BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thâm nhập mỏ khai thác than “tử thần”

Cập nhật ngày: 02/05/2016 - 10:02

Một cửa hầm than sau khi đã khai thác cạn kiệt được bỏ lại mà không đánh sập cửa hầm, xây bịt lối.

“Không tin được dù đó là sự thật”

Sau một thời gian năn nỉ, tôi được ông Bùi Thanh Ly – Phó trưởng Công an xã Cuối Hạ đồng ý dẫn vào điểm khai thác than Mường Vọ, xã Cuối Hạ, huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình. Vượt qua một một con dốc chênh vênh, chúng tôi có mặt tại điểm khai thác than Mường Vọ. Mặt đường in dấu xe tải chở than. Lên lưng chừng dốc gặp một nhóm thanh niên đứng bên một hầm than. Bên đường một mỏ than cao 3m rộng 2,5 mét sâu hung hút rọi đèn không thấy đáy đã bị bỏ hoang cỏ dại mọc um tùm, nước màu vàng trong hầm chảy ra trôi xuống suối.

Lên lưng chừng khu mỏ ở độ cao 50m, một của hầm khai thác than nằm dưới chân một quả đồi, xung quanh có nhiều xe máy của người khai thác than. Vết xe kéo vận chuyển than in sâu trên nền đất. Chúng tôi quyết định vào hầm than. Miệng hầm than với kết cấu đất đá dễ sụt lún nhưng vẫn không được chống đỡ kiên cố dù chỉ là những thanh gỗ hay tấm ván. Lòng hầm sâu hun hút, chiếc đèn trên tay chúng tôi chiếu sáng nhưng vẫn không thấy điểm kết thúc của hầm.

Trong hầm nước nhỏ giọt chảy lênh láng xuống lòng hang, đọng thành vũng nhưng không có bất kỳ hệ thống cấp thoát nước nào. Đi sâu vào trong lòng hang chừng gần 100m, tuyệt nhiên chúng tôi không gặp bất kỳ một vật dụng dùng để làm vì chống đỡ kiên cố (Theo quy định có những vì chống như: Vì bê tông, vì gạch nung, đá, gỗ, thép, bô tông cốt thép lắp ghép, vì neo, vì bê tông liền khối hay bê tông cốt thép đổ tại chỗ, vì gạch).

Chúng tôi cũng không gặp bất kỳ một hệ thống cấp thoát nước, hệ thống quạt gió, điều hoà khí Metan phòng chống cháy, hệ thống cung cấp điện hay khí nén, dưỡng khí (Theo quyết định số 35 ngày 13.10.2006 của Bộ Công Nghiệp về việc ban hành quy phạm kỹ thuật khai thác hầm lò than và diệp thạch).

Cách đó không xa một hầm than đang trong quá trình khai thác, bên trong có ánh đèn của công nhân khai thác than. Hầm khai thác này có một ống nhựa cấp thoát nước, các hạng mục còn lại cũng không có như hầm khai thác lúc trước chúng tôi vào. Chọn một số các hầm khai thác than tiếp theo, tất cả đều cùng “cảnh ngộ” như hai hầm than chúng tôi đến.

Mỏ than Mường Vọ có bao nhiêu hầm khai thác than “tử thần”, ông  Bùi Thanh Chương, Chủ tịch UBND xã Cuối Hạ – bộc bạch: “Hiện tại có 7 hầm than chính thức được công bố mà chúng tôi biết và kiểm tra, còn những mỏ than chui lủi không chính thức thì chúng tôi không thể biết được, những mỏ than này nằm sâu trong đồi”.


 Một hầm than đang khai thác nhưng không có hệ thống thoát nước, điện, thông khí. Cửa hầm tiềm ẩn nguy cơ sụt, sập nhưng không được chống vìa chắc chắn.

Hết giấy phép khai thác, không ai quản lý

Mỏ than Mường Vọ được UBND tỉnh Hoà Bình cấp phép giao quyền khai thác cho Công ty cổ phần khai thác khoáng sản Kim Bôi (Cty Kim Bôi) vào ngày 8/4/2011. Trong 5 năm tiến hành khai thác mỏ than, vấn đề an toàn lao động hầu như không được quan tâm. Gặp anh Bùi Văn T tại khu vực gần điểm khai thác mỏ, anh T cho biết: “Mỏ than đó (chỉ Mường Vọ) liên tục xảy ra tai nạn chết người, mỗi năm có ít nhất từ 1 đến 2 vụ”.

Ông Bùi Thanh Chương – Chủ tịch UBND xã Cuối Hạ cũng khẳng định: “Năm 2014 xảy ra một vụ tai nạn nổ khí Metan làm 2 người chết và hai người bị thương nặng. Mỗi năm có ít nhất từ một đến hai vụ tai nạn lao động là đúng”.

Trao đổi với ông Quách Đình Hạnh - Trưởng phòng LĐTBXH huyện Kim Bôi, được biết: “Công ty cổ phần Kim Bôi đã hết phép khai thác khoáng sản từ tháng 6.2013”. Khi PV muốn tìm hiểu các văn bản liên quan đến việc kiểm tra, đánh về mức độ an toàn lao động tại mỏ than Mường Vọ, ông Hạnh cho hay: “Phòng không còn lưu giữ các văn bản trên, giờ phải xuống Sở LĐTBXH tỉnh mới có, dưới đó họ mới lưu”.

Thực tế, Cty Kim Bôi đã hết phép khai thác khoáng sản ngày 8/4/1016 theo đúng như thông báo số 374 của UBND tỉnh Hoà Bình, trong vòng 6 tháng Cty trên buộc phải hoàn thành các thủ tục đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường và đất đai theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn một số công nhân ở lại dựng lán trại ngay trong khu mỏ, như thực tế chúng tôi đã chứng kiến. Ông Bùi Thanh Chương cũng cho biết: “Mặc dù đã hết phép khai thác than, nhưng một bộ phận công nhân của công ty vẫn tiến hành khai thác than”.

Ông Ngô Ngọc Thu – Trưởng Phòng Việc làm và an toàn lao động (Sở LĐTBXH), khi được hỏi, đã không đưa được bất kỳ văn bản nào liên quan đến việc kiểm tra, đánh giá về mức độ an toàn lao động tại mỏ than Mường Vọ. Ông Thu nói: “Việc kiểm tra về an toàn lao động phải sang bên Thanh tra Sở”.

PV gặp ông Lương Bá Khiêm – Chánh thanh tra Sở LĐTBXH, ông lại cho rằng: “Chức năng kiểm tra về an toàn lao động không thuộc thẩm quyền của phòng thanh tra, mà thuộc thẩm quyền của phòng Việc làm và an toàn lao động. Chúng tôi có nhiệm vụ thanh tra khi tai nạn lao động xảy ra” (!).

Nguồn LĐO