Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tháng 5.2020: Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu đều giảm 

Cập nhật ngày: 05/06/2020 - 19:33

BTNO - Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 tại các khu vực Châu Âu, Hoa Kỳ, ASEAN, Trung Đông chưa được kiểm soát, việc các nước áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại tiếp tục gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Từ tháng 3.2020, toàn thế giới bước vào giai đoạn đại dịch với mức độ lây lan nhanh, nguy hiểm, Chính phủ các quốc gia đã ban hành những biện pháp kiểm soát dịch bệnh như tạm đóng cửa xuất nhập cảnh, hạn chế tụ tập, mua sắm đông người, hạn chế hoạt động của các Trung tâm thương mại... khiến nhu cầu mua bán hàng tiêu dùng tại nhiều thị trường giảm.

Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp dệt may.

Hiện tại, xu hướng chính của các đối tác nhập khẩu của Việt Nam là thông báo hoãn đơn hàng trong tháng 4, 5 và tạm thời chưa đàm phán đơn hàng từ tháng 6 trở đi (thông thường hàng năm, thời gian này đã là thời gian đàm phán cho các đơn hàng cuối năm).

Nguyên nhân chủ yếu được các nhà nhập khẩu vận dụng điều khoản Bất khả kháng (Force Majeure) khi nhiều nước yêu cầu đóng cửa các thành phố, thậm chí toàn quốc, người dân được yêu cầu ở nhà. Chính lý do này đã khiến các mặt hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ… gặp khó khăn ở thị trường đầu ra, đặc biệt EU và Mỹ là hai thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Theo Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh, trong tháng 5.2020, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 274 triệu USD, so tháng trước giảm 13,8%; (giảm 14,8% so với tháng cùng kỳ năm trước). Luỹ kế, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.567 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ, ước đạt 34,4% so với kế hoạch năm 2020.

Trong đó, đối với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 11,3 triệu USD, giảm 24,7% so với tháng trước, giảm 44,4% so với tháng cùng kỳ; chiếm 4,1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Lũy kế, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt 57,9 triệu USD (giảm 22,9% so với cùng kỳ). Một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu chủ yếu là hạt điều, cao su.

Đối với nhóm hàng công nghiệp chế biến, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 248 triệu USD, giảm 14,9% so với tháng trước (giảm 10,3% so với tháng cùng kỳ năm trước), chiếm tỷ trọng 90,5% so với tổng kim ngạch xuất khẩu. Luỹ kế, ước đạt 1.457,5 triệu USD (tăng 20,8% so với cùng kỳ).

Trong tháng 5.2020, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các nhóm hàng đều sụt giảm so với tháng 4.2020, trong đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến giảm mạnh. Sự sụt giảm so với tháng trước được thể hiện rõ ở các mặt hàng chính của nhóm hàng công nghiệp chế biến như: hàng dệt may giảm 9,8%; vải các loại giảm 1,9%; nguyên phụ liệu dệt may da giày giảm 46,2%; giày dép các loại giảm 3,8%; phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 25,5%...

Nhóm hàng hoá khác có kim ngạch xuất khẩu ước đạt 14,7 triệu USD, tăng 30,4% so với tháng trước (giảm 41,2% so với tháng cùng kỳ năm trước). Luỹ kế, ước đạt 51,8 triệu USD, giảm 44,3% so với cùng kỳ.

Thị trường hàng hóa xuất khẩu trong tháng 5 với các nước đối tác lớn của tỉnh đều bị sụt giảm so với tháng trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đó, thị trường ASEAN giảm 10,5% so với tháng trước; Trung Quốc giảm 13,4%; Nhật Bản tăng 16%; Hàn Quốc giảm 36%; EU tăng 3,9%; Hoa Kỳ giảm 10%...

Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp sản xuất giày trên địa bàn tỉnh.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của tỉnh với kim ngạch đạt 480,2 triệu USD. Tiếp đến là thị trường ASEAN đạt 215,1 triệu USD; thị trường Trung Quốc đạt 197,6 triệu USD; thị trường Campuchia đạt 138,3 triệu USD; thị trường EU đạt 113,6 triệu USD; Nhật Bản đạt 93,7 triệu USD; Hàn Quốc đạt 36,2 triệu USD.

Về tình hình nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu của tỉnh ước đạt 268,8 triệu USD, giảm 21% so với tháng trước (giảm 26,6% so với tháng cùng kỳ). Lũy kế, ước đạt 1.271 triệu USD, giảm 19,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, đối với nhóm hàng cần nhập khẩu: kim ngạch nhập khẩu ước đạt 240,8 triệu USD (giảm 26,6% so với tháng cùng kỳ), chiếm tỷ trọng 89,6% so với tổng kim ngạch nhập khẩu. Lũy kế, ước đạt 1.176,7 triệu USD (giảm 21,1% so với cùng kỳ năm 2019). Nhóm hàng cần nhập khẩu là những mặt hàng phục vụ nhu cầu đầu vào cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, như xơ, sợi dệt các loại; vải các loại; nguyên phụ liệu dệt may, da, giày; cao su các loại; hóa chất; sắn và các sản phẩm từ sắn...

Nhóm hàng cần kiểm soát có kim ngạch nhập khẩu ước đạt 2,9 triệu USD, giảm 20,4% so với tháng trước (giảm 88,5% so với tháng cùng kỳ năm trước), chiếm tỷ trọng 1,1% so với tổng kim ngạch nhập khẩu. Luỹ kế, ước đạt 25 triệu USD (giảm 56% so với cùng kỳ).

Nhóm hàng hoá khác ước đạt 25,1 triệu USD, tăng 22,6% so với tháng trước (tăng 86,1% so với tháng cùng kỳ), chiếm 9,3% so với tổng kim ngạch nhập khẩu. Luỹ kế, ước đạt 79,1 triệu USD (tăng 74,6% so với cùng kỳ).

Trong tháng 5.2020, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của tỉnh với kim ngạch 102 triệu USD, giảm 16,8,% so với tháng trước. Tiếp theo là thị trường ASEAN với kim ngạch nhập khẩu ước đạt 68,5 triệu USD, tăng 48,5% (trong đó, thị trường Campuchia ước đạt 42,6 triệu USD, tăng 54,2%); thị trường Hàn Quốc ước đạt 11,4 triệu USD, giảm 23,5%; tiếp đến là thị trường Hoa Kỳ ước đạt 25,2 triệu USD, tăng 6,6%; thị trường EU ước đạt 10,5 triệu USD, giảm 78,7%...

Giang Hà


Liên kết hữu ích