Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tháng 10 'cởi trói’ xuất khẩu gạo: Đón đầu cơ hội
Thứ sáu: 15:37 ngày 07/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Việc Chính phủ ban hành Nghị định 107/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 109/2010/NĐ-CP đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các doanh nghiêp xuất khẩu gạo.

Nghị định 107 đã bãi bỏ nhiều điều kiện xuất khẩu gạo.

Nghị định này đã bãi bỏ nhiều điều kiện xuất khẩu (XK) gạo và có hiệu lực từ 1/10 tới đây. Do đó, XK gạo được dự báo sẽ sôi động hơn từ quý 4 năm nay, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp (DN) với chủng loại gạo đa dạng hơn.

Ông Phạm Minh Thiện - Tổng giám đốc Công ty TNHH Cỏ May cho hay, trên tinh thần kiến tạo, hành động, nhiều nội dung trong Nghị định này đã được sửa đổi để phù hợp với sự phát triển của DN. Các nội dung mới trong Nghị định, đặc biệt là các nội dung khuyến khích XK các sản phẩm gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo vi chất dinh dưỡng cũng phù hợp với nguyện vọng của DN và giữ lại được những nguyên tắc để quản lý.

Theo Báo Nhân Dân, bốn năm nay, bình quân mỗi tháng, Công ty Cỏ May XK đi Singapore gần 20 tấn gạo hữu cơ các loại, rất ổn định về sản lượng và giá bán. Khi Nghị định 107 có hiệu lực vào tháng 10 tới sẽ tạo cơ hội cho công ty mở rộng thị trường và tăng sản lượng XK khi những điều kiện để XK gạo hữu cơ được nới rộng. “Để đón đầu Nghị định này, vào tháng 9 tới đây, công ty sẽ tới Mỹ tìm hiểu thị trường, đối tác và tiến tới XK vào quốc gia này” - ông Phạm Minh Thiện cho hay.

Theo bà Đặng Thị Liên- Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm Long An, đặt tại xã Hướng Thọ Phú, thành phố Tân An, tỉnh Long An, Nghị định 107 thuận lợi cho nhiều DN XK gạo. Qua đó, gạo XK tập trung nhiều đầu mối hơn, mở rộng cho nhiều DN.

Đặc biệt, DN không còn bị trói trong các ràng buộc về kho chứa hay cánh đồng lớn như trước đây mà thay vào đó họ phải thực sự là doanh nghiệp sản xuất, XK với những hợp đồng cụ thể.

Với Nghị định này, Công ty TNHH thực phẩm Long An sẽ mở rộng thêm thị trường để tìm thêm khách hàng từ những nước khó tính như châu Mỹ và tiếp tục hướng đến thị trường châu Âu. Công ty phấn đấu mỗi năm tăng lên 10% lượng gạo XK.

Còn ông Nguyễn Thành Mười- Giám đốc Công ty cổ phần Tân Đồng Tiến, thành phố Tân An, tỉnh Long An cho rằng, Nghị định 107 có những ưu điểm như: đơn giản hóa thủ tục hành chính; tất cả các DN nếu không đầu tư về kho chứa, có thể thuê hoặc liên doanh cũng được cấp phép... rất phù hợp với việc đẩy mạnh XK gạo trong tình hình hiện nay.

Về XK gạo, Nghị định 107 được đơn giản hóa thủ tục hành chính đúng như tình hình hiện nay đối với đăng ký hợp đồng, kê khai trên mạng, luân chuyển đầu mối trong đấu thầu gạo; đồng thời, qui định chỉ còn  5% hàng lưu trữ trong kho.

"Hiện Công ty đang XK gạo sang các nước Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore. Riêng thị trường châu Âu và châu Phi, công ty còn  XK hạn chế. Nghị định có hiệu lực, công ty sẽ tìm kiếm nhiều thị trường khó tính để nâng giá trị hạt gạo Việt Nam. Theo  kế hoạch năm nay, công ty XK trên 150.000 tấn gạo, phấn đấu XK tăng khoảng 25%-30%/năm, tương đương trên 200.000 tấn", ông Nguyễn Thành Mười cho biết trên TTXVN.

Hiệu quả kép

Về phía cơ quan chức năng, ông Trần Văn Công – Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, Nghị định 107/2018/NĐ-CP mang lại hiệu quả kép khi giảm thiểu tối đa các thủ tục hành chính, giúp DN sẽ không mất nhiều thời gian đi lại, giảm thời gian và chi phí.

Chưa kể, nghị định hướng cho các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đẩy mạnh công tác hậu kiểm dựa trên cơ sở khai báo của các DN. Việc này tạo điều kiện thuận lợi cho cả DN và cơ quan quản lý nhà nước.

Chưa kể, trước đây, Nghị định 109 chỉ xoay quanh 150 DN XK gạo, tuy nhiên Nghị định 107 mở rộng tất cả các đối tượng DN và sẽ tham gia vào các phân khúc, các chủng loại gạo khác nhau, việc này sẽ tạo ra sự cạnh tranh rất lớn và là động lực cho DN tự nâng cao sức cạnh tranh của mình, chinh phục nhu cầu người tiêu dùng.

“Nghị định 107/2018/NĐ-CP với những quy định mới giúp giảm chi phí, giảm thủ tục hành chính, nâng cao khả năng cạnh tranh, thúc đẩy số lượng DN tham gia XK gạo sẽ giúp cho hạt gạo Việt vươn xa trên thị trường” – ông Trần Văn Công kỳ vọng.

Ông Lê Minh Đức- Giám đốc Sở Công Thương Long An, cho biết, qua khảo sát bước đầu, hầu hết các DN XK gạo trên địa bàn đều phấn khởi với Nghị định 107 sắp có hiệu lực trong thời gian tới. Và, để tạo thêm điều kiện cho các DN XK, Long An đã quy hoạch xây dựng các vùng và tiểu vùng sản xuất lúa chất lượng cao 40.000 ha.

Phấn đấu đến năm 2020 tình sẽ có 20.000 ha lúa ứng dụng công nghệ cao các huyện vùng Đồng Tháp Mười. Riêng các huyện phía Nam gieo trồng các giống lúa đặc sản và giống lúa địa phương.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - đơn vị xây dựng Nghị định 107/2018/NĐ-CP, Nghị định được định hướng xây dựng nhằm đổi mới, hoàn thiện về thể chế, khung khổ pháp lý cho hoạt động kinh doanh XK gạo và công tác điều hành XK gạo theo hướng xây dựng thể chế kiến tạo, minh bạch, hiệu quả, tạo thuận lợi thông thoáng, tạo động lực giải phóng mạnh mẽ năng lực kinh doanh cho DN.

Đồng thời thúc đẩy tiêu thụ, XK, nâng cao chất lượng gạo XK, tạo thuận lợi cho sản xuất, XK sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao, góp phần xây dựng, củng cố thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường…

XK gạo của Việt Nam tăng mạnh

Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT), 8 tháng, XK gạo ước đạt 4,4 triệu tấn và đạt kim ngạch 2,2 tỷ USD, tăng 6,8% về khối lượng và 22,1% về giá trị so với cùng kỳ 2017.

Bộ Nông nghiệp dự báo XK gạo Việt Nam từ nay đến cuối năm sẽ tăng với nhu cầu từ thị trường Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Iraq và các nước châu Phi.

Cụ thể, Philippines có nhu cầu nhập khẩu thêm 500.000 - 800.000 tấn từ nay đến cuối năm để bổ sung kho dự trữ đang cạn kiệt và ổn định giá gạo trong nước; Indonesia và các nước châu Phi cũng có nhu cầu nhập khẩu trong các tháng cuối năm để đối phó với sản xuất suy giảm do bão lũ; Hàn Quốc mở thầu mua thêm 92.783 tấn gạo lứt hạt trung và dài.

Ngoài ra, sản lượng lúa của Campuchia sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của lũ lụt liên tiếp từ cuối tháng 7 có thể khiến XK gạo của nước này trong các tháng tới giảm sút.

Đây là cơ hội để doanh nghiệp XK gạo cao cấp của Việt Nam tiếp cận các thị trường nhập khẩu truyền thống của Campuchia như Trung Quốc, châu Âu cung cấp nguồn thay thế. 

Nguồn Chinhphu

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh