Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thẩm quyền và trách nhiệm!
Thứ tư: 19:15 ngày 22/05/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Quy định số 142-QĐ/TW của Bộ Chính trị quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ được coi là bước đột phá lớn, bảo đảm Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. Qua đó góp phần quan trọng để thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Hội nghị lần thứ chín, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. 

Bộ Chính trị mới đây vừa ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ (Quy định số 142).

Quy định này quy định phạm vi, đối tượng, nguyên tắc, thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện thí điểm về công tác cán bộ, gồm: Giới thiệu nhân sự bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của người đứng đầu; bầu bổ sung ủy viên ban thường vụ cấp ủy cùng cấp; bổ nhiệm, miễn nhiệm cấp trưởng cấp dưới trực tiếp thuộc thẩm quyền quản lý. Quy định thực hiện thí điểm đối với các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị từ cấp huyện trở lên (đối với Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương có quy định riêng).

Như vậy, Đảng, Nhà nước đã có những quy định rất rõ ràng, cụ thể về vai trò, trách nhiệm cá nhân trước tập thể từ phía cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cơ quan, đơn vị dựa trên nguyên tắc vị trí càng cao thì trách nhiệm càng lớn, bao gồm cả việc miễn nhiệm, từ chức nếu như không hoàn thành trọng trách. Trước đó, Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3/11/2021 của Ban Chấp hành Trung ương cũng đã quy định cụ thể việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Hai khái niệm “miễn nhiệm” và “từ chức” được phân biệt rành mạch trong quy định này.

Quy định 142-QĐ/TW nhằm bảo đảm Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; nguyên tắc tập trung dân chủ; công tâm, khách quan, công khai, minh bạch, giữ gìn đoàn kết nội bộ; phát huy trách nhiệm của người đứng đầu và cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị.

Theo quy định, người đứng đầu có thể thực hiện hoặc không thực hiện thẩm quyền được giao theo Quy định này và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét, thực hiện quy trình công tác cán bộ đối với nhân sự do người đứng đầu giới thiệu theo quy định.

Cụ thể, Điều 6, Quy định số 142 nhấn mạnh về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu. Theo đó, người đứng đầu bảo đảm về tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực công tác của nhân sự do mình giới thiệu; thực hiện nghiêm các quy định về công tác cán bộ, quy định về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Đáng chú ý là người đứng đầu chịu trách nhiệm về quyết định của mình kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu trong các trường hợp: Giới thiệu cán bộ để bầu cử, bổ nhiệm thiếu công tâm, khách quan, không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực công tác; Miễn nhiệm cán bộ không bảo đảm căn cứ, thủ tục theo quy định.

Điểm nhấn của Quy định người đứng đầu được quyền giới thiệu nhân sự cấp phó để giúp việc cho mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ điều hành hoạt động của cơ quan.

Phải khẳng định rằng, Quy định 142 là bước cụ thể hóa chủ trương lớn thực hiện thí điểm “Người đứng đầu được lựa chọn, giới thiệu và phải chịu trách nhiệm về việc giới thiệu cán bộ trong quy hoạch để thực hiện quy trình bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của mình” của Đảng ta. Quy định này cũng sẽ gỡ nút thắt đối với nhu cầu xây dựng được “ê kíp” làm việc tốt hơn, giúp công việc cơ quan đơn vị trôi chảy hơn.

Mốt số ý kiến cho rằng, điểm mới của Quy định số 142-QĐ/TW là giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trực tiếp giới thiệu nhân sự cụ thể để bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của người đứng đầu; bầu bổ sung ủy viên ban thường vụ cấp ủy cùng cấp; bổ nhiệm cấp trưởng cấp dưới trực tiếp thuộc thẩm quyền quản lý. Đây là điểm mới, cụ thể và rõ ràng hơn so với các quy định trước đây. Trong đó, đã xác định trách nhiệm người đứng đầu phải chịu trách nhiệm toàn diện về thực hiện chức năng, nhiệm vụ và công tác cán bộ ở các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị.

Mặt khác, trách nhiệm của người giới thiệu nhân sự cũng được quy định rõ ràng hơn, ngay cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu. Như vậy, Quy định này cũng đã kết hợp giữa quy định về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng với quy định của pháp luật Nhà nước về trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu và trong pháp luật hình sự (nếu vi phạm).

Nếu so với Điều 21 Quy định 80/QĐ-TW năm 2022: “Cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và người đứng đầu chịu trách nhiệm về đánh giá, nhận xét, đề xuất, lựa chọn, giới thiệu nhân sự bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử", thì Quy định 142 thực sự là một đột phá của Đảng khi đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc lựa chọn nhân sự cấp dưới của mình, chấm dứt tình trạng tồn tại lâu nay là không cá nhân nào phải chịu trách nhiệm chính khi để xảy ra sai sót trong việc giới thiệu nhân sự. Mặc dù trong quy trình giới thiệu nhân sự ấy, đôi khi, tiếng nói quyết định đã thuộc về một cá nhân nắm quyền lãnh đạo cao nhất!

Phải khẳng định rằng, sau nhiều vụ cán bộ lãnh đạo cấp cao phải nhận kỷ luật Đảng vì chịu trách nhiệm người đứng đầu khi để cấp dưới của mình vi phạm khuyết điểm, làm sai, làm trái pháp luật, tham nhũng… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng và của cá nhân, làm mất niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước… thì việc ban hành Quy định 142-QĐ/TW thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ được xem là một hướng mới trong công tác tổ chức cán bộ của Đảng.

Điều này vừa bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; nguyên tắc tập trung dân chủ; công tâm, khách quan, công khai, minh bạch, giữ gìn đoàn kết nội bộ; phát huy trách nhiệm của người đứng đầu và cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị trong việc chủ động lựa chọn cán bộ cấp phó để giúp việc cho mình, vừa xây dựng tập thể cán bộ lãnh đạo có đủ năng lực, phẩm chất, đoàn kết, cùng hành động vì lợi ích chung.

Đánh giá cao vai trò của Quy định mới này, một số chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng Đảng cho rằng, điều mà cán bộ, đảng viên, Nhân dân mong mỏi nhất chính là ngăn chặn được tình trạng “địa phương chủ nghĩa”, “cá nhân chủ nghĩa”, bổ nhiệm người nhà, người thân, họ hàng, "cánh hẩu"… lâu nay vẫn còn tồn tại tại một số địa phương, đơn vị mà nguyên nhân sâu xa là do sự suy thoái trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, do bè phái, cục bộ trong công tác cán bộ.

Để khắc phục được vấn đề này, việc đầu tiên là phải xác lập đúng trách nhiệm người đứng đầu trong lựa chọn cán bộ. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm đến cùng về việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự của mình. Bởi thủ trưởng đơn vị chắc chắn phải là người nắm chắc thông tin, phẩm chất, năng lực của người được giới thiệu. Nên nếu họ giới thiệu không công tâm khách quan vì thân hữu, “cánh hẩu”, vì “mua bán” chức vụ” thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm…

Có ý kiến cũng cho rằng, cần khẳng định tập thể lãnh đạo, quyết định là cần thiết, nhưng nếu không giao quyền và trách nhiệm cho người đứng đầu thì dễ dẫn đến tình trạng coi nhẹ trách nhiệm hoặc dựa dẫm vào tập thể, không chịu trách nhiệm của cá nhân. Do đó, Quy định 142 hi vọng sẽ khắc phục được tình trạng này. Do đó, Đảng, Nhà nước cần sớm có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, chi tiết để thực hiện thí điểm giao quyền và trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.

Thực tế đã chỉ ra rằng, một chủ trương dù tiến bộ đến đâu, kết quả chủ yếu vẫn phụ thuộc vào cái tâm, cái tài của người thực hiện. Vì vậy, để Quy định 142 đi vào cuộc sống, đòi hỏi người đứng đầu phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, phải có con mắt “tinh đời” khi lựa chọn, giới thiệu nhân sự cấp phó, sao cho đủ tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực công tác…, đảm bảo nguyên tắc công tâm, không vụ lợi, vì lợi ích chung; không viện cớ xây dựng “ê kíp” làm việc mà cố tình đưa những người chưa đạt chuẩn vào hàng ngũ lãnh đạo, nhằm kết bè kéo cánh, tư lợi, bất chấp hậu quả có thể gây ra cho đất nước.

Chúng ta tin chắc rằng rằng, nếu được thực thi nghiêm túc, Quy định này chắc chắn này sẽ góp phần hình thành một đội ngũ lãnh đạo có đầy đủ phẩm chất đạo đức, năng lực, trung thực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích của đất nước, của Nhân dân. Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức cán bộ, quy định về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ./.

Nguồn ĐCSVN

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh