Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sáp nhập hàng chục trường học:

Thận trọng khi thành lập trường nhiều cấp học 

Cập nhật ngày: 25/09/2019 - 07:07

BTN - Chủ trương sáp nhập thành trường nhiều cấp học, người đứng đầu ngành Giáo dục khuyến cáo các địa phương không nên quá nôn nóng trong vấn đề này, vì trong một trường có nhiều cấp học thì công tác quản lý bị ảnh hưởng, trong khi chất lượng giáo dục là ưu tiên hàng đầu.

Thầy trò Trường tiểu học Phước Hội, huyện Gò Dầu.

Sau khi làm việc với các địa phương, chiều 23.9, đoàn khảo sát của HĐND tỉnh có buổi làm việc với Sở GD&ĐT, Sở LĐ-TB&XH về tình hình sắp xếp và nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp. Theo thông tin chính thức, các địa phương trong toàn tỉnh đã sắp xếp, sáp nhập hàng chục trường tiểu học có quy mô nhỏ.

Đã sáp nhập 32/49 trường tiểu học

Báo cáo với HĐND tỉnh, bà Mai Thị Lệ, Giám đốc Sở GD&ĐT thông tin cụ thể về kết quả sắp xếp lại mạng lưới trường lớp trên địa bàn tỉnh.

Việc sử dụng khai thác các điểm trường sau sắp xếp, lãnh đạo Sở GD-ĐT thông tin, kế hoạch rà soát trên địa bàn các huyện, thành phố về mạng lưới trường lớp, đặc biệt hệ thống điểm trường phân tán, quy mô nhỏ và rất nhỏ, số học sinh ít, diện tích đất không bảo đảm theo quy định tại điều lệ quy định về trường đạt chuẩn quốc gia.

Nhiều trường trong diện sắp xếp, sáp nhập đã quy hoạch từ rất lâu, có một vài điểm trường tranh thủ đất hiến, đất công, xây tạm một vài phòng học, không còn phù hợp với điều kiện phân bố dân cư; Việc duy trì các điểm trường này khiến sự đầu tư dàn trải, chắp vá, lãng phí, đặc biệt đối với các xã đầu tư xây dựng nông thôn mới.

Tổ chức quản lý giáo dục của các trường nhỏ lẻ còn hạn chế, điều kiện dạy học không bảo đảm, còn một số lớp ghép gây khó khăn cho các hoạt động giáo dục. Việc tìm kiếm mở rộng đất đai xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia khó khăn lớn đối với các xã, thị trấn.

 Do đó, các cơ sở vật chất của các trường được sáp nhập giữ nguyên về cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy và các trường này thành cơ sở phụ trong quá trình sáp nhập. Riêng Trường tiểu học Trí Bình, huyện Châu Thành giải thể, cơ sở vật chất cải tạo thành trường mẫu giáo. Tóm lại, khi sáp nhập, các tài sản, trang thiết bị của các cơ sở giáo dục được tiếp tục sử dụng có hiệu quả, việc sử dụng khai thác các điểm trường sau sắp xếp không thay đổi so trước sáp nhập.

Đối các huyện Dương Minh Châu, Châu Thành, Gò Dầu, Báo Tây Ninh đã thông tin trong các số báo ra gần đây. Tính chung trong toàn tỉnh, đến thời điểm này, ngành giáo dục đã sáp nhập 32 trường tiểu học, 17 trường còn lại sẽ sáp nhập từ nay đến hết năm học 2020-2021.

Chất lượng giáo dục là ưu tiên số một

Tại buổi làm việc, ông Lê Quang Tuấn, Phó trưởng Ban VH-XH của HĐND tỉnh đề nghị Sở GD&ĐT cập nhật thêm số liệu, thông tin vì việc thực hiện sắp xếp trường lớp ở một số địa phương cao hơn trong báo cáo của Sở. “Việc tinh giản 10% biên chế đã rõ nhưng cũng cần tính toán thận trọng. Nếu thiếu giáo viên theo tỷ lệ sẽ ảnh hưởng chất lượng giáo dục; riêng việc giảm 10% nguồn chi từ ngân sách thì như thế nào?”- ông Tuấn đặt vấn đề.

Bà Kim Thị Hạnh, Phó trưởng Ban VH-XH của HĐND tỉnh nêu, những trường sáp nhập đều chờ hiệu trưởng về hưu mới sáp nhập. Vậy việc sáp nhập này có yếu tố chủ quan không? Các đơn vị báo cáo, sau sáp nhập, một số trường có đủ giáo viên dạy theo phân môn, tức dạy theo từng môn như cấp THCS, THPT, việc đi lại của giáo viên giữa các điểm trường như thế nào? Tại các điểm lẻ, sau sáp nhập, nhà vệ sinh đã được quan tâm đúng mức hay chưa? Liên quan đến Trường CĐSP, bà Hạnh nêu tình hình số phòng học, phòng khu ký túc xá bỏ trống nhiều.

Về vấn đề tự chủ của các cơ sở giáo dục, ông Trần Văn Sĩ, Phó Giám đốc Sở Y tế nhìn nhận, cần phân biệt cơ chế tự chủ tài chính với xã hội hoá giáo dục là hai khái niệm khác nhau.

“Sáp nhập nhiều trường nhưng vẫn giữ học tại các điểm lẻ, cơ sở hai thì việc sáp nhập này vẫn nặng tính cơ học, chưa thật sự tinh gọn”- ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhận xét. Ông Phong cũng đề nghị làm rõ, xác định trách nhiệm trong việc quản lý các điểm trường không còn sử dụng nữa. Đối với việc mở rộng điểm chính để tập trung học một chỗ, ông Phong cho rằng phải nghiên cứu để có giải pháp nhằm tinh gọn hệ thống trường lớp đúng thực chất.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Mai Thị Lệ, trong phân cấp quản lý, đối với giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, Sở GD-ĐT chỉ quản lý, chỉ đạo về chuyên môn, còn việc chọn trường nào sáp nhập do Phòng GD-ĐT, chính quyền địa phương thực hiện. Việc sử dụng cơ sở vật chất như thế nào sau sáp nhập, điều động, bố trí con người của các cấp, bậc học trên cũng thuộc thẩm quyền địa phương.

Đánh giá về sáp nhập trường, lãnh đạo Sở nhìn nhận, đây là tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại đội ngũ quản lý cũng như bộ phận chuyên môn. Còn chuyện xây dựng Trường CĐSP Tây Ninh thành trường nhiều cấp học, bà Mai Thị Lệ thông tin, hiện không có một cơ sở nào để giao cơ sở vật chất của đơn vị sự nghiệp công lập cho doanh nghiệp. Trước mắt, chỉ có thể cho thuê cơ sở vật chất để hình thành một trường mầm non.

Đối với công trình vệ sinh, Sở GD-ĐT đang xây dựng một đề án (89 tỷ đồng) để xây dựng nhà vệ sinh cho học sinh, giáo viên trên toàn tỉnh. Đề án này đang lấy ý kiến các sở, ban, ngành liên quan. Chủ trương sáp nhập thành trường nhiều cấp học, người đứng đầu ngành Giáo dục khuyến cáo các địa phương không nên quá nôn nóng trong vấn đề này, vì trong một trường có nhiều cấp học thì công tác quản lý bị ảnh hưởng, trong khi chất lượng giáo dục là ưu tiên hàng đầu.

Kết luận lĩnh vực giáo dục phổ thông, ông Võ Văn Sớm, Trưởng Ban VH-XH của HĐND tỉnh nhận xét, Sở GD-ĐT chấp hành nghiêm túc, kịp thời các chủ trương, kế hoạch của tỉnh. Tuy vậy, khi sáp nhập, hiệu trưởng, giáo viên những trường bị sáp nhập cũng có tâm tư.

Lãnh đạo Ban VH-XH của HĐND tỉnh đề nghị ngành Giáo dục tiếp tục làm việc với các đơn vị giáo dục về công tác tư tưởng để hiệu trưởng, hiệu phó, giáo viên yên tâm công tác vì chuyện sáp nhập trường học là chủ trương của Đảng. Lãnh đạo HĐND tỉnh cũng lưu ý, các điểm trường sau sáp nhập, học sinh vẫn học tại chỗ, công tác quản lý có phần khó khăn, cần chú trọng đúng mức đến vấn đề này.

Việt Đông