Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Thận trọng khi điều trị sốt xuất huyết cho người bệnh tim mạch
Thứ ba: 15:09 ngày 24/07/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Người bệnh tim mạch khi bị sốt xuất huyết cần hết sức thận trọng dùng thuốc vì có một số thuốc tim mạch làm bệnh sốt xuất huyết nặng thêm, gây tương tác bất lợi, dẫn đến nguy cơ tử vong.

Một số thuốc tim mạch làm trầm trọng thêm bệnh sốt xuất huyết

Aspirin: Những người bệnh đã từng bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim, can thiệp đặt stent hoặc phẫu thuật nối cầu mạch vành... với mục đích phòng ngừa cục máu đông thì bác sĩ cho bệnh nhân sử dụng thuốc aspirin.

Aspirin thuộc nhóm thuốc kháng viêm không steroid còn được gọi là acid acetylsalicylic được sử dụng để giảm đau, hạ sốt và chống viêm nhưng khi sử dụng thường xuyên với liều thấp thuốc lại có tác dụng như một thuốc kháng kết tập tiểu cầu, giúp ngăn chặn sự hình thành cục máu đông.

Để quản lý bệnh tim mạch và ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông, người bệnh cần phải sử dụng aspirin trong một thời gian dài tùy thuộc vào liều lượng và mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Theo khuyến cáo, liều lượng sử dụng được áp dụng theo tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe, sự đáp ứng điều trị và khả năng tương tác với các loại thuốc mà người bệnh đang sử dụng; do đó nên uống thuốc hàng ngày theo đúng chỉ định của bác sĩ, không được tự ý ngừng thuốc cũng như không tự ý sử dụng thêm hoặc thay đổi liều lượng.

Tuy nhiên, những bệnh nhân tim mạch mà không may mắc thêm bệnh sốt xuất huyết nếu tiếp tục sử dụng aspirin với mục đích chống kết tập tiểu cầu để dự phòng thứ phát nhồi máu cơ tim và đột quỵ thì vô tình đã làm bệnh sốt xuất huyết càng nặng thêm vì aspirin làm xuất huyết nhiều hơn.

Aspirin không sử dụng ở những người có bệnh ưa chảy máu, giảm tiểu cầu, suy tim vừa và nặng, bệnh  sốt xuất huyết.

Thuốc aspirin cần thiết trong dự phòng một số bệnh lý tim mạch nhưng chống chỉ  định với bệnh sốt xuất huyết.

Clopidogrel: Cũng là thuốc chống kết tập tiểu cầu được dùng phổ biến cho các bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành mạn tính, sau khi đặt stent hay mổ nối cầu mạch vành; đặc biệt ở người bệnh bị rối loạn nhịp tim, tim đập không đều sẽ làm giảm hiệu quả bơm máu của tim dẫn đến máu bị ứ trệ và có nguy cơ hình thành các cục máu đông.

Thuốc có tác dụng giữ tiểu cầu trong máu không kết dính để dự phòng cục máu đông không mong muốn có thể xảy ra trong lòng mạch máu và được dùng sau nhồi máu cơ tim, cơn đau thắt ngực chưa ổn định, biến cố do xơ vữa động mạch. Vì vậy, người bệnh tim có sử dụng thuốc này nếu mắc sốt xuất huyết cũng sẽ làm gia tăng xuất huyết.

Amiodaron: Thường được sử dụng để chống loạn nhịp tim, chủ yếu là dự phòng và điều trị loạn nhịp thất, đặc biệt khi không đáp ứng với điều trị thông thường chống loạn nhịp; đồng thời dự phòng và điều trị loạn nhịp trên thất tái phát kháng lại điều trị thông thường, đặc biệt khi có rung nhĩ, cuồng động nhĩ.

Thuốc có tác dụng phụ làm giảm tiểu cầu nên người bệnh tim mạch đang dự phòng và điều trị loạn nhịp tim bằng amiodaron mắc sốt xuất huyết Dengue thuốc sẽ làm cho sốt xuất huyết trầm trọng hơn.

Lưu ý gì khi dùng thuốc?

Người bệnh tim mạch nếu thấy có hiện tượng sốt nghi ngờ mắc sốt xuất huyết Dengue cần phải xét nghiệm máu và kiểm tra số lượng tiểu cầu để kịp thời xác định có mắc sốt xuất huyết hay không.

Khi chẳng may bị mắc sốt xuất huyết, người bệnh tim mạch cần tạm thời dừng các thuốc tim mạch đang sử dụng như aspirin, clopidogrel, amiodaron... để tập trung điều trị bệnh sốt xuất huyết.

Bệnh nhân nên dùng thuốc hạ sốt loại paracetamol đơn chất và dĩ nhiên không được dùng aspirin kể cả ibuprofen. Cần bù nước và chất điện giải sớm bằng đường uống với dung dịch oresol, nước sôi để nguội, nước trái cây, nước cháo loãng pha muối… Nếu trường hợp nặng, người bệnh không uống được cần truyền dịch bằng đường tĩnh mạch với các loại dịch truyền cần thiết.

Ngoài ra, những người có bệnh mạn tính khác như đái tháo đường, tăng mỡ máu, gút, viêm khớp... đang sử dụng thuốc có tác dụng phụ làm giảm tiểu cầu, chống kết tập tiểu cầu, gây rối loạn đông máu... cũng phải ngưng ngay việc sử dụng thuốc trong thời gian điều trị sốt xuất huyết.

Cần ưu tiên xử trí bệnh cấp tính trước, sau đó đến bệnh mạn tính; việc ngưng sử dụng thuốc điều trị bệnh mạn tính trong thời gian điều trị bệnh sốt xuất huyết sẽ không làm ảnh hưởng nhiều đến bệnh lý mắc phải.

Nguồn SKĐS

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục