BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tháng 6.2009: Bắt đầu giải quyết vấn nạn bao chiếm đất lâm nghiệp, sử dụng sai mục đích

Cập nhật ngày: 02/06/2009 - 10:45

Xử lý cả các trường hợp chặt bỏ rừng trồng

Mới đây, UBND tỉnh Tây Ninh đã có Quyết định số 875/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch giải quyết tình trạng bao, lấn chiếm và sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Tình trạng này xảy ra từ nhiều năm trước với diện tích bao chiếm lúc cao điểm lên đến khoảng hơn 10.000 ha. Sau nhiều năm nỗ lực giải quyết, diện tích đất lâm nghiệp bị bao chiếm giảm đáng kể. Tuy nhiên, hiện nay theo con số thống kê mới nhất, ở các dự án rừng và VQG Lò Gò- Xa Mát vẫn còn khoảng hơn 2.700 ha đất lâm nghiệp do 1.530 hộ bao chiếm sử dụng không đúng mục đích, trong đó đã trồng hơn 1.000 ha cao su và 785 ha cây ăn trái.

Cuối năm 2007, UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN-PTNT đề xuất giải pháp xử lý triệt để- nhất là đối với cây cao su và cây ăn trái đã trồng trên đất quy hoạch lâm nghiệp. Từ đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh đã họp bàn thống nhất phương án xử lý. Phương án giải quyết đất lâm nghiệp bị bao chiếm sử dụng sai mục đích được thực hiện như sau: “Đối với rừng đặc dụng: thực hiện cưỡng chế, chặt bỏ toàn bộ cây cao su, cây ăn quả để trồng lại rừng theo quy định. Đối với rừng phòng hộ: thực hiện phương thức trồng hỗn giao bằng cách chặt bỏ một băng cây cao su, cây ăn quả để trồng lại một băng cây rừng (loại cây bản địa như sao, dầu…), khoảng cách giữa các băng có thể từ 15 đến 25 mét”. Đầu tháng 12 năm 2008, UBND tỉnh có Tờ trình Bộ NN-PTNT về các giải pháp xử lý tình trạng sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Đầu tháng 2 năm 2009, Cục Lâm nghiệp thuộc Bộ NN-PTNT có văn bản gửi UBND tỉnh Tây Ninh có ý kiến là “Về cơ bản, Cục đồng tình với phương án giải quyết của UBND tỉnh”.

Giữa tháng 5 năm 2009, UBND tỉnh ký Quyết định số 875/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch giải quyết tình trạng bao, lấn chiếm và sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Theo Kế hoạch, trong tháng 5 mọi công tác chuẩn bị phải được hoàn tất, trong đó bao gồm: củng cố lại Ban chỉ đạo các cấp và thành lập các đoàn công tác tỉnh, huyện gồm Ban chỉ đạo và Tổ chuyên viên giúp việc; các chủ rừng chủ trì cùng với các đoàn công tác và các ngành liên quan thống kê lập danh sách, phân loại các đối tượng vi phạm. UBND tỉnh chọn VQG Lò Gò- Xa Mát làm điểm để chỉ đạo giải quyết tình trạng bao lấn chiếm đất lâm nghiệp sử dụng không đúng mục đích. Tháng 6 năm 2009 bắt đầu triển khai thực hiện việc xử lý tình trạng bao chiếm.

Biện pháp giải quyết cũng được nêu rõ trong Kế hoạch giải quyết. Cụ thể, đối với rừng đặc dụng (gồm VQG Lò Gò- Xa Mát và Khu rừng VH-LS Chàng Riệc): diện tích đang sản xuất cây nông nghiệp ngắn ngày phải chuyển sang trồng rừng theo quy định; diện tích đang trồng cây cao su, cây ăn quả thì phải chặt bỏ toàn bộ, trong đó đối với diện tích trồng đúng theo quy hoạch của chương trình 327 và 661 sẽ được đền bù vốn đầu tư và sử dụng số cây bị chặt bỏ; còn đối với diện tích bao, lấn chiếm trồng cây không đúng quy hoạch, sai mục đích thì không được đền bù mà chỉ được sử dụng số cây bị chặt. Riêng đối với Khu rừng VH-LS núi Bà cũng là rừng đặc dụng nhưng có đặc thù riêng do diện tích bao chiếm không nhiều- chủ yếu là trồng chuối và mãng cầu thì sẽ có biện pháp xử lý riêng. Đối với diện tích đang trồng cây cao su, cây ăn trái lâu năm có tán che rộng (như xoài, điều) trồng đúng quy hoạch của chương trình 327 và 661 ở rừng phòng hộ thuộc Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng thì thực hiện chặt bỏ theo đám để trồng cây bản địa (như sao, dầu) nhằm nâng cao giá trị phòng hộ và được đền bù vốn đầu tư và sử dụng phần cây bị chặt bỏ. Đối với diện tích đang trồng cây cao su, cây ăn trái có tán che rộng nhưng bao, lấn chiếm trồng không đúng quy hoạch, sai mục đích thì tiến hành chặt bỏ theo băng để trồng cây bản địa và không được đền bù mà chỉ được sử dụng phần cây bị chặt bỏ. Phần diện tích trồng cây bản địa sẽ được hưởng các quyền lợi theo quy định. Còn đối với các loài cây ăn quả khác không có tán che rộng thì phải chặt bỏ toàn bộ, trong đó diện tích trồng đúng theo quy hoạch được đền bù vốn đầu tư, được sử dụng phần cây bị chặt bỏ, còn diện tích trồng sai mục đích thì không được đền bù mà chỉ được sử dụng phần cây bị đốn bỏ. Riêng diện tích trồng cây nông nghiệp ngắn ngày phải chuyển sang trồng rừng theo mô hình DCs1 (sao, dầu xen cao su).

Kế hoạch giải quyết tình trạng bao, lấn chiếm đất lâm nghiệp sử dụng sai mục đích không chỉ xử lý các trường hợp trồng cây sai mục đích mà còn xử lý cả các trường hợp: cất nhà trái phép trong đất quy hoạch lâm nghiệp, tự cày phá diện tích rừng trồng, cấp giấy chứng nhận QSDĐ trong đất lâm nghiệp… Đối với các hộ không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế theo quy định. UBND tỉnh yêu cầu giải quyết tình trạng bao, lấn chiếm đất lâm nghiệp sử dụng sai mục đích phải tiến hành chặt chẽ, đúng pháp luật, theo lộ trình cụ thể phù hợp cho từng loại rừng, đúng với từng đối tượng vi phạm, đồng thời phải bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật- mọi trường hợp vi phạm đều phải được xử lý, không đùn đẩy kéo dài, không tạo tiền lệ xấu cho việc phát sinh các vi phạm tiếp theo.

SƠN TRẦN