Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tháng 5, đến với công nhân: Cảm thấu những nỗi niềm
Thứ hai: 05:03 ngày 14/05/2012

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Làm việc căng thẳng, bận rộn ca kíp, thu nhập không cao, ăn ở tạm bợ, đời sống văn hoá nghèo nàn, điều kiện giao tiếp hạn chế… là mẫu số chung của số đông công nhân ở các khu, cụm công nghiệp

Tháng 5, cái nắng cháy da của thời tiết oi bức không làm chùn bước cả đoàn chúng tôi trong cuộc hành trình thực hiện chương trình “Vinaphone đồng hành cùng công nhân” tại các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Tây Ninh. Tôi là một trong gần mười người được VNPT Tây Ninh mời làm nhân vật đồng hành trong việc quảng bá cho chiếc sim mới ra mắt dành cho đối tượng công nhân với rất nhiều ưu đãi. Xen lẫn những niềm vui là những day dứt xốn xang, từ những câu chuyện tưởng chừng rất nhỏ về đời sống công nhân.

Chương trình của chúng tôi- vừa quảng bá sản phẩm vừa biểu diễn văn nghệ phục vụ công nhân được tổ chức thực hiện 3 đêm tại Khu Công nghiệp huyện Trảng Bàng, 2 đêm tại Nhà máy Việt Nam Mộc Bài (huyện Bến Cầu). Trong đoàn có các ca sĩ cùng đi. Họ tỏ ra bất ngờ khi thấy nhiều bạn công nhân khi tham gia giao lưu văn nghệ cũng tỏ ra có tài ca hát không thua gì ca sĩ. Một nữ công nhân Việt Nam-Mộc Bài cùng hát song ca với ca sĩ của chương trình đã đón nhận những tràng pháo tay giòn giã vang lên từ phía khán giả. Một công nhân tại Trảng Bàng chia sẻ: Thích ca hát và nhảy lắm, khi lãnh lương xong thường rủ các đồng nghiệp làm chung xưởng về Gò Dầu đi bar.

 “Hàng Việt đến với công nhân” tại Khu Công nghiệp Trảng Bàng- một hoạt động trong Tháng công nhân 2012.

Ham thích ca hát, máu mê văn nghệ tràn đầy nhưng số đông anh chị em công nhân- đặc biệt là những người trẻ thường không có điều kiện để thoả mãn niềm đam mê ấy. Có lẽ vì thế mà đôi khi họ gần như chiếm lĩnh sân khấu trong chương trình của chúng tôi. Họ hát, nhảy rất hăng say. Nhìn họ say sưa hát- mặc kệ nước da xanh xao có lẽ vì thiếu ánh nắng, mặc kệ vẻ hốc hác trên gương mặt có lẽ vì thức đêm tăng ca hay có thể vì thiếu dinh dưỡng mà chúng tôi thấy xúc động làm sao!

Đã có nhiều bài viết, nhiều buổi toạ đàm và cả đề tài nghiên cứu khoa học về xây dựng đời sống văn hoá tinh thần lành mạnh cho đối tượng công nhân tại các khu, cụm công nghiệp. Thế nhưng thực tế cho thấy: Việc tạo sân chơi văn hoá, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ về mặt tinh thần cho công nhân ở các khu, cụm công nghiệp – đặc biệt là ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không hề là chuyện dễ dàng. Một phần không nhỏ phụ thuộc vào tình hình, kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và cả “cái tình” của các ông chủ doanh nghiệp người nước ngoài đối với công nhân Việt Nam.

Cạnh Nhà máy Việt Nam Mộc Bài huyện Bến Cầu có một cái chợ bán hàng thực phẩm phục vụ công nhân. Sau giờ làm việc, công nhân có thể mua các thứ tại đây để nấu cơm chiều hay tấp vào gian hàng tạm nào đó, ăn vội cái gì đó rồi trở vào làm tăng ca. Trong lúc mấy anh kỹ thuật dựng sân khấu, chuẩn bị cho chương trình sinh hoạt, tôi có thời gian la cà quanh chợ. Một phụ nữ tuổi ngoài 40, bán bánh mì chả cá cho biết: Chị có con gái làm công nhân tại đây. Con đi làm xa nhà, thế là mẹ cũng khăn gói đi cùng, con vào ca làm thì mẹ cũng ra chợ với xe bánh mì nhỏ để mưu sinh.

Ngoài 2 điểm kể trên, chúng tôi cũng đã tìm đến Khu Liên hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Phước Đông- Bời Lời nhưng tiếc là chương trình đã bị “bể sô”. Bởi chúng tôi đến vào đúng cái ngày mà hàng chục công nhân của một công ty tại khu vực này bị ngất xỉu. Mới khoảng 14 giờ, công nhân đã kéo nhau bỏ xưởng ra về. Một nữ công nhân quê tận miền Tây, kể với chúng tôi tại quán cơm gần đó rằng: Do thức ăn trong bữa cơm của công ty bị hôi thối, công nhân không chịu ăn, không khí hoang mang bao trùm, nhiều người xỉu vì đói, mệt và vì sợ…

Lại nhớ khoảng một năm trước, tôi và cô bạn Minh Thư được mời làm MC cho Hội trại biểu dương công nhân tiêu biểu tại các khu, cụm công nghiệp tỉnh Tây Ninh tại Khu Công nghiệp huyện Trảng Bàng. Trong phần giao lưu, chúng tôi có phỏng vấn một nữ công nhân tiêu biểu tuổi đã ngoài 30. Trả lời câu hỏi: Chị mong ước điều gì trong tương lai? Chị trả lời: Mong ước có gia đình, có chồng, có con. Lúc ấy, ai cũng bật cười khi nghe những lời thật thà của chị. Lần này, thấy tôi trong chương trình “Vinaphone đồng hành cùng công nhân”, chị đã chủ động liên hệ gặp tôi sau cánh gà. Tôi nhận ra chị ngay và thật chạnh lòng khi hay tin chị vẫn đi về một mình một bóng. Mà cũng phải! Làm sao chị (và chắc chắn còn rất nhiều nữ công nhân khác nữa) có thể tìm cho mình một bờ vai ấm áp, khi mà nhịp sống hằng ngày của các chị dường như còn quá đơn điệu và quá thiếu cơ hội để có thể chạm tay vào hạnh phúc- một hạnh phúc bình dị mà ai cũng có quyền được hưởng. 

Làm việc căng thẳng, bận rộn ca kíp, thu nhập không cao, ăn ở tạm bợ, đời sống văn hoá nghèo nàn, điều kiện giao tiếp hạn chế… là mẫu số chung của số đông công nhân ở các khu, cụm công nghiệp (dĩ nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ nhưng không nhiều lắm). Chính vì thế, không hiếm khi chuyện tìm kiếm hạnh phúc riêng tư cũng trở nên không dễ dàng đối với họ.

Làm thế nào để công nhân quê mình bớt vất vả và bớt thua thiệt? Câu hỏi ấy bản thân tôi không giải đáp nổi, nhưng sao nó cứ canh cánh bên lòng…

Hồng Thanh

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục