Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm gần đây, diện tích cây có múi trên địa bàn tỉnh tăng nhanh. Tổng diện tích canh tác cây có múi là hơn 1.893 ha (cây cam chiếm 332 ha; cây quýt chiếm 280 ha), được trồng tập trung nhiều nhất trên địa bàn các huyện Tân Biên, Dương Minh Châu, Tân Châu.
Chất lượng trái cam không đạt nên người trồng quyết định phá bỏ vườn.
Nhiều trường hợp nông dân trồng cây chạy theo phong trào lại thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật nên chất lượng trái không đạt, không mang lại hiệu quả cao. Ông Nguyễn Hồng Nam (ấp Tân Lợi, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu) cho biết, trước đây, ông trồng 3 ha quýt đường, chi phí đầu tư ban đầu khá lớn (khoảng 100 triệu đồng/ha).
Tuy nhiên, đến khi cây cho thu hoạch, chất lượng trái và năng suất không đạt nên thương lái thu mua với giá thấp (khoảng 7.000 đồng/kg). Cứ nghĩ vụ đầu cây chưa thích nghi với thổ nhưỡng nên chất lượng trái chưa đạt, ông Nam tiếp tục đầu tư chăm sóc cho vụ tiếp theo. Thế nhưng, vụ này kết quả cũng không đạt về chất lượng và sản lượng, thương lái cũng “chê”. Quá chán nản, ông Nam bấm bụng phá bỏ toàn bộ diện tích quýt đường để chuyển sang cây trồng khác.
Tương tự, chị Ðặng Thị Nhung (cùng ấp Tân Lợi, xã Tân Hưng) cho biết, gia đình chị đang đầu tư trồng 1,5 ha cam sành, chi phí đầu tư ban đầu hơn 150 triệu đồng/ha. Sau 2 vụ thu hoạch, gia đình chị vẫn chưa thu hồi được vốn vì giá bán bấp bênh, thị trường tiêu thụ không ổn định.
Theo chị Nhung, năng suất ban đầu của vườn cam rất đạt- khoảng 50 tấn/ha. Tuy nhiên, do không hợp thổ nhưỡng, thời tiết nhiều nắng, nhiệt độ cao nên cam rụng trái dần và sậm màu, khó bán. “Mặc dù cam trên cây đang trĩu quả nhưng gia đình không đầu tư chăm sóc thêm nữa mà sẽ phá bỏ toàn bộ vườn cây để chuyển sang trồng mãng cầu"- chị Nhung nói.
Một năm trước, gia đình chị Nhung đầu tư hơn 700 triệu đồng để trồng 3 ha bưởi da xanh. Trước thực trạng cây quýt đường và cam sành không phù hợp thổ nhưỡng và giá cả lẫn đầu ra không ổn định, chị Nhung cảm thấy hoang mang. Ðể tránh thiệt hại nặng hơn, cuối cùng chị quyết định phá bỏ toàn bộ diện tích bưởi da xanh vừa mới đầu tư.
Theo kinh nghiệm trồng cây ăn trái nhiều năm của ông Nam, diện tích cây có múi trên địa bàn tỉnh đang phát triển ồ ạt và có nguy cơ cung vượt cầu. Cây cho trái có múi đòi hỏi cao về điều kiện đất đai, thời tiết, kỹ thuật trồng và chăm sóc nhưng sản phẩm cây cho trái có múi lại chủ yếu tiêu dùng nội địa. Chính vì vậy, nông dân đã trồng hay định trồng các loại cây có múi nên có kế hoạch bài bản, căn cơ và nên thực hiện theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp để tránh những rủi ro đáng tiếc.
Ông Võ Ðức Trong- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, theo hướng dẫn của Cục Trồng trọt, ngành Nông nghiệp tỉnh đã có văn bản định hướng việc trồng cây có múi trên địa bàn tỉnh. Sở yêu cầu các địa phương kịp thời khuyến cáo, quy hoạch vùng sản xuất tập trung dựa trên sự phù hợp về điều kiện tự nhiên và các yếu tố khác như thuỷ lợi, giao thông nhằm hạn chế tối đa tình trạng gia tăng diện tích, phát triển nhanh cây có múi- nhất là cam, quýt tại các vùng trồng không phù hợp.
Ông Trong cho biết thêm, trong những năm qua, nguồn cung sản phẩm cây cho trái có múi trên địa bàn tỉnh không đủ cho nhu cầu tiêu thụ. Do đó, giá thu mua các sản phẩm cây cho trái có múi, nhất là bưởi da xanh luôn ở mức cao nên dẫn đến tình trạng nhiều nông dân đầu tư trồng theo phong trào, trồng tự phát.
Việc canh tác cây cho trái có múi trên địa bàn tỉnh đang gặp một số khó khăn. Do đây là cây trồng mới được trồng nhiều trong vài năm gần đây nên việc đánh giá hiệu quả canh tác chỉ mới ở góc độ kinh tế, chưa có những đánh giá chuyên sâu- nhất là về thổ nhưỡng và nước tưới.
Hiện nay, các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu tham gia liên kết với nông dân, nhưng mức độ tham gia sâu trong liên kết vẫn chưa nhiều, chỉ dừng lại ở mức thu mua trên một số diện tích nhất định. Các sản phẩm cây cho trái có múi tại Tây Ninh chủ yếu được bán qua thương lái.
Ðể phát triển cây cho trái có múi một cách bền vững, lãnh đạo Sở NN&PTNT khuyến cáo: theo định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh, chỉ có bưởi da xanh được quy hoạch là một trong những cây ăn quả chủ lực của tỉnh với diện tích đạt 1.500 ha vào năm 2020. Diện tích trồng bưởi được sản xuất theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp tỉnh ở vùng trồng phù hợp về thổ nhưỡng và sản xuất tập trung theo hướng cánh đồng lớn; áp dụng đồng bộ cơ giới hoá vào quy trình sản xuất.
NHI TRẦN