Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Bộ trưởng Nội vụ Ecuador Maria Paula Romo cho hay, một nhân viên của nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange cũng đã bị bắt giữ hôm 11-4 khi đang trên đường chạy trốn sang Nhật Bản.
AP đưa tin theo bà Romo, người bị bắt có mối quan hệ rất thân với ông Assange. Song danh tính của người này không được tiết lộ.
Sueco Ola Martin Bini được cho là "thân tín" của ông chủ WikiLeaks Assange bị chính quyền Ecuador bắt giữ vào chiều 11-4.
“Người bị bắt là người rất thân thiết với tổ chức WikiLeaks và sinh sống ở Ecuador. Ông này bị bắt vào chiều ngày 11-4 khi đang trên đường bỏ trốn sang Nhật Bản”, AP dẫn lời Bộ trưởng Romo.
Cũng theo AP, một người đàn ông Thụy Điển có tên Sueco Ola Martin Bini được cho chính là người bị chính quyền Ecuador bắt giữ vào ngày 11-4 trước cáo buộc liên quan mật thiết với tổ chức WikiLeaks và nhà sáng lập Assange.
Bini là một nhà phát triển phần mềm làm việc ở Quito cho "Centre for Digital Autonomy", tổ chức hoạt động tại Ecuador và Tây Ban Nha liên quan tới quyền riêng tư, an ninh và mật mã. Tuy nhiên, Centre for Digital Autonomy đã lên tiếng phủ nhận có bất cứ mối liên hệ nào với Wikileaks.
Luật sư của nhà sáng lập Assange ở Ecuador là ông Carlos Poveda chia sẻ với Sputnik rằng, Bini là một người bạn của thân chủ.
“Anh ta chỉ là một người bạn chứ không phải là cố vấn của ông Assange. Các luật sư không biết vì sao Bini bị bắt. Sự thật là anh ta không phải là phụ tá của ông Assange”, ông Poveda giải thích.
Trước đó, vào sáng ngày 11-4, chính phủ Anh thay mặt cho chính phủ Mỹ đã bắt giữ nhà sáng lập WikiLeaks Assange khi ông này ở trong đại sứ quán Ecuador tại London theo dạng tị nạn chính trị.
Ông Julian Assange (47 tuổi) trở thành tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế sau khi WikiLeaks cho công bố hàng loạt tài liệu bị rò rỉ liên quan tới hoạt động của quân đội Mỹ ở Afghanistan và Iraq cũng như điều kiện sinh sống của tù nhân ở nhà tù Guantanamo.
Kể từ năm 2012, ông Assange đã tới sống ở đại sứ quán Ecuador tại London nhằm tránh bị dẫn độ sang Thụy Điển, nơi ông đối mặt với cáo buộc tấn công tình dục.
Về phần mình, nhà sáng lập WikiLeaks phủ nhận cáo buộc trên và xem đây là cáo buộc mang tính chính trị. Dù cảnh sát Thụy Điển dừng cuộc điều tra vào năm 2017, nhưng ông Assange vẫn lo lắng về khả năng bị dẫn độ sang Mỹ.
Hôm 11-4, Bộ Tư pháp Mỹ cho hay chính phủ Mỹ nghi ngờ ông Assange có liên quan tới âm mưu thâm nhập vào mạng lưới máy tính của chính phủ liên bang Mỹ. Nếu đúng sự thật, ông Assange có thể phải ngồi tù 5 năm. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, Mỹ sẽ còn đưa ra thêm những tội danh cáo buộc khác đối với ông Assange.
Trong khi đó, Mỹ hiện có kế hoạch đón tiếp Tổng thống Ecuador Lenin Moreno tới thăm vào tuần tới, song những thông tin liên quan tới sự kiện này không được tiết lộ.
“Tôi không thể nói gì về chuyến thăm vào tuần tới của ông Moreno, nhưng đây là sự kiện đã được lên lịch từ trước. Chúng tôi tôn trọng quyết định của Ecuador”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ chia sẻ với các phóng viên hôm 11-4.
Điều đáng nói, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối đưa ra lời bình luận trước câu hỏi liệu chuyến thăm của Tổng thống Ecuador Moreno có liên quan tới vụ bắt giữ ông chủ WikiLeaks Assange.
Nguồn Infonet