Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Trao đổi
Tháng 3.1946, chiến thắng nào ở Thanh Điền ?
Thứ ba: 11:14 ngày 28/03/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Vấn đề mấu chốt ở đây là có trận đánh làm nên “chiến thắng Thanh Điền” vào tháng 3.1946 hay không? Theo tìm hiểu, trong sách “Di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh tỉnh Tây Ninh”, do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch xuất bản năm 2014 quả có bài viết mô tả chiến thắng Thanh Điền tháng 3.1946 (ở trang 123).

Ngày 22.2, Báo Tây Ninh có bài “Không có chuyện người Bắc Kinh tham gia xây Thiên Hậu miếu” nêu cái sai trong đáp án cuộc thi tìm hiểu di tích văn hoá tỉnh Tây Ninh (phụ trương Báo Tây Ninh ngày 17.2). Đến nay chưa có sự giải thích nào từ các cơ quan có trách nhiệm liên quan. Thì tiếp đó, trên báo Tây Ninh cũng ở trên trang phụ trương số báo ngày 22.3 lại có thêm một “đáp án” lịch sử rất sai, gọi là “Đáp án tháng 3.2017, chủ đề chiến thắng Thanh Điền tháng 3.1946”. Nguyên văn đoạn này như sau:

“Ngày 25.8.1945, dưới sự lãnh đạo của cách mạng, nhân dân Thanh Điền đã nhất tề nổi dậy giành chính quyền tại địa phương. Hàng ngàn người dân cùng lực lượng thanh niên tiền phong kéo về thị xã tuần hành, tham gia mít tinh mừng cách mạng tháng Tám thành công và mừng ngày Quốc khánh 2.9.1945.

Sau ngày Quốc khánh, thực dân Pháp tiến đánh khắp nơi. Vào tháng 3.1946 sau khi chiếm xong thị xã Tây Ninh, chúng đưa quân đến xã Thanh Điền để thị sát nhằm chiếm lại các đồn điền cao su. Khi đưa quân đến Thanh Điền, bọn chúng đã bị lực lượng võ trang tỉnh Tây Ninh chặn đánh. Do vậy địa điểm trận đánh có tên gọi: “Chiến thắng Thanh Điền tháng 3.1946”.

Tiếp theo là sự mô tả diễn biến trận đánh, xin không nhắc lại!

Vấn đề mấu chốt ở đây là có trận đánh làm nên “chiến thắng Thanh Điền” vào tháng 3.1946 hay không? Theo tìm hiểu, trong sách “Di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh tỉnh Tây Ninh”, do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch xuất bản năm 2014 quả có bài viết mô tả chiến thắng Thanh Điền tháng 3.1946 (ở trang 123). Có lẽ đây là căn cứ cho đáp án của cuộc thi có tới 5.693 học sinh cấp tiểu học và THCS tham gia (có cả giáo viên tiểu học).

Sách lịch sử xin bày ra trước mặt. Cuốn xưa nhất “Lược sử Tây Ninh” của Ban Tổng kết chiến tranh của Tỉnh uỷ Tây Ninh, xuất bản 1986 có viết:

“Đến khoảng trung tuần tháng 11.1945 (15- 16.11) địch cho 2 xe Jeep chở sĩ quan tham mưu ra khảo sát hãng đường Thanh Điền. Khi trở về bị lực lượng võ trang tỉnh phục kích tại đồng Bà Lưu, đường số 7, đánh diệt 7 sĩ quan, đốt 2 xe Jeep, thu 2 súng Mac Xim, 2 Tom- Son, 2 súng ngắn và 10 ngàn viên đạn súng máy” (trang 78). Trang 79 có in ảnh của cánh đồng Bà Lưu với chú thích rõ ràng, là nơi diễn ra trận đánh thắng Pháp đầu tiên (11.1945).

Sách “Tây Ninh 30 năm trung dũng kiên cường”, của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ xuất bản năm 1990, trang 60 thì có đoạn mô tả trận đánh diễn ra vào: “ba ngày sau khi Pháp chiếm thị xã Tây Ninh. Ba ngày sau của ngày 8.11.1945 tức là ngày 11.11.1945”.

Sách “Ba thế hệ xanh một chặng đường” của Tỉnh đoàn Tây Ninh cũng chép sự kiện này nhưng vào ngày 12.11.1945. Có lẽ do còn có sự chênh nhau về ngày giữa các nguồn tư liệu và nhân chứng lịch sử; mà đến sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh (1930- 2005)” do BCH Đảng bộ tỉnh và Nxb Chính Trị Quốc Gia xuất bản năm 2010 thì không còn ghi ngày cụ thể nữa.

Tuy vậy, sách vẫn mô tả chi tiết trận đánh, như một chiến thắng đầu tiên của lực lượng vũ trang mới 2,5 tháng tuổi ở tỉnh nhà. Nhưng dù có chênh nhau thế nào thì trận đánh cũng đã diễn ra chỉ trong những ngày từ 11 đến 15 tháng 11.1945, chứ không thể lùi hẳn lại mấy tháng sau- vào tháng 3.1946. Nếu như thế thì đâu còn giá trị lịch sử vẻ vang của trận đánh đầu tiên nữa!

Từ đây, xin tạm kết lại là đáp án của Bảo tàng tỉnh trong cuộc thi tìm hiểu di tích lịch sử văn hoá đã sai, nguyên do là từ cái sai trong bài viết về chiến thắng Thanh Điền ở sách “Di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh tỉnh Tây Ninh” như đã nói ở phần trên. Bản đáp án này còn tiếp tục sai thêm ở chỗ: “Nhân dân Thanh Điền đã nhất tề nổi dậy giành chính quyền ở địa phương” trước khi tham dự mít tinh ngày 25.8. Cũng như việc tham gia “mít tinh mừng cách mạng tháng Tám thành công và mừng ngày Quốc khánh 2.9.1945”.

Đây là những chi tiết hoàn toàn sai với sự thật lịch sử diễn ra ở Tây Ninh, nếu đối chiếu với các cuốn sách lịch sử đã nêu trên. Cách mạng tháng Tám vừa mới thành công, lại giữa lúc “thù trong giặc ngoài” xâu xé, thì ngày Quốc khánh phải được chuẩn bị hoàn toàn bí mật, làm sao người Tây Ninh biết trước để chào mừng?

Bài viết này chỉ là một góp ý xây dựng, nhằm bảo vệ sự minh bạch và tôn nghiêm của lịch sử. Nhưng chuyện ấy cũng xin đừng coi là chuyện nhỏ!

NGUYỄN QUỐC VIỆT

Tin cùng chuyên mục