Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Thận trọng với “hụi”
Thứ ba: 09:09 ngày 16/10/2012

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Bản chất của hụi là hình thức tương trợ lẫn nhau, cùng nhau góp vốn xoay vòng để phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, không ít người đã lợi dụng hình thức này để lừa gạt, chiếm đoạt tiền bạc của người khác.

(BTN)- Hiện nay, hình thức chơi hụi diễn ra khá phổ biến và quy mô ngày càng lớn. Bản chất của hụi là hình thức tương trợ lẫn nhau, cùng nhau góp vốn xoay vòng để phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, không ít người đã lợi dụng hình thức này để lừa gạt, chiếm đoạt tiền bạc của người khác. Thực tế đã có hàng loạt các vụ bể hụi xảy ra, chủ hụi bỏ trốn để lại hệ luỵ cho biết bao gia đình. Con số bể hụi không còn là hàng chục, hàng trăm mà đã lên đến hàng tỷ đồng.

Con số bể hụi không còn là hàng chục, hàng trăm mà đã lên đến hàng tỷ đồng. Ảnh minh hoạ

Cách đây 3 năm, nhiều tiểu thương ở Trung tâm thương mại Long Hoa “lao đao” khi bà chủ hụi Nguyễn Thị Ngoan (ngụ ấp Long Đại, xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành) đột nhiên “mất tích”, với số tiền hụi trên 8 tỷ đồng. Trong đó, nạn nhân nhẹ nhất mất khoảng 18 triệu đồng, còn người nặng nhất lên đến 700 triệu đồng.

Tương tự, bằng hình thức góp hụi, trong năm 2009 và năm 2010, bà Nguyễn Thị Kim Cúc (SN 1962, ngụ tại ấp Sa Nghe, xã An Cơ, huyện Châu Thành) đã lập ra 38 dây hụi từ 200.000 đồng đến 10 triệu đồng, chiếm đoạt gần 1,7 tỷ đồng rồi tuyên bố bể hụi.

Và mới đây là vụ vợ chồng chủ hụi Lê Thị Kim Hương và Trần Thanh Dũng, ngụ ấp Tân Định 2, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu bỏ trốn với số tiền trên 2,7 tỷ đồng. Trong đó, người bị chiếm đoạt ít nhất là 4 triệu đồng, người nhiều nhất lên đến 283,8 triệu đồng.

Kịch bản thường thấy của các chủ hụi là dùng lãi suất khá cao và tổ chức quy mô để thu hút nhiều người tham gia, đến khi không có khả năng chi trả thì dùng tên “hụi ma”, lập chân hụi khống để lừa các hụi viên và cuối cùng là cao chạy xa bay. Nhiều hụi viên vì tin tưởng vào sự quen biết, uy tín, “bề thế” của chủ hụi và bị hấp dẫn bởi tiền lời lớn mà lâm vào cảnh trắng tay, gia đình khốn đốn, đổ vỡ. Khi hụi viên “hốt hụi” mà chủ hụi có dấu hiệu hẹn lần hẹn lựa, đến nhà tìm không gặp, điện thoại không bắt máy hoặc không liên lạc được nghĩa là có nguy cơ “bể hụi”. Thông thường, khi sự việc được tố cáo đến chính quyền địa phương hoặc cơ quan chức năng thì chủ hụi đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Ngoài ra, phần lớn các hụi viên chỉ nhớ các lần đóng hụi và bao nhiêu chân hụi để quy ra tiền chứ không có chứng từ ghi nợ rõ ràng. Cho nên, sau khi xảy ra sự cố “bể hụi” rất khó giải quyết và việc khắc phục hậu quả tuỳ “may rủi’.

Các chủ hụi bị “bể” thường bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” (Điều 140 BLHS), vì họ đã nhận tiền góp của nhiều người, sau đó sử dụng không đúng mục đích, làm mất khả năng thanh toán rồi bỏ trốn. Nếu chủ hụi có hành vi lừa dối ngay từ đầu, sẽ bị xử lý về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (Điều 139 BLHS). Điều đáng nói là, trong khi các chủ hụi chấp hành hình phạt tù thì các hụi viên ở ngoài phải tiếp tục gánh chịu hậu quả, không chỉ khốn đốn về vật chất mà còn bị áp lực về tinh thần từ phía những người thân của họ.

Hoạt động chơi hụi được pháp luật thừa nhận và bảo vệ theo quy định tại Điều 479 Bộ luật Dân sự 2005 và Nghị định số 144/2006/NĐ-CP về “họ, hụi, biêu, phường”. Tuy nhiên, để hạn chế những nguy cơ, tránh những thiệt hại như giật hụi, bể hụi, lừa đảo... đáng tiếc xảy ra, người chơi hụi phải cẩn thận, cân nhắc trước khi tham gia.

Bên cạnh đó, mặc dù Nghị định 144 quy định chủ hụi phải lập sổ hụi để theo dõi và làm cơ sở để giải quyết khi xảy ra tranh chấp hoặc vỡ hụi, bể hụi… nhưng đa số chủ hụi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định. Do đó, người chơi hụi cần lưu giữ cẩn thận các chứng từ liên quan để tự bảo vệ mình. Trường hợp xảy ra tranh chấp về hụi, các bên có thể thương lượng, hoà giải với nhau. Nếu không được thì có thể khởi kiện ra toà án nhân dân có thẩm quyền để đòi lại quyền lợi của mình.

Lê Văn

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục