
Khoảng 1 giờ sau 2 vụ nổ trên, quả bom thứ ba phát nổ tại Thư viện Tổng thống John F. Kennedy đặt ở TP. Boston gây hoả hoạn nhưng đã được dập tắt. Tuy nhiên, Sở Cảnh sát Boston cho rằng, vụ nổ này không liên quan đến thảm kịch trên đường đua marathon.
Nhà chức trách TP. Boston cho biết thêm, cảnh sát đã kịp thời vô hiệu hoá 1 thiết bị nổ đặt trong một khách sạn trên đường Boylston và 1 thiết bị nổ khác ở một địa điểm không xác định.
Cho đến giờ vẫn chưa có tổ chức nào chịu trách nhiệm thực hiện vụ đánh bom. Chính phủ Mỹ cũng chưa xác định được đây là một cuộc tấn công có nguồn gốc nước ngoài hay trong nước. Trước khi giải marathon diễn ra, cảnh sát cũng không nhận được bất kỳ lời đe doạ nào và cũng không có thông tin nào về khả năng bị tấn công khủng bố. Tuy nhiên, các nhà điều tra đang truy tìm một người đàn ông nước ngoài, có thể là da đen hoặc sẫm màu, được cho là có liên quan đến vụ đánh bom. Người đàn ông này mặc áo tay ngắn, đeo ba lô màu đen cố xâm nhập vào khu vực giới hạn trước vụ nổ thứ nhất khoảng 5 phút. Ngoài ra, một người đàn ông quốc tịch Saudi Arabia bị thương ở chân cũng “đang được đặt trong tình trạng giám sát” tại một bệnh viện ở Boston.
Hiện cảnh sát đang phối hợp với phía tình báo kiểm tra lại những hình ảnh thu được trong các camera an ninh lắp đặt tại khu vực tổ chức giải marathon. Hai thiết bị nổ bị vô hiệu hoá cũng có thể giúp các nhà điều tra tìm ra những chứng cứ quý giá như dấu vân tay hay đặc điểm riêng biệt của kẻ chế tạo.
Vụ nổ bom đã đặt cảnh sát ở hầu hết các thành phố lớn trên nước Mỹ, trong đó có Washington D.C và TP. New York – hai nơi từng bị tấn công trong vụ khủng bố ngày 11.9.2001 – trong tình trạng báo động.
Trinh Dương
(Tổng hợp)