Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Theo Quyết định số 2036/QĐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông, việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định sẽ bắt đầu từ tháng 2 này và được triển khai tại 13 tỉnh thành phố là Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Yên Bái, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.
Cụ thể, giai đoạn 1 của quá trình chuyển đổi mã vùng sẽ bắt đầu từ 11/02/2017, áp dụng cho 13 tỉnh thành phố. Giai đoạn 2 bắt đầu từ 15/04/2017 áp dụng cho 23 tỉnh, thành phố tiếp theo và giai 3 từ 17/06/2017 áp dụng cho 23 tỉnh, thành phố cuối cùng.
Riêng 4 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình và Hà Giang được giữ nguyên mã vùng. Việc chuyển đổi sẽ diễn ra trong vòng một tháng cho mỗi giai đoạn.
Danh sách 13 tỉnh thành chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định đợt 1. |
Đây là hoạt động nhằm đảm bảo kho số viễn thông được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với sự phát triển của thị trường, công nghệ. Đồng thời, việc chuyển đổi mã vùng sẽ giúp độ dài mã vùng được nhất quán, đáp ứng thông lệ quốc tế. Với quy hoạch mới, các tỉnh, thành phố liều kề sẽ được gom chung vào một nhóm mã vùng, giúp khách hàng dễ dàng tra cứu, lưu giữ số điện thoại cố định. Qua đó, tài nguyên viễn thông sẽ được tối ưu, mang đến nhiều lợi ích thuận tiện, dài lâu cho khách hàng.
Trong khoảng thời gian đó, khách hàng có thể dùng song song mã vùng mới hoặc cũ. Sau ngày 12/3/2017 của đợt 1, ngày 14/5/2017 của đợt 2 và 17/06/2017 của đợt 3, các tỉnh thành sẽ dùng mã vùng mới hoàn toàn.
Cũng theo kế hoạch này, thủ đô Hà Nội và TPHCM sẽ được chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định vào giai đoạn 3. Mã vùng Hà Nội hiện tại là 04 sẽ chuyển thành 024., TPHCM hiện tại là 08 sẽ chuyển thành 028.
Mã vùng điện thoại cố định mới của Hà Nội và thành phố HCM. |
VNPT VinaPhone là đơn vị “nổ phát súng” đầu tiên
VNPT VinaPhone là nhà mạng chiếm tới hơn 90% thị phần thuê bao điện thoại cố định này cho biết việc chuyển đổi mã vùng sẽ thực hiện rất nhanh và sẽ được thực hiện vào ban đêm để giảm thiểu tối đa sự bất tiện cho khách hàng.
Được biết, trước đó, VNPT VinaPhone đã có kinh nghiệm 2 lần đổi số cho mạng cố định và mạng di động, VNPT đã chủ động lên kế hoạch chuyển đổi và hiện đã sẵn sàng thực hiện theo đúng lộ trình của Bộ TT&TT.
Theo đó, trong lần đổi số tới đây, tất cả các phương án kỹ thuật cần thiết đều đã được VNPT VinaPhone thử nghiệm và sẵn sàng thực hiện khi đến thời điểm Bộ TT&TT yêu cầu. Ngoài thực hiện trên hệ thống của mình, VNPT cũng đã phối hợp với 13 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông khác đảm bảo việc đổi số sẽ được thực hiện nhanh chóng, không xảy ra bất cứ sự cố nào.
Đặc biệt, để giảm thiểu tối đa sự bất tiện cho khách hàng, VNPT đã tính tới nhiều phương án thực hiện và quyết định sẽ thực hiện vào ban đêm. Việc đổi mã vùng sẽ được thực hiện trong vòng khoảng 2h. Nếu phát sinh bất cứ nguy cơ nào ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ của khách hàng, VNPT sẽ khôi phục lại dịch vụ như cũ để đảm bảo khách hàng sẽ sử dụng dịch vụ bình thường trong sáng hôm sau. Các phương án kỹ thuật để đảm bảo không ảnh hưởng đến việc ghi/tính cước của hệ thống tổng đài và đáp ứng khả năng quay số song song theo mã vùng cũ và mới cũng đã sẵn sàng.
Ngoài ra, để hỗ trợ khách hàng tối đa, trước thời điểm đổi mã vùng VNPT sẽ tổ chức truyền thông việc đổi mã vùng đến khách hàng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua website của VNPT, qua Call Center, qua các đầu mối CSKH và xây dựng ứng dụng hỗ trợ khách hàng nhận biết mã vùng…
Với sự chuẩn bị kỹ càng của VNPT nói riêng và tất cả các doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ điện thoại cố định nói chung, việc chuyển đổi mã vùng lần này có lẽ cũng sẽ diễn ra nhanh chóng và không gây quá nhiều bất tiện cho người dùng.
Nguồn XHTT