Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Nếu như cách đây 2 năm, để sử dụng cùng lúc hai số điện thoại di động (ĐTDĐ) mà không phải tốn tiền mua hai máy, đồng thời không phải gặp bất tiện vì lúc nào cũng mang kè kè chúng trong người, nhiều người chọn cách “ghép” hai sim làm một. Cách này vừa tốn tiền (khoảng 250.000 đồng trở lên cho mỗi lần ghép), lại không an toàn vì thỉnh thoảng “sim ghép” bị trục trặc. Hơn nữa, máy chỉ có thể sử dụng một sim, để sử dụng sim còn lại, người dùng phải tắt nguồn, thoát khỏi sim đang sử dụng, chọn chương trình chuyển sang sim khác. Giờ thì khác.

![]() |
Mẫu ĐTDĐ chụp ảnh có ống kính lớn |
Gần đây, việc các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đua nhau tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn đã tạo điều kiện cho người sử dụng ĐTDĐ có cơ hội tha hồ mua sim rẻ. Ngoài sim chính (sim sử dụng thường xuyên, lâu dài), rất nhiều người đã sử dụng sim phụ là những sim khuyến mãi, mua với giá rẻ nhưng được tài khoản gấp hai, ba lần số tiền mua sim và được khuyến mãi tiền vào tài khoản ở những lần nạp tiền sau đó. Hầu hết những sim này chỉ được người sử dụng dịch vụ viễn thông xài một thời gian ngắn rồi bỏ, thay bằng sim khuyến mãi khác.
THỜI CỦA 2 SIM
Đáp ứng nhu cầu sử dụng nhiều sim số của thị trường, khoảng 1 năm trước, trên thị trường lần đầu xuất hiện một dòng ĐTDĐ mới: điện thoại hai sim. Trong dòng máy này, loại có giá thấp nhất khoảng trên 1,5 triệu đồng, có xuất xứ từ Trung Quốc. Tuy được cài hai sim cùng lúc trong máy, nhưng dòng ĐTDĐ hai sim này có nhược điểm: chỉ sử dụng được 1 sim. Muốn sử dụng sim còn lại phải chuyển sim, thoát khỏi sim đang sử dụng để chuyển sang sim còn lại. Cách hoạt động của dòng máy này tựa như máy sử dụng sim ghép nhưng tiện hơn vì không cần phải tắt nguồn, khởi động lại khi chuyển sim.
Chỉ khoảng nửa năm sau đó, một dòng ĐTDĐ hai sim hiện đại hơn đã xuất hiện và cũng có xuất xứ từ Trung Quốc: ĐTDĐ 2 sim, 2 sóng online. Cả 2 sim cùng hoạt động song song, người dùng có thể gọi, nghe và nhắn tin đối với sim tuỳ thích mà không cần phải mất nhiều thời gian. Khi không cần sử dụng một sim nào đó, người dùng chọn chế độ đóng một sim là xong. So với dòng máy sử dụng hai sim ban đầu, dòng ĐTDĐ “thế hệ thứ hai” này có giá chỉ cao hơn chút ít, máy cao nhất cũng chỉ khoảng 2,5 triệu đồng. Cả hai dòng máy này đều có nhiều tính năng: nghe nhạc MP3, MP4, xem phim, quay phim, chụp ảnh, ghi âm… rất hấp dẫn người dùng.
Song song với sự ra đời của dòng ĐTDĐ 2 sim 2 sóng online, các nhà sản xuất ĐTDĐ của Trung Quốc đã đưa vào thị trường Việt Nam một dòng máy đa tính năng, đa công dụng khác: ngoài các tính năng đã trở nên thông thường như nghe nhạc MP3, MP4, xem phim, quay phim, chụp ảnh, ghi âm…, dòng máy “cao cấp” cũng là “chiếc TV bỏ túi”, có thể thu và phát sóng được trên 10 kênh. Đồng thời, nhiều ĐTDĐ có tính năng chụp ảnh với độ phân giải cao lên đến 5 “chấm”.
“HÀNG ĐỘC” CŨNG KHÔNG THẬT “ĐỘC”
Trên thị trường Tây Ninh đã xuất hiện rất nhiều dòng điện thoại đa tính năng nhưng có giá bình dân từ dưới 1 triệu đến 1,5 đồng/chiếc. Những dòng máy này được người bán cho biết do Malaysia, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan và Trung Quốc sản xuất. Các dòng máy này chủ yếu nhắm đến đối tượng tiêu thụ “bình dân”. Các huyện Châu Thành, Hoà Thành và Thị xã là những nơi có bán nhiều ĐTDĐ đa tính năng của Trung Quốc. Tuy nhiên, ghé hơn 20 cửa hàng kinh doanh ĐTDĐ, chúng tôi vẫn không tìm được những chiếc ĐTDĐ “độc” như quảng cáo trên mạng Internet:
Theo đó, có rất nhiều mẫu mã, kiểu dáng ĐTDĐ cực kỳ hấp dẫn được bán với giá cao nhất chỉ dưới 3 triệu đồng/chiếc. Ngoài những chiếc điện thoại “độc” của riêng các nhà sản xuất Trung Quốc, có cả trăm mẫu máy “nháy” các dòng ĐTDĐ nổi tiếng của các tập đoàn lớn trên thế giới. Nhìn vẻ ngoài, những chiếc Iphone 3G, 4G… do các hãng Trung Quốc khác nhau “nháy” y chang “thứ thiệt” nhưng có giá chỉ 2,5 triệu đồng/chiếc. Hay như dòng máy cao cấp của HTC như Diamon Touch, hoặc i900 của SamSung, dòng N sêri của Nokia… được “nháy” rất giống nhưng có giá cao nhất cũng chỉ 3 triệu, thấp nhất 1,5 triệu đồng/chiếc… (chỉ bằng 1/3 hoặc 1/4 máy “xịn”).
Người viết bài này sau khi lang thang trên mạng đã thử làm một chuyến “thực tế” tại TP.HCM. Lần theo những địa chỉ được quảng cáo trên các trang Web, tôi đã đến nhiều cửa hàng trên đường Luỹ Bán Bích (Quận Tân Phú), đường CMT8, Âu Cơ, Lạc Long Quân (Quận Tân Bình) mới vỡ lẽ hai điều. Thứ nhất: dù trên mạng Internet, quảng cáo có đến cả trăm mẫu ĐTDĐ “độc” của Trung Quốc khiến người xem phải choáng ngợp nhưng hầu hết các cửa hàng chỉ có không đến 10 mẫu máy “coi được”. Câu nói phổ biến của người bán là “hết hàng” và “cứ đặt cọc trước, vài hôm có hàng sẽ giao máy, nhận đủ tiền”. Nếu người ta bị choáng ngợp trước sự hoành tráng, bắt mắt của những trang web quảng cáo bao nhiêu thì lại thất vọng bấy nhiêu khi chứng kiến “bộ mặt” của các cửa hàng: vừa nhỏ hẹp, ít mẫu mã lại có vẻ như ế ẩm. Thứ hai, các mẫu điện thoại “nháy”, kể cả iphone được quảng cáo là có nhiều tính năng hệt như “máy chính hãng” nhưng trên thực tế thì chỉ có những tính năng thông thường không có hệ điều hành như máy chính hãng và tuy có in dòng chữ cho biết camera có độ phân giải từ 3 đến 5 “chấm” nhưng thực tế thì chỉ có trên 1 “chấm”.
TIỀN NÀO CỦA NẤY
![]() |
ĐTDĐ 3 sim do Trung Quốc sản xuất |
Với “ngoại hình” bắt mắt, màu sắc đẹp và khá nhiều tính năng hữu ích, ĐTDĐ giá rẻ đã xâm nhập và chiếm lĩnh một thị phần không nhỏ trên thị trường nước ta và Tây Ninh nói chung. Nhiều tính năng và giá rẻ là những ưu điểm nổi bật nhất của ĐTDĐ “nháy”, ĐTDĐ Trung Quốc hoặc có xuất xứ từ một số quốc gia Đông Nam Á khác. Tuy nhiên, tuổi thọ của những dòng điện thoại này khá ngắn. Máy hay bị trục trặc, âm thanh tuy to nhưng không trong, màn hình cảm ứng dễ bị “liệt”, TV bị mờ, nhiễu và nhất là pin rất sớm “chai” (chỉ khoảng 5 tháng). Tuổi thọ pin ngắn nhưng hầu như không có pin thay thế nên khi pin hỏng thì cũng có nghĩa là người dùng phải… mua máy mới.
DU THI