BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thăm vườn mai vàng rộng hơn 1 ha tại Châu Thành 

Cập nhật ngày: 31/01/2024 - 14:07

BTN - Mỗi dịp tết đến là hoa mai vàng nở rực rỡ. Trung tuần tháng Chạp, các nhà vườn và gia đình đều tất bật chăm sóc, lặt lá để mai kịp nở trong những ngày xuân.

Công việc lặt lá mai giúp nhiều người có thêm thu nhập.

Nhắc đến mai vàng tại Tây Ninh, nhiều người sẽ nhớ đến cái tên làng mai vàng Bến Kéo, nhưng ít ai biết được ở huyện Châu Thành cũng có một vườn mai rộng hơn 1 ha của chị Lê Thị Hà, ở ấp Long Đại, xã Long Vĩnh.

Chúng tôi đến thăm vườn mai của chị Hà đúng dịp nơi đây đang lặt lá mai. Hiện tại, vườn có hơn 10.000 gốc mai lớn nhỏ, trồng xen canh, đây là giống mai có nguồn gốc từ Thủ Đức. TP. Hồ Chí Minh.

Chị Hà kể, sau những năm tháng bươn chải ở Thành phố Hồ Chí Minh, chị quyết định về quê lập nghiệp với nghề trồng mai vàng. Chia sẻ kinh nghiệm trồng mai, chị Hà cho biết ban đầu gặp rất nhiều khó khăn, từ khâu chọn giống đến khi ươm giống, lên liếp, vô bọc nhỏ, sau đó vô bầu lớn rồi đặt cây xuống đất; khi cây đã lớn, có dáng thì chăm sóc dễ hơn.

Nhưng cần đặc biệt chú ý đến thời tiết, phân tro thì phải chọn tháng phù hợp bón cho cây, tránh sương muối, quan trọng nhất là vụ tưới cuối năm phải canh đúng thời điểm, để cây ra hoa không bị sớm hoặc muộn.

“Tôi cho lặt lá mai sớm, thường vào 13-14 tháng Chạp (âm lịch), năm nay là năm nhuần nên lặt lá trễ hơn. Hôm nay, tôi bắt đầu cho anh em xuống lá và xử lý thuốc sâu.

Ngoài thị trường trong tỉnh, tôi còn cung cấp mai cho các tỉnh lân cận như Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Long An. So với trước đây, năm nay, số lượng mai xuất ra thị trường giảm, do khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng tới ngành hoa kiểng. Ví dụ năm rồi tôi xuất 1.000 gốc, năm nay chỉ được tầm 500 gốc”- chị Lê Thị Hà chia sẻ.

Thị trường hoa kiểng năm nay được nhiều nhà vườn dự đoán là ảm đạm hơn mọi năm, tuy nhiên, giá mai vàng vẫn giữ ở mức ổn định. Tại vườn chị Hà, giá mỗi cây từ 150 ngàn đến 500 ngàn đồng, tuỳ vào kiểu dáng, kích thước. Mọi năm, thu nhập từ nghề trồng mai, trừ mọi chi phí, chị Hà lãi từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng/năm. Năm nay thu nhập có phần ít hơn những năm trước.

Ngoài việc huy động toàn bộ người thân trong gia đình ra lặt lá mai, chị Hà phải thuê thêm người lặt lá. Vườn mai của chị cần khoảng 20 nhân công lặt theo yêu cầu của thương lái, cần ra hoa dịp nào thì lặt lúc đó, không phải làm đồng loạt.

Công việc lặt lá mai đơn giản nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, đúng kỹ thuật, không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Một vài người có kinh nghiệm trong việc trồng và chăm bón mai vàng cho biết, phải lặt lá mai chứ không nên tuốt, bởi nếu tuốt lá không khéo sẽ tuốt luôn cả phần nụ hoa nằm ở kẽ lá.

Chị Nguyễn Kim Mạnh, ngụ ấp Long Phú, xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành chia sẻ: “Năm nào tôi cũng lặt lá mai cho vườn nhà chị Hà, khu này người ta trồng nhiều, mình đi lặt có thêm thu nhập cho mấy ngày tết, ngày làm cũng được vài trăm ngàn đồng. Lặt lá cũng cần đúng kỹ thuật, vuốt lá xuôi chiều, nhẹ nhàng, tránh làm gãy cành, mất nụ. Khoảng 18 âm lịch là kết thúc công việc này”.

Theo chị Hà, khi lặt lá xong, nên theo dõi thời tiết cũng như sự phát triển của nụ hoa để kịp thời điều chỉnh và bón phân, bảo đảm trổ hoa đúng dịp tết. Chỉ tưới nước một lần/ngày vào buổi trưa, bên cạnh đó, cần cho mai đón ánh nắng như bình thường.

Tết đang cận kề, những nhà vườn trồng mai vàng tại ấp Long Đại nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung luôn tự hào trồng được những cây mai vàng đẹp, chất lượng, không chỉ giúp họ có được nguồn thu nhập ổn định trong thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, mà còn góp phần điểm tô cho mùa xuân thêm rực rỡ.

Hoàng Yến - Nhật Quang